Lựa chọn đơn vị thăm dò, khai thác cát tại Sơn La: Tính hai mặt của một vấn đề

27/07/2016 00:00

(TN&MT) – Căn cứ theo khoản 6, Điều 12, Nghị định số 15/2012/NĐ-CP, ngày 9/3/2012 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật Khoáng sản 2010, UBND tỉnh Sơn La đã đưa các khu vực thăm dò, khai thác cát trên sông Mã thuộc địa bàn huyện Sông Mã vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

“Quan điểm của tỉnh Sơn La là doanh nghiệp nào tiến hành thăm dò, khai thác cát, phải có phương án phù hợp để tận dụng được nguồn lực sẵn có từ địa phương” – ông Bùi Đức Hải, PCT UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh.
“Quan điểm của tỉnh Sơn La là doanh nghiệp nào tiến hành thăm dò, khai thác cát, phải có phương án phù hợp để tận dụng được nguồn lực sẵn có từ địa phương” – ông Bùi Đức Hải, PCT UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh.

Sơn La nóng vội vì đâu?

Trao đổi với PV về diễn biến quá trình cấp phép thăm dò, khai thác cát, ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết: Ngày 29/10/2015, UBND tỉnh Sơn La ban hành công văn 3245/UBND-KTN giao cho C.ty CP Đầu tư Tài chính, Thương mại dịch vụ FICO (gọi tắt là C.ty FICO) là chủ đầu tư thực hiện dự án thăm dò, khai thác cát sông Mã.

Tuy nhiên, sau đó, UBND tỉnh đã nhận được đơn kiến nghị của C.ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Thành Long và phản ánh của một số cơ quan báo chí về việc lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án chưa đúng quy trình.

Tại thời điểm 7 đơn vị nộp hồ sơ tham gia thăm dò, khai thác cát tại Sơn La đều chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1, Điều 47, Luật Khoáng sản năm 2010. Tuy nhiên, trong 7 công ty dự thầu có C.ty FICO có năng lực tài chính, kinh nghiệm khai thác, hệ thống máy móc vượt trội hơn cả. Chính vì vậy, UBND tỉnh Sơn La đã đồng ý cho C.ty FICO được quyền thăm dò, khai thác cát tại sông Mã.

Tuy nhiên, từ sau khi C.ty FICO được UBND tỉnh Sơn La trao quyền thăