Tiềm ẩn nhiều vẻ đẹp độc đáo
Theo các nhà khoa học, những vết tích địa chất tại Lý Sơn - Sa Huỳnh được hình thành từ hoạt động núi lửa cách đây khoảng 12 triệu năm và gần đây nhất là 3.000 năm. Những miệng núi lửa cổ đại ở khu vực đỉnh núi Thới Lới, Giếng Tiền và Bãi Sau phun trào hình thành nên đảo Lý Sơn ngày nay. Đảo núi lửa Lý Sơn còn lưu giữ khá nguyên vẹn tầng địa chất và là khu vực đa dạng di sản địa chất với các lớp địa tầng trầm tích núi lửa độc đáo, hiếm có trên thế giới.
Nghiên cứu địa chất ở mũi Ba Làng An xã Bình Châu, huyện Bình Sơn các chuyên gia phát hiện miệng núi lửa cổ sâu 4m, họng núi lửa âm rộng 30m2 cùng với nhiều rạn san hô cộng sinh dày đặc trên các đảo đá trầm tích. Với kết cấu địa chất quần thể đá bazan, đất đá ong, vết tích nham thạch núi lửa phun trào dày đặc, trầm tích của nham thạch đổ tràn thoải dần theo hướng biển kiến tạo địa hình, quang cảnh đẹp.
Về văn hóa, CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh lại mang đến sự thăng trầm của dòng chảy văn hóa cổ Sa Huỳnh giao hòa với Chăm-pa.
PGS. TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã nhận định, từ kiểu loại đất đá, các loại hình khoáng sản, dấu tích còn lại của miệng núi lửa, thác nước… có thể xem công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh là một bảo tàng địa chất ngoài trời sinh động với nhiều thành tạo địa chất.
Không chỉ tầng địa chất, núi lửa cổ và cảnh quan thiên nhiên, hang ngầm trên bờ, vùng biển Bình Châu - Lý Sơn cũng ẩn chứa nhiều di chỉ dưới nước độc đáo. Từ năm 1999, các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại đây 6 tàu cổ bị đắm hàng cùng hàng chục nghìn cổ vật, gốm sứ từ nhiều thế kỷ trước. Hiện nay, còn nhiều dấu vết của tàu cổ vùng biển Bình Châu, Lý Sơn và đang được khảo sát, thăm dò.
Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh có triển vọng để trở thành Công viên địa chất toàn cầu. Ảnh: MH |
Còn nhiều việc phải làm
Các chuyên gia Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và chuyên gia nước ngoài đã nghiên cứu thực địa nhiều địa điểm, vị trí vùng lõi và vùng phụ cận trong phạm vi 4.600km2 của CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh đều nhận định, CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh có đầy đủ tiềm năng, giá trị về địa chất lẫn văn hóa, khảo cổ học để được UNESCO công nhận là CVĐCTC. Tuy vậy, theo ông Guy Martini, Tổng Thư ký Chủ tịch hội đồng CVĐCTC, để UNESCO công nhận Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh là CVĐCTC cần tạo cho nơi đây diện mạo mới và nâng vị thế giá trị di sản lên tầm quốc tế.
Ông Guy Martini cho biết, việc bảo tồn khai thác tại CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh chưa thật sự hiệu quả. Di sản địa chất thiên nhiên, văn hóa có sẵn nhưng Quảng Ngãi vẫn chưa có địa lý chỉ dẫn, giới thiệu điểm vùng địa chất, địa mạo. Các cụm di sản có nhiều thắng cảnh đẹp, bảo tàng tự nhiên về núi lửa, san hô, di chỉ văn hóa Sa Huỳnh vẫn chưa xây dựng hệ thống thuyết minh, biển bảng giới thiệu cho du khách. Điều này cho thấy, công tác quảng bá của địa phương chưa được tốt.
PGS. TS Trần Tân Văn cho rằng, vấn đề môi trường ở CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh đang là một vấn nạn. Tại vùng lõi của di sản địa chất, di sản văn hóa dưới nước vùng biển Lý Sơn, Bình Châu và Sa Huỳnh rác thải tràn lan. Vùng biển văn hóa Sa Huỳnh, Bình Châu ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nguy cơ tác động đến địa mạo di sản, cảnh quan thiên nhiên. Trong khi đó, chính quyền chưa có giải pháp căn cơ giải quyết dứt điểm vấn nạn rác thải, ảnh hưởng lớn đến vùng địa chất, địa mạo và khó phát huy giá trị di sản.
“Đây là khu du lịch nổi tiếng, nhưng chúng tôi thấy lo ngại khi rác thải vùng ven biển vẫn còn quá nhiều. Cần phải có sự tham gia, hợp tác tích cực của chính quyền, cộng đồng địa phương. Để phát triển du lịch không thể ô nhiễm, đây là vấn đề cần giải quyết đầu tiên, không thể chậm trễ” - PGS. TS Trần Tân Văn lo lắng.
Ông Guy Martini tư vấn, trước mắt, tỉnh Quảng Ngãi cần thành lập Trung tâm Thông tin, tổ chức cho cộng đồng tại các điểm tham quan để người dân cùng tham gia bảo tồn, khai thác. Bên cạnh đó, Quảng Ngãi đang tập trung hoàn thiện và dự kiến nộp hồ sơ Công viên Địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh cho UNESCO tháng 11 tới. Sau đó, địa phương tiếp tục lập hồ sơ trình Ủy ban Di sản Quốc gia công nhận và trình lên Hội đồng Di sản thế giới để UNESCO công nhận Lý Sơn - Sa Huỳnh là Công viên Địa chất toàn cầu.