Miền Trung: Chống hạn ngay từ đầu năm

05/03/2015 00:00

(TN&MT) - Nắng nóng kéo dài trước và sau Tết khiến nhiều diện tích cây trồng đông - xuân ở các tỉnh miền Trung thiếu nước tưới. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm,...

(TN&MT) - Nắng nóng kéo dài trước và sau Tết khiến nhiều diện tích cây trồng đông - xuân ở các tỉnh miền Trung thiếu nước tưới. Trong khi đó, theo dự báo của ngành khí tượng- thủy văn các tỉnh miền Trung, khả năng hạn hán gay gắt sẽ diễn ra vào cuối vụ Đông - Xuân và đầu vụ Hè - Thu, nguy cơ mất mùa đang hiển hiện rõ. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, những giải pháp chống hạn đã và đang được các địa phương quyết liệt triển khai. 
 
Nguy cơ hạn nặng
 
Bình thường, mỗi năm miền Trung “đón” vài trận bão lũ, nhưng năm 2014 mưa ít nên mới đầu năm các hồ chứa ở miền trung mực nước rất thấp... Tại tỉnh Quảng Trị, lượng mưa chỉ bằng 62% so với năm 2013 và thấp nhất từ năm 1976. Mưa ít, dẫn đến lượng nước tích lũy tại các hồ đập thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp thấp đến mức báo động. Toàn bộ hồ đập trên địa bàn tỉnh đều chỉ đạt trên dưới 50% dung tích thiết kế (như Kinh Môn chỉ có 37%, Trúc Kinh hơn 38%, Đá Mài hơn 33%, La Ngà 52%, hồ chứa thủy lợi - thủy điện Quảng Trị đạt 38%). Theo tính toán của Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị, năm 2015 có ít nhất 4.000ha lúa thiếu nước tưới.
 
Từ giữa tháng 2 đến nay, tại khu vực hạ lưu sông Vĩnh Điện, một nhánh của sông Thu Bồn qua địa bàn huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam liên tục bị nhiễm mặn, nồng độ mặn có lúc lên đến hơn 3 phần ngàn. Tại trạm bơm Tứ Câu, nơi đảm bảo nước tưới cho gần 300ha lúa vùng Đông của huyện Điện Bàn, chi nhánh thủy lợi huyện chỉ bơm được trên 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày nên nguy cơ thiếu nước tưới cho cây lúa. Đây là tình trạng chung của hầu hết các cánh đồng dọc sông Vu Gia - Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam). Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu năm, nông dân các địa phương tập trung ra đồng tận dụng nguồn nước của chương trình thủy lợi hóa đất màu để tưới cho cây trồng. Bà Nguyễn Thị Luận (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc) thở than: “Năm ngoái mưa ít quá, thủy điện lại chặn trên đầu nguồn nên nước sông cạn khô. Nông dân chúng tôi trồng hoa màu ở triền sông lo ngay ngáy. Nếu nắng nữa, sông cạn thêm thì mấy sào hoa màu này chỉ có héo”. Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam, cho biết: Với lượng nước hiện nay thì đủ để phục vụ cho vụ Đông Xuân còn vụ Hè Thu thì chắc chắn thiếu nước. Nếu từ nay đến tháng 6 mà không có mưa thì chắc chắn sẽ hạn rất nặng, dẫn đến hạ du nhiễm mặn.
 
Nguy cơ hạn hán đang hiện rõ trên nhiều cánh đồng ở miền Trung
Nguy cơ hạn hán đang hiện rõ trên nhiều cánh đồng ở miền Trung
 
Trong khi đó tại huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi), những cánh đồng dọc sông Liêng thỉnh thoảng có những đám ruộng bị bỏ hoang, mặt ruộng đã khô trắng đất. Dọc theo sông Trà Khúc, tuyến sông của Quảng Ngãi được chắn bởi hệ thống đập dâng Thạch Nham, bình thường mọi năm người dân trồng lúa nước. Nhưng vụ Đông - Xuân năm nay, họ chuyển đổi qua trồng bắp và đậu ngắn ngày. 
 
Quyết liệt chống hạn
 
Những dự báo về tình hình thời tiết khá phức tạp buộc Quảng Nam điều chỉnh hàng loạt kế hoạch tưới tiêu, gieo trồng, cơ cấu giống (chọn loại giống ngắn - trung hạn, sử dụng ít nước), chuyển đổi sang cây trồng cạn ở cùng bấp bênh về nguồn nước, vận động người dân tiết kiệm nước, làm việc với các nhà máy thủy điện về kế hoạch điều tiết xả hợp lý...  Ngày 28/2 vừa qua, tại xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, Công ty Thủy lợi tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND huyện Điện Bàn tổ chức khởi công xây dựng đập thời vụ ngăn mặn giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện. Công trình đảm bảo nước tưới cho hơn 2.000 ha đất nông nghiệp vùng Đông huyện Điện Bàn và xã Hòa Quý, thành phố Đà Nẵng. Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Do mùa mưa năm ngoái ít, các hồ chứa vừa và lớn trên địa bàn tỉnh chỉ chứa nước ở mức trung bình so với hàng năm. Với lượng nước hiện nay chỉ đủ phục vụ cho vụ đông xuân, còn vụ hè thu chắc chắn thiếu nước, hạ du sẽ nhiễm mặn”. 
 
Đề phòng khả năng khô hạn diễn ra trên diện rộng phạm vi toàn tỉnh Quảng Ngãi trong các tháng mùa khô 2015 cũng đã được đặt ra ngay đầu năm. Theo ông Nguyễn Mậu Văn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, hiện ngành nông nghiệp tỉnh này đang có phương án lo chống hạn vào cuối vụ Đông xuân, đầu vụ Hè thu bằng việc tuyên truyền nhân dân tiết kiệm nước. Nạo vét thông thoáng kênh mương, sửa chữa các trạm, máy bơm để chống hạn. Đồng thời, theo dõi thời tiết bất lợi sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng qua bắp, đậu…
 
Theo ông Văn, các hồ chứa hiện đã đầy nước. Tuy nhiên, dù số lượng hồ nhiều (119 hồ chứa) nhưng dung tích chỉ đạt 120 triệu m³. Nếu không mưa, nắng nóng kéo dài thì cuối vụ đông xuân là hết nước. Sở NN&PTNT cũng đã đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ 25 tỷ đồng để triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất.
 
Trong khi đó, “Để đảm bảo thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công, tỉnh Quảng Trị sẽ mở các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác trên đất lúa chuyển đổi, tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về tình hình hạn hán và sự cần thiết của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tổng kinh phí thực hiện phương án chuyển đổi dự kiến gần 14 tỷ đồng” - ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết.
 
Đề phòng khả năng khô hạn diễn ra trên diện rộng phạm vi toàn tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Định cho biết: “Chúng tôi đang chống hạn dựa trên quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh do Chính phủ ban hành”.
 
Nắng gắt kéo dài ngay đầu mùa xuân tại miền Trung báo hiệu những đợt hạn hán khốc liệt. Hàng loạt giải pháp chống hạn đang được các địa phương chủ động triển khai để hạn chế nguy cơ hạn hán trên diện rộng, giảm thiệt hại cho ngành nông nghiệp.
 
Bài và ảnh:Võ Hà
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Trung: Chống hạn ngay từ đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO