Miền Trung: Bão số 10 qua, nỗi lo hồ đập ở lại!

01/10/2013 00:00

9TN&MT) - Bão số 10 đi qua, hiện trạng các hồ đập ở miền Trung xuống cấp từ lâu và thiếu sự quản lý đang là mối đe dọa trực tiếp đến hàng vạn hộ dân hạ du.

   
(TN&MT) - Những sự cố vỡ kênh, đập trong những ngày qua đều đã được cảnh tỉnh trước; thế nhưng để hạn chế và đảm bảo độ an toàn cho hệ thống hồ đập lại là câu chuyện “dài kỳ” làm đau đầu cơ quan quản lý. Bão số 10 vừa đi qua, hiện trạng các hồ đập ở miền Trung xuống cấp từ lâu đã được nhắc tới, nhưng lại thiếu sự quản lý đang là mối đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hàng vạn hộ dân vùng hạ du.
   
“Báo động đỏ” từ hồ chứa nhỏ
   
  Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống Lụt bão miền Trung - Tây nguyên, các tỉnh miền Trung hiện có 153 hồ chứa nước xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có 53 hồ chứa nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Sau đợt mưa bão số 10 vừa qua, các hồ chứa luôn trong tình trạng báo động đỏ.
   
Sau bão, miền Trung lại canh cánh nỗi lo nguy cơ vỡ hồ đập
    
   
  Số liệu báo cáo của Trung tâm Phòng chống Lụt bão miền Trung - Tây nguyên cho hay, tỉnh Quảng Bình có trên 147 hồ chứa nước lớn, nhỏ với dung tích chứa từ vài chục ngàn đến trên 80 triệu m³. Phần lớn hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã hư hỏng, xuống cấp do được xây dựng cách đây từ 30 - 40 năm. Các hồ như Trung Thuần (Quảng Trạch), Đồng Sơn (Đồng Hới), Trốc Vực xã Liên Trạch (Bố Trạch), Đồng Suôn xã Hưng Trạch (Bố Trạch), Khe Trám xã Lâm Trạch (Bố Trạch), Khe Chay xã Quảng Hợp (Quảng Trạch), Tú Loan xã Quảng Hưng (Quảng Trạch), Minh Cầm xã Mai Hóa (Tuyên Hóa) đang bị ngấm thân đập, nguy cơ vỡ rất cao.
   
  Còn Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện toàn tỉnh có 345 hồ chứa lớn nhỏ, 57 đập dâng với tổng dung tích trên 785,6 triệu m³ nước. Có 100 hồ chứa, đập nhỏ xuống cấp, trong đó 17 hồ đang ở mức “báo động đỏ”, nước bên trong lòng hồ thẩm thấu mạnh qua thân đập chảy ra ngoài, tình trạng xói lở, trượt, sạt mái hạ lưu, thân đập yếu, mặt cắt đập nhỏ, đập thấp, tràn không đảm bảo tiêu thoát lũ… tiềm ẩn nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của hàng chục ngàn hộ dân vùng hạ lưu.
   
  Tại Quảng Trị có 130 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có đại công trình thủy nông những năm 80 của thế kỷ trước như hồ Thạch Hãn, Rào Quán, La Ngà... nhưng phần lớn đang xuống cấp. Hồ La Ngà đang bị mối đùn thân đập gây thấm nước, sạt mái đập vùng thượng lưu. Hồ Trúc Kinh ngoài bị nước thấm còn bị lệch cửa tràn xả lũ. Đó là các hồ chứa lớn, những hồ nhỏ như hồ Triệu Thượng 1 và 2, hồ Dục Đức, Khe Lau, Miệu Bà, Trằm Bưởi, Khe Đá, Bản Của… xuất hiện sạt lở vùng hạ taluy ngoài, cửa cống bị hỏng nặng.
   
  Tương tự, hồ chứa nước Phú Bài 2 (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có dung tích hơn 6 triệu m³ được xây dựng cách đây hơn 30 năm. Do không được trùng tu thường xuyên nên đến nay, các hạng mục công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện, phần thân đập xuất hiện hàng chục điểm bị rò rỉ nước nguy cơ vỡ hồ trong mùa mưa lũ rất dễ xảy ra.
   
  Nhiều người dân sống xung quanh nơi đây cho hay: “Nước ở dưới hạ du so với mức nước trên lòng hồ chênh nhau hàng chục mét. Cách đây mấy năm đã có hiện tượng rò rỉ nước từ thân đập, qua đợt hoàn lưu bão vừa rồi cũng vẫn xuất hiện thêm vết rò rỉ khiến người dân sống dưới hạ du không thể yên tâm”.
   
  Còn tại tỉnh Quảng Nam, hiện có 73 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích gần 500 triệu m³. Trong số này có 56 hồ đập do huyện và xã quản lý vẫn giữ nguyên hiện trạng của 30 năm về trước. Nói là địa phương quản lý, nhưng do không có cán bộ được đào tạo chuyên ngành thủy lợi nên công tác quan trắc, đo đạc mực nước hồ, việc lưu trữ tài liệu, hồ sơ quản lý hồ gần như bỏ ngỏ.
   
  Đáng chú ý hiện nay là các hồ chứa nhỏ có nguy cơ mất an toàn, trong đó miền Trung có 12 hồ là hồ khối 7, Hương Lể, Trằm Bưởi, Khe Lau, Mụ Huyện, Trọt Giếng, Trọt Đâu - Trọt Đen (Quảng Trị), Hòa Mỹ (Thừa Thiên-Huế), An Long (Quảng Nam), Cây Khế, Đá Bàn, Tôn Dung (Quảng Ngãi). Ngoài ra, còn có đập Ea Kmiên 3, H.Krông Năng, Đắk Lắk do lượng nước về lớn hơn khả năng thoát lũ nên mực nước trong hồ dâng cao và có nguy cơ mất an toàn.
   
  Theo các chuyên gia, tình trạng chung của nhiều hồ đập nhỏ tại các tỉnh miền Trung là rò rỉ nước qua thân đập, cửa xả nước bị rỉ sét, lòng hồ bồi lắng, mái thượng lưu xuống cấp, tràn xả lũ xói lở, bể tiêu năng, cống lấy nước bị lún… Có một thực tế, mặc dù các hồ đập nhỏ đang tồn tại quá nhiều tại các tỉnh miền Trung, nhưng hầu hết lại được phân cấp cho cấp huyện và xã quản lý. Có lẽ vì điều này, chính quyền và ngành chức năng cấp tỉnh khó kiểm soát được tình trạng an toàn hồ đập mà chỉ nghe báo cáo từ cấp dưới.
   
   
“Thả nổi” cho cơ sở
   
  Theo quy định, việc quản lý hồ chứa nhỏ dưới 3 triệu m³ hoặc chiều cao thân đập dưới 15 mét được phân cấp quản lý cho xã. Nhiều xã lại giao cho hợp tác xã quản lý, vận hành, khai thác. Trong khi đó, trình độ, năng lực ở cấp cơ sở quá yếu, người quản lý không có chuyên môn nghiệp vụ, chưa qua đào tạo mà chủ yếu vận hành theo kinh nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, nhiều hồ chứa không đảm bảo an toàn trong mưa lũ chưa được kiểm định theo định kỳ. Chính vì thế, hàng vạn hộ dân sống dưới chân đập luôn nơm nớp nỗi lo bị nước cuốn trôi bất kì lúc nào, nhất là trong mùa mưa lũ.
   
  Trao đổi với báo chí, ông Võ Văn Điềm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, vấn đề quản lý hồ đập nhỏ đang vô hình chung bị thả nổi cho chính quyền cơ sở. “Địa phương chưa tổ chức được đội ngũ, đơn vị, cơ quan quản lý các hồ này. Hơn nữa, do việc thiếu kinh phí duy tu bảo dưỡng, khiến cho các hồ do địa phương quản lý cũng còn tồn tại nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề quản lý kỹ thuật theo quy định của Nhà nước, quản lý về sửa chữa, nâng cấp chưa được đầu tư đúng mức” - ông Điềm nói.
   
  Ngoài ra, điệp khúc thiếu kinh phí luôn hiện rõ với các hồ đập, nhưng nhận thức của chủ các hồ đập từ các đơn vị quản lý cũng sơ sài, dẫn đến nhiều cá nhân xâm chiếm hành lang bảo vệ đập, lợi dụng lòng hồ thả vật liệu gỗ, bè gây giảm hiệu quả lòng hồ. Trình độ cán bộ vận hành hồ đập không đáp ứng thực tiễn đang làm khó công tác phòng chống bão lụt tại các điểm nóng xuống cấp. Hệ thống giám sát, lưu trữ thông tin các hồ đập còn lạc hậu, các cảnh báo từ hệ thống hồ đập đến người dân hầu như không có khiến dân càng thêm lo lắng khi không biết rõ thông tin về những hồ nước họ sống kề cận.
   
  Mùa mưa bão đang vào cao điểm, lần nữa điệp khúc lo lắng hồ đập xuống cấp lại gióng lên, nhưng mọi thứ dường như đều trông chờ vào công tác “4 tại chỗ” một cách lơ mơ và một phần nào đó vào may mắn để vượt qua những điều không hay có thể xảy ra. Hơn ai hết, Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt các cấp cần khẩn trương lập đoàn kiểm tra với sự tham gia của các chuyên gia, cơ quan chuyên môn để đánh giá cụ thể về tình trạng hồ chứa và ký kết chịu trách nhiệm. Ban quản lý các hồ chứa cũng cần thực hiện nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương trong việc tích nước và xả lũ sao cho phù hợp.
   
  Bài & ảnh: Xuân Lam – Anh Dũng
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Trung: Bão số 10 qua, nỗi lo hồ đập ở lại!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO