Miền Trung: Hiệu quả từ việc huy động tổng lực phòng, chống thiên tai

Xuân Lam| 05/12/2020 17:15

(TN&MT) - Trong mấy tháng cuối năm 2020, bão, mưa, lũ dồn dập xảy ra tại một số tỉnh miền Trung gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Các cơ quan chức năng đã phát huy hết tinh thần và trách nhiệm cũng như công tác dự báo, phòng chống thiên tai, nhằm hạn chế mức thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra.

Trong mấy tháng cuối năm 2020, bão, mưa, lũ dồn dập xảy ra tại một số tỉnh miền Trung gây thiệt hại lớn về người và tài sản

Theo ông Đinh Phùng Bảo - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ, các tỉnh khu vực Trung Bộ từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã phải hứng chịu một lượng mưa lớn chưa từng thấy. Tổng lượng mưa đo được cả đợt từ 1.000 đến 2.000 mm, có nơi 2.000 đến 3.000 mm, cao gấp ba đến năm lần so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. 

Tại một số nơi, lượng mưa lớn chưa từng thấy trong lịch sử như Khe Sanh 2.451 mm so TBNN là 329 mm, Huế 2.370 mm so TBNN là 494 mm... Phổ biến, lượng mưa nhiều nơi đã vượt so TBNN từ 100 đến 200%, thậm chí ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nhiều nơi còn vượt 300  đến 400% so TBNN. 

Theo các số liệu thống kê, chỉ trong hơn 20 ngày kể từ 10/10, đã có bốn cơn bão liên tiếp ập vào các tỉnh miền Trung, trong đó bão số 9 có cường độ mạnh nhất trong 20 năm qua, lượng mưa cũng lớn hơn cơn bão năm 1999. Riêng tại Trung Trung Bộ, do mưa lớn liên tiếp từ hoàn lưu các cơn bão số 6, 7, 8 đã gây lũ chồng lũ khắp các sông suối hầu hết mực nước vượt qua mức lũ lịch sử các năm 1979, 1999. Lũ lên cao cùng với tình trạng sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng tại nhiều nơi đã làm 130 người chết và 18 người mất tích, trong đó, riêng sạt lở đất làm chết 64 người.

Trong khi các tỉnh Trung Bộ đang gồng mình khắc phục hậu quả thiên tai thì bão số 9 đổ bộ vào vùng Nam Trung Bộ, làm 36 người chết và 46 người mất tích, trong đó riêng  tỉnh Quảng Nam có 27 người chết, 20 người mất tích, chủ yếu do sạt lở đất. Hoàn lưu bão gây mưa to ảnh hưởng ra tận Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, gây thiệt hại không nhỏ tại  các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Kon Tum.

Các cơ quan chức năng đã phát huy hết tinh thần và trách nhiệm cũng như công tác dự báo, phòng chống thiên tai, nhằm hạn chế mức thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của bão trong tháng 10 đã làm hàng trăm nghìn căn nhà bị ngập, hư hỏng; hàng triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi; hàng loạt tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông khiến công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thêm khó khăn.

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, công tác phòng, chống thiên tai đã được hết sức chú trọng. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã có nhiều chỉ đạo và giải pháp quyết liệt phòng, chống nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Để hạn chế thiệt hại về người cũng như tài sản ở mức thấp nhất trước diễn biến phức tạp của mưa bão trong thời gian qua, ngành chức năng các tỉnh miền Trung đã có nhiều biện pháp dự báo cũng như phòng chống.

Cụ thể như tại TP. Đà Nẵng, khi có bão, lũ, ở các quận, huyện luôn triển khai ngay phương án phòng chống áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; khẩn trương sơ tán nhân dân, sinh viên, công nhân sống trong các nơi không kiên cố đến nơi an toàn. Tổ chức chằng chống nhà cửa, nhất là nhà tạm chờ tái định cư. Tổ chức neo, đậu lồng bè, nuôi trồng thủy sản; nghiêm cấm, không cho người ở lại trên lồng bè, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản cho tại các khu nuôi trồng thủy sản.

Nghiêm cấm nhân dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ đi lại trong vùng trũng thấp, ngập sâu, cầu tràn qua suối; chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống… sẵn sàng triển khai lực lượng phương tiện, trang thiết bị, cứu hộ, cứu nạn, chủ động hỏi thăm các gia đình có người gặp nạn do thiên tai gây ra. Đặc biệt, cả hệ thống chính trị của thành phố đều tham gia vào việc vận động người dân thực hiện các biện pháp ứng phó với bão, nhất là trước khi bão cập bờ. Cạnh đó, thành lập các tổ kiểm tra, giám sát việc triển khai các biện pháp chống bão.

Các lực lượng chức năng luôn thực hiện các kịch bản sẵn sàng phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai

Điều đáng nói, luôn thực hiện các kịch bản sẵn sàng phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Trong đó, có việc tiến hành lập danh sách các lực lượng túc trực ứng cứu tại các địa phương và có đầu mối để chỉ đạo ứng cứu. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho lực lượng ứng cứu, lệnh tổ chức các lực lượng ứng cứu phải có sự thống nhất của cấp trên, không tự ý triển khai lực lượng khi chưa có lệnh. Đồng thời các lực lượng công an, quân sự, biên phòng... luôn phối hợp tốt với nhau, bảo đảm hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Trung: Hiệu quả từ việc huy động tổng lực phòng, chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO