Từ một tầm nhìn chiến lược…
Tầm nhìn của Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu là đến năm 2100 sẽ đưa khu vực này phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Mô hình tôm - lúa đem lại thu nhập tăng gấp 2 - 3 lần so với mô hình chuyên lúa |
Nghị quyết lần này đã đưa ra chiến lược dài hơi cho đồng bằng theo hướng thích ứng “thuận thiên”, tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên; chuyển tư duy nông nghiệp từ “tăng gia sản xuất” sang làm “kinh tế nông nghiệp” chú trọng chất lượng, hiệu quả kinh tế.
Ngoài việc quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường, thì tái cấu trúc nông nghiệp phải theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Cụ thể là quá trình tái cơ cấu phải chú trọng đến việc đổi mới cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo tính hài hòa trong việc phân chia lợi ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Vấn đề quan trọng khác là tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, tạo các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao. Đưa nhanh các công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, gắn với đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, khuyến khích nông dân khởi nghiệp cùng với nâng cao tri thức kinh doanh nông nghiệp cho nông dân.
…Đến chuyện ‘con tôm ôm gốc lúa’
Tôm - lúa được đánh giá là mô hình thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với định hướng trong Nghị quyết số 120 của Chính phủ.
Thu hoạch tôm trong hệ thống canh tác tôm - lúa tại huyện Thới Bình (Cà Mau) |
Mô hình canh tác tôm - lúa là hệ thống canh tác đặc thù của những vùng bị nhiễm mặn theo mùa tại các tỉnh ven biển ĐBSCL (mặn xâm nhập từ tháng 12 đến tháng 5 hằng năm). Vào mùa mưa là thời vụ trồng lúa vì tận dụng được nguồn nước mưa để rửa mặn, ngọt hóa đồng ruộng. Các tháng còn lại đều bị nước mặn xâm nhập, ruộng lúa lại trở thành vuông tôm với phương thức lấy giống và thức ăn tự nhiên.
Năm 2000, diện tích nuôi tôm - lúa ở ĐBSCL đạt khoảng 71.000 ha, đến năm 2020, tăng hơn 211.900 ha, sản lượng ước đạt hơn 84.700 tấn. Trong số này, nhiều nhất là Kiên Giang khoảng 100.000 ha, Bạc Liêu hơn 57.800 ha, Cà Mau hơn 38.000 ha, Sóc Trăng khoảng 9.700 ha. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, mô hình nuôi tôm - lúa mặn - lợ có thể nuôi 2 vụ, một vụ tôm và một vụ lúa; hiệu quả kinh tế đạt 60 - 70 triệu đồng/ha/năm.
Các chuyên gia nông nghiệp đánh giá, hệ thống canh tác tôm - lúa, hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng tài nguyên nước hợp lý theo từng thời điểm, thích ứng với điều kiện tự nhiên, thời tiết khí tượng thủy văn, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với sản xuất nông nghiệp, từ đó, nâng cao giá trị hàng hóa, tăng lên từ 2 - 3 lần so với chỉ trồng cây lúa. Ngoài ra, mô hình này giải quyết được vấn đề ô nhiễm nguồn nước, ‘lão hóa’ vùng nuôi tôm, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, tạo điều kiện giúp nghề nuôi trồng phát triển bền vững.
Đáng chú ý, một trong những ưu điểm và mang lại nhiều lợi ích chính là làm thay đổi tập quán, tư duy sản xuất theo kiểu truyền thống của nông dân sử dụng vôi hay các loại hóa chất khác trong xử lý ao nuôi. Tập quán và thói quen canh tác này về lâu dài sẽ làm cho đất bị 'vôi hóa' và ô nhiễm môi trường từ các hóa chất không rõ nguồn gốc. Ngược lại, sử dụng các chế phẩm vi sinh sẽ góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm sạch.
Đơn cử tại Bạc Liêu - thủ phủ của mô hình nuôi tôm - lúa, từ lâu đã lan tỏa mô hình này theo hướng hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm - lúa. Nắm bắt lợi thế này, thời gian qua, thị xã Giá Rai đã chỉ đạo phát triển mô hình lúa - tôm, nhằm từng bước làm thay đổi thói quen trong sản xuất độc canh con tôm và tư duy sản xuất của người nông dân, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện sản xuất đa canh trên cùng một đơn vị diện tích. Theo đó, diện tích áp dụng mô hình này ngày càng tăng, đến năm 2019, thị xã Giá Rai có hơn 3.000ha lúa - tôm.
Thực tiễn cho thấy, khi áp dụng mô hình lúa - tôn, lúa ít sâu bệnh, ít bón phân, môi trường đồng ruộng được cải tạo tốt, góp phần giảm rủi ro cho vụ tôm. Từ đó, năng suất lúa đạt 5 tấn/ha, tôm khoảng 400kg/ha, tổng thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/ha.
Hiện nay, từ hiệu quả kinh tế cũng như tính bền vững mà mô hình tôm - lúa mang lại, nhiều tỉnh, thành đã tập trung đầu tư để mở rộng diện tích canh tác theo mô hình này. Ngoài ra, nhiều nơi nông dân còn tận dụng đất bờ vuông để trồng các loại rau màu tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể. Từ đó, mô hình làm ăn đa canh trên vùng đất ngập mặn được hình thành, mở ra hướng đi bền vững cho nông dân ĐBSCL.