Lụt miền ngược
(TN&MT) - Các cụ ta có câu “Nước chảy chỗ trũng”. Vì thế, hàng chục năm nay, Đà Lạt - thành phố được mệnh danh nóc nhà Tây Nguyên - nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển hầu như thờ ơ với lụt. Bỗng một ngày gần đây, Đà Lạt bàng hoàng chứng kiến cảnh tượng nước ngập trắng phố sau mưa.
Cơn mưa ngày 23/6 đánh dấu trận lụt miền ngược đầu tiên xuất hiện chưa kịp khiến thành phố hoàn hồn thì chỉ chưa đầy 20 ngày sau, cơn mưa ngày 12/7 kéo dài tiếp tục hô biến Đà Lạt thành sông.
Chỉ đến khi trận lụt thứ hai xảy ra kèm theo sạt lở nghiêm trọng, nhiều người mới chịu chấp nhận sự thật trớ trêu rằng, lụt đã không buông tha Đà Lạt.
Rõ ràng, việc người dân Đà Lạt khó chấp nhận sự thật phũ phàng đó không phải không có căn nguyên.
Đã từng có một Đà Lạt ôn hòa nương theo tự nhiên và tôn trọng hệ thống dòng chảy, một Đà Lạt vắng thưa nhà trên những lưng chừng đồi, có chăng, sự xuất hiện được bố trí so le để khoảng hở cho gió vào và nước thoát từ trên cao xuống.
Thấp hơn một chút xuống vùng lõi đô thị, hệ thống thoát nước thải dân sinh của các khu vực công trình hai bên những đoạn đường dốc thường được đấu nối vào đường ống cái thoát nước chính dẫn xuống sông hồ. Thiết kế của thành phố cũng cho phép xây dựng chuỗi hồ từ cao xuống thấp, ngoài việc tạo cảnh quan thêm thơ mộng thì những hồ nước nhân tạo này có tác dụng tích nước để phục vụ sinh hoạt của cư dân cũng như điều tiết tốc độ dòng chảy khi mưa lớn xảy ra.
Còn đây Bản đồ quy hoạch hệ thống thoát nước trong đô thị với các hướng mạch lạc, rõ ràng. Hướng từ hồ Vạn Kiếp, hồ Bạch Đằng dẫn ra suối Cam Ly; hướng từ hồ Chiến Thắng, Mê Linh, Than Thở, Đa Thiện cũng thoát ra suối Cam Ly. Nó thông thái và hài hòa đến độ, nhà nghiên cứu Đà Lạt Uông Thái Biểu từng tâm đắc thốt lên rằng, Đà Lạt là một đô thị tuyệt vời gần gũi, tôn trọng thiên nhiên; những dòng suối nhỏ được thiết kế thành các con đập, biến thành loạt hồ nhân tạo - là hạt nhân để kiến thiết đô thị. Các hồ nước thông nhau là sự điều hòa tuyệt vời, tạo nên sự cân bằng sinh thái.
Nhưng, hình hài của đô thị Đà Lạt hôm nay đã có phần khác trước. Thành phố của những tên gọi mỹ miều với chuỗi hồ sinh thái đang chịu sự can thiệp thô bạo của con người. Có một hồ Vạn Kiếp đã không thành vạn kiếp vì được bồi lấp để xây nhà ở trái phép và lấy đất trồng rau… Có một thác Cam Ly cạn kiệt vì rác và bồi lắng phân nửa diện tích; Có một hồ Than Thở giờ đúng nghĩa thở than. Phía dưới hồ Than Thở là hồ Mê Linh làm nhiệm vụ thắng cảnh và điều tiết nước giờ cũng chịu chung số phận.
Nhiều tiền tỷ đã bỏ ra để nạo vét, cải tạo lòng hồ, thế nhưng, trong chuỗi hồ hình thành từ suối Cam Ly, hồ Xuân Hương được đầu tư tôn tạo thường xuyên nhất với 3 lần được xả hồ, tháo nước để nạo vét bùn đất, xây bờ kè, sửa chữa đập, cống xả tràn. Thế nhưng, sau những trận mưa lớn, lòng hồ cũng tràn ngập rác.
Khi hệ thống nhà kính dùng cho trồng trọt đã triệt tiêu chức năng thấm nước của đất, cộng với nghẽn mạch hệ thống thoát, chứa nước thì chuyện xảy ra đương nhiên phải xảy ra.
Trong một chia sẻ mới đây, Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn từng cho rằng, nên xây dựng thêm các "hồ điều tiết ngầm" với khối tích đủ lớn để tạm chứa nước khi mưa lớn, và chảy từ từ ra hồ suối sau khi mưa tạnh.
Đúng, hiện tại, với diện tích và quy mô dân số như Đà Lạt hiện nay, có thể chỉ cần 2 hồ điều tiết ngầm là đủ. Nhưng, nhìn về tương lai, đô thị cao nguyên này sẽ có độ nén bao nhiêu? Bao nhiêu phần trăm quy hoạch tôn trọng quy luật tự nhiên được tuân thủ và bao nhiêu phần trăm bị phá vỡ? Và số phận những Vạn Kiếp, Mê Linh, Than Thở đã ghi danh vào lịch sử và thơ, ca, nhạc, họa… thì sao? Đó là một câu trả lời của khoa học, của lương tri và trách nhiệm, và phải trả lời ngay khi còn chưa muộn. Bởi nếu không nhanh chóng trả các hồ chứa nước về tình trạng ban đầu, không trả hệ thống “liên hồ chứa” trong lòng thành phố theo quy luật tự nhiên vốn có, e rằng, lụt miền ngược sẽ tiếp tục tấn công và gây ra những hệ lụy nặng nề hơn.