Miền Trung: Oằn mình với “siêu bão” đổ bộ

30/09/2013 00:00

(TN&MT) - Các ban ngành, gười dân các tỉnh Nghệ An đến Quảng Ngãi đang chạy đua khẩn trương phòng chống cơn bão số 10 đổ bộ vào miền Trung.

   
(TN&MT) - Những trận gió mạnh thổi tung nhiều cây cối, mưa lớn dồn dập kéo dài trên địa bàn các tỉnh miền Trung, khiến hàng ngàn người lo sợ, vội vã tìm mọi cách có thể chống các thiệt hại mà gió bão gây ra. Các ban ngành và người dân các tỉnh Nghệ An đến Quảng Ngãi đang chạy đua khẩn trương cho công tác phòng chống cơn bão số 10 sẽ đổ bộ vào miền Trung.
   
  Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 10 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Trị khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Như vậy khoảng chiều và tối 30/9, vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Trị. Đến 22 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
   
  Do ảnh hưởng mưa của bão số 10, mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế trong ngày 30/9 sẽ lên nhanh. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1554/CÐ-TTg đề nghị các bộ, ban, ngành TƯ, và các địa phương triển khai các biện pháp đối phó với cơn bão số 10; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động phòng tránh nhằm giảm thiệt hại do bão, lũ gây ra. Các địa phương cần tập trung huy động mọi lực lượng sẵn sàng ứng phó với bão. Ủy ban Quốc gia TKCN, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Cảnh sát biển, các cơ quan chức năng theo dõi diễn biến của bão để chủ động cấm biển và bằng mọi biện pháp kêu gọi tất cả các tàu, thuyền về nơi trú bão; tổ chức neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú, kiên quyết không để người ở lại tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ, sẵn sàng xử lý khi các tình huống khẩn cấp do bão số 10 gây ra.
   
Các tỉnh miền Trung triển khai các phương án chống “siêu bão” 
    
   
  Các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công thương và Bộ Công an phối hợp các địa phương chủ động  phương án sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão, những nơi có khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất; cử người canh gác tại các khu vực ngầm, tràn, đò ngang, không cho đi qua những khu vực nguy hiểm; chuẩn bị các phương án bảo đảm an toàn hồ đập; đình hoãn các cuộc họp để tập trung cao cho các công tác phòng, chống bão; khẩn trương chằng chống nhà cửa, kho tàng công trình; chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học tại các địa phương bị ảnh hưởng lớn của bão. Tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị đối phó với bão, lũ theo phương châm bốn tại chỗ; công tác chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu tại những khu vực có khả năng chia cắt. Các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn triển các địa phương triển khai ngay các phương án đối phó với cơn bão số 10.
   
  Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, chiều và đêm (30/9), do ảnh hưởng mưa của bão số 10, mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế sẽ lên nhanh. Trong đợt lũ này, lũ các sông từ Quảng Bình đến Quảng Trị có khả năng lên mức BĐ2 - BĐ3; Thừa Thiên Huế lên mức BĐ1 - BĐ2, có nơi trên BĐ2.
   
   
Tại TP. Đà Nẵng, gió bắt đầu thổi mạnh. Hàng loạt nhà hàng hải sản trên đường Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Trường Sa phải đóng cửa để lo chèn chống. Hàng chục ngàn dân phải oằn mình với siêu bão số 10. Tại bờ biển thuộc tổ 22, phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), người dân dùng xe bò để đưa tàu thuyền và bè nuôi trên biển lên bờ tránh bão. Nhiều người dân tại đây cho biết: “Từ sáng sớm nay, xe lưu động của UBND quận Sơn Trà đi khắp phố thông báo về tầm ảnh hưởng của bão và yêu cầu người dân tổ chức chèn chống nhà cửa, công trình; đưa tàu thuyền, bè nuôi lên bờ để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại”.
   
