Hàng trăm di tích bị mối mọt xâm hại nặng
Nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, hằng năm các di tích trong phố cổ Hội An phải đối mặt với nhiều đợt lũ lụt. Khi nước dâng đã tạo môi trường ẩm thấp để mối mọt sinh trưởng, phát triển nhanh. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phần lớn di tích ở Hội An đều đóng cửa, không sinh hoạt. Việc tạm dừng hoạt động, không có người ra vào cùng với độ ẩm không khí cao là điều kiện để mối mọt sinh sôi.
Một di tích ở khu phố cổ Hội An bị mối mọt xâm hại nghiêm trọng |
Nhiều di tích bị mối “tấn công” rất nặng vào các vị trí chịu lực của công trình như cột, xiên và kèo gỗ. Ngoài ra, một số vị trí dễ bị mối gây hại nhiều như cửa, vách, trần, sàn gỗ và nhiều vị trí khác dẫn đến gây mất an toàn, mất hình thức kiến trúc đặc trưng của di tích. Các di tích còn lại tuy không phát hiện nhiều dấu hiệu mối mọt đang hoạt động nhưng các kết cấu gỗ trong công trình đều có hiện tượng từng bị mối tấn công và có khả năng quay lại tiếp tục xâm hại gỗ.
Theo khảo sát mới đây của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An và Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình (Bộ NN&PTNT) tại 800 di tích ở phố cổ Hội An thì có 265 di tích bị mối mọt gây hại ở mức độ rất nặng.
Tại một di tích trên đường Nguyễn Thái Học, ông Trần Trung Hưng – cán bộ Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An chỉ ra những điểm tại cột nhà và xà nhà đang bị mối mọt xâm hại nặng.
“Tổng thể vật liệu gỗ tạo nên kiến trúc ngôi nhà cổ này đã có tuổi thọ trên 150 năm, là một công trình có giá trị rất lớn và được bảo tồn. Nhưng hiện tại, gian chính, cột, trụ của căn nhà này đều bị mối đục, ăn mòn từ chân đế lên dần đến các điểm nối giữa xà và cột gỗ… Nếu thời gian tới không kịp thời xử lý thì sẽ lân lan ra các vùng khác, mối mọt sẽ ăn và phá vỡ kiến trúc, kết cấu gỗ (giá trị đặc trưng tạo nên di tích phố cổ), làm sụp đổ cục bộ một phần di tích”, ông Hưng nói.
Phun thuốc diệt mối mọi xâm hại các di tích ở khu phố cổ Hội An. |
Nỗ lực bảo vệ di tích
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, biến đổi khí hậu làm gia tăng lượng mưa càng gây thêm ẩm mốc đối với các di tích gỗ. Riêng trong tháng 9 và tháng 10/2020, phố cổ Hội An phải “gồng mình” gánh chịu đến 8 cơn lũ lụt và mối xuất hiện dày đặc hơn. Mối mọt là một trong những nguy cơ gây xuống cấp nhanh một cách thường trực, mang tính thách thức.
Theo ông Ngọc, từ năm 2011-2013, Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam, Trung tâm đã phối hợp cùng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình thực hiện dự án "Phòng trừ côn trùng hại gỗ (mối mọt) trong khu phố cổ Hội An". Sau khi thực hiện, dự án đã mang lại hiệu quả và được đánh giá cao trong việc xử lý và phòng, chống mối cho toàn bộ phố cổ. Sau nhiều năm toàn khu phố đã không có mối gây hại, các loại thuốc, chế phẩm sinh học được dùng xử lý không gây ô nhiễm môi trường nên được người dân đồng tình ủng hộ.
Xử lý di tích bị mối mọt xâm hại bằng cách sử dụng thuốc diệt mối sinh học |
Trước thực trạng quay lại của mối mọt, hiện nay Trung tâm đang đề xuất triển khai dự án “Xử lý côn trùng gây hại gỗ khu phố cổ Hội An” để tập trung xử lý những di tích bị mối mọt xâm hại nặng và rất nặng. Mục tiêu của dự án là xử lý triệt để toàn bộ các tổ mối đang gây hại gỗ di tích, ngăn chặn sự quay trở lại công trình cũng như lây lan sang các di tích khác trong khu phố cổ, góp phần bảo vệ, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An.
“Việc chống mối mọt không phải cứ làm xong là xong, mà phải xác định đây là công tác duy tu bảo dưỡng, phát hiện và tiêu diệt. Vừa qua nhiều chủ nhà (di tích) cũng trao đổi với Trung tâm xin khảo sát, tuy nhiên, do dịch bệnh nên ảnh hưởng lớn tới kinh tế, địa phương chưa đủ kinh phí để sửa chữa. Giờ thành phố đang có dự án và trình tỉnh thẩm định. Nếu được phê duyệt chúng tôi sẽ đưa những di tích có mối mọt xâm hại vào xử lý”- ông Phạm Phú Ngọc cho biết.