  Công an TP. Đà Nẵng yêu cầu công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai các phương án phòng chống bão số 10. Từ chiều cùng ngày, các phòng nghiệp vụ và công an quận huyện huy động 100% lực lượng ứng trực, sẵn sàng cho các nhiệm vụ sơ tán dân tại các vùng nguy hiểm khi có lệnh. Lực lượng CSGT phối hợp với các cấp chính quyền, Sở GTVT, BĐBP thành phố nghiêm cấm ngư dân ra khơi đồng thời di chuyển tàu thuyền về khu vực trú bão, sắp xếp neo đậu an toàn, không để người dân ở lại trên tàu khi có bão. Ngoài yêu cầu chuẩn bị tốt công tác hậu cần, kiểm tra, phương tiện, trang thiết bị y tế để chủ động với dịch bệnh, vệ sinh môi trường.
   
Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân cũng đã chỉ đạo các tàu thuyền đang làm nhiệm vụ trên biển kịp thời bắn tín hiệu thông báo cho tàu thuyền ngư dân không đi vào khu vực có bão. Lữ đoàn 680 (Vùng 3 Hải quân) đã tăng cường lực lượng giúp ngư dân TP. Đà Nẵng đưa hàng trăm tàu công suất nhỏ lên bờ tránh bão. Bộ Tư lệnh Vùng cũng đã chỉ đạo cho Lữ đoàn 161, 172 chuẩn bị 5 tàu trực chiến làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và hướng dẫn tàu thuyền ngư dân vào trú tránh tại các Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi) và ven biển các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng. 2 tàu đầu kéo, 10 xuồng cao tốc, 12 xuồng cao su, 6 xe tải, 4 xe cẩu, 3 xe cứu thương, 5 xe ca và 4 cùng 200 CBCS sẵn sàng ứng cứu nhân dân tại địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng.
   
  Cũng tối 29/9, các cơ quan thông tin đại chúng thông báo chỉ thị của UBND Thành phố cho phép học sinh, sinh viên được nghĩ học ngày 30/9.
   
Dù mưa bão đang hoành hành nhưng tàu thuyền đã được neo đậu chắc chắn tại Âu thuyền Thọ Quang
    
   
Tại tỉnh Quảng Bình không còn tàu, thuyền nào của ngư dân trên biển. Toàn bộ 3.745 tàu, thuyền với 14.971 ngư dân đã vào bờ trú bão. Ðến trưa (30/9), tỉnh Quảng Trị có hơn 2.508 tàu, thuyền với hơn 6.405 thuyền viên đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh thông báo về hướng đi của bão số 10 nên đã vào trú tại các cửa biển cửa sông. Ngoài ra, còn có 11 tàu, thuyền ngoài tỉnh cũng đã biết thông tin vào trú ẩn tại các khu vực neo đậu an toàn. Theo ông Đoàn Đức Liêm - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh đã có công văn chỉ đạo tất cả các trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh cho học sinh nghỉ học từ ngày 30/9 cho đến khi hết bão số 10. Đồng thời chỉ đạo huy động lực lượng kiểm tra, bảo đảm cơ sở vật chất, bảo quản trang thiết bị dạy và học tuyệt đối an toàn trước bão và lũ.
   
Tại tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Chính - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã phát thông báo cho học sinh nghỉ học ngay ngày 30/9. Theo ông Chính, trước cơn bão số 10 đi rất khó lường, lãnh đạo các địa phương không được lơ là trong ông tác chuẩn bị trước, trong và sau khi bão vào, và đặc biệt, cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ chuyên trách không được tắt điện thoại. Những nhà cấp 4, không đổ mái bằng, nhà tạm bợ nằm trong diện di dời thì đã lên phương án chủ động di dời đến các địa điểm, các nơi kiên cố như nhà 2 tầng, trường học… và đảm bảo đủ lương thực cho bà con tại nơi sơ tán. Theo Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị đến nay toàn tỉnh  đã có 2.508 chiếc thuyền với 6.405 thuyền viên của địa phương đã vào bờ trú ẩn an toàn.
   
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Nam, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết các Đồn Biên phòng trên địa bàn đang tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương thông báo, thông tin cho ngư dân trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của Bão số 10 để chủ động phòng tránh. Đến ngày 29/9, tổng số tàu cá của tỉnh Quảng Nam đang hoạt động trên biển là  75 tàu với 2.340 lao động. Trong đó có đến 71 tàu với 2.306 lao động đang hoạt động đánh bắt xa bờ. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã cử đoàn vào Quảng Nam để kiểm tra công tác phòng chống bão, lên phương án sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra và thực hiện phương án di dân đến nơi an toàn.
   
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã lên phương án di dời khoảng 2.884 hộ với 11.561 nhân khẩu ở các vùng sạt lở, ven biển sơ tán đến nơi an toàn khi có bão lớn đổ bộ vào và nước lũ dâng cao. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã triển khai gần 30 ôtô, trong đó có tám xe tải, tám xuồng cao tốc, hai xe PTR 152, 10 phao tập thể, 5 máy nổ, hệ thống nhà bạt và hàng trăm áo phao cứu hộ. Đêm qua và rạng sáng nay, trước diễn biến vô cùng phức tạp và khó lường của cơn bão số 10, Công an TP. Huế đã triển khai 100% lực lượng ứng trực, kịp thời phối hợp, chủ dộng ứng phó các tính huống xảy ra. Đặc biệt, giúp dân giằng chống nhà cửa, di dời người và tài sản lên vùng cao, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả, triển khai lực lượng đảm bảo an ninh trật tự cho nhân dân đi tránh bão, lụt.
   
  Ngay trong đêm 29/9, lực lượng Công an TP. Huế đã di dời 300 hộ dân/hơn 1000 nhân khẩu ở khu vực 4, phường Phú Hậu. Đây là vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng của bão, lụt. Trên sông Kẻ Vạn, khu vực 7, phường Kim Long vẫn còn đó 40 đò ngang của người dân vạn chài, khai thác cát sạn neo đậu và hàng trăm thuyền du lịch neo đậu hai bên bờ sông Hương đoạn đi qua phường Phú Cát, TP Huế….lực lượng Công an TP Huế triển khai lực lượng đến từng khu phố, hộ gia đình tuyên truyền cho mọi người chủ động phòng tránh bão, lụt. Công việc di dời dân kết thúc vào lúc 1h30 sáng 30/9.
   
  Các điểm trọng yếu, nước sâu, chảy xiết dễ xảy ra tai nạn khi có lụt như Đập Đá, cửa Ngăn, cửa Quảng Đức, cửa Thượng Tứ và các cầu cống, kênh mương, trên các sông, hồ TP. Huế… đã được Công an bảo vệ, chốt chặn. Tại nhiều vùng khác như Phú Thuận, Phú Hải (huyện Phú Vang), Hải Dương (Thị xã Hương Trà)… đã được sơ tán hàng nghìn hộ dân trong đêm 29/9 vào nơi an toàn tránh bão.
   
  Vào cuối giờ chiều ngày 29/9, Đại học Huế và Sở GD&ĐT tỉnh đã thông báo đến giáo viên, phụ huynh và sinh viên, học sinh về việc cho phép nghỉ ngày thứ hai 30/9.
   
   
Tại tỉnh Quảng Ngãi, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Ngãi đã có công điện và văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp các máy ICOM cộng đồng thông báo diễn biến bão số 10; duy trì thông tin liên lạc với các tàu, thuyền trên biển để chủ động phòng tránh, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn; hướng dẫn tàu, thuyền đang hoạt động tại khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa di chuyển tránh trú bão an toàn. Cấm tàu, thuyền ra biển hoạt động, kể cả tàu vận tải tuyến Sa Kỳ- Lý Sơn và ngược lại từ 7 giờ ngày 29/9/2013. Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng phối hợp với các máy ICOM cộng đồng thông báo diễn biến bão số 10 duy trì thông tin liên lạc với các tàu, thuyền trên biển để chủ động phòng tránh, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn hướng dẫn 14 phương tiện/97 lao động hoạt động tại khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa di chuyển tránh trú bão an toàn.
   
  Trao đổi nhanh với Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng kiêm Phó trưởng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN TP. Đà Nẵng, cho biết: “Từ sáng sớm 30/9, Đà Nẵng đã yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp chống bão số 10. Ông Thắng cho biết, lo nhất là hàng chục ngàn sinh viên và công nhân đang học và làm việc tại các trường Đại học, các Khu Công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đang ở trọ trong những căn nhà không kiên cố. Chính vì vậy, Ban chỉ huy PCLB&TKCN TP. Đà Nẵng yêu cầu các quận có sinh viên, công nhân học tập và làm việc phải tổ chức cán bộ đến từng khu nhà trọ để thông báo phương án ứng phó, sẵn sàng sơ tán đến nơi an toàn nếu bão đổ bộ vào Đà Nẵng.
   
  Cũng theo ông Thắng, hiện nay trên sông Hàn, nơi cấm neo đậu tàu thuyền trong bão, vẫn còn gần 100 tàu thuyền đánh cá đang neo đậu. Điều đáng nói, phần lớn các chủ tàu sau khi cập bờ đã về quê nên việc di chuyển các tàu thuyền này đến nơi neo đậu là rất khó.
   
  Đến trưa ngày 30/9, Trung tâm Phòng chống Lụt bão miền Trung - Tây nguyên cho biết, các tỉnh có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão trong khu vực là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai sơ tán, di dời dân theo phương án, tổng cộng 11.642 hộ/50.127 người của 21 huyện, thị từ các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn, cụ thể: Quảng Bình có 7 huyện, thị với 6.111 hộ/27.148 người được sơ tán; Quảng Trị có 9 huyện, thị/20 xã, với 2.647 hộ/11.418 người và Thừa Thiên Huế có 5 huyện, thị/10 xã, với 2.884 hộ/11.561 người.
   
Tại Nghệ An, lực lượng Công an tỉnh được điều động đến vùng xung yếu ứng phó với cơn bão số 10. Sáng nay ngày 30/9/2013, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lâm – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Để phòng chống cơn bão số 10 đang tiến vào đất liền, Công an tỉnh đã điều động 900 cán bộ chiến sĩ đến các vùng xung yếu để cùng nhân dân và chính quyền địa phương ứng phó với bão lụt.Các địa phương được tăng cường lực lượng là các huyện ven biển nhưTX Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu,Quỳnh Lưu và một số vùng xung yếu khác trên địa bàn toàn tỉnh.
   
Rạng sáng ngày 30/9, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã phân công nhau đến các vùng xung yếu để trực tiếp chỉ đạo các lực lượng tham gia ứng phó với bão
        
    
   
  Được biết, ngay từ hôm qua 29/9/2013, Công an các địa phương theo mệnh lệnh đã trực tiếp hướng dẫn ngư dân sắp xếp tàu thuyền, lồng bè cá, chằng giữ nhà cửa kiên cố. Các lực lượng chức năng kiên trì thuyết phục ngư dân vào nhà kiên cố để tránh bão, kiên quyết không để người dân nào ở lại trên tàu thuyền khi bão vào.Đặc biệt, lực lượng CSGT đã huy động 100 cán bộ chiến sỹ để ứng trực trên các tuyến đường, nhất là tuyến QL1A và các tuyến Quốc lộ 7, 48 để kịp thời điều tiết giao thông, hướng dẫn các phương tiện tránh bão khi cần thiết.Theo đó, Các lực lượng công an trong tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm tra giữ gìn ANTT, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng mưa gió để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trộm cắp tài sản. Ngay trong đêm 29 rạng sáng ngày 30/9/2013, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã phân công nhau đến các vùng xung yếu để trực tiếp chỉ đạo các lực lượng tham gia ứng phó với bão.  
   
  Bài và ảnh: Xuân Lam – Thanh Hải– Thành Trung
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Trung: Oằn mình với “siêu bão” đổ bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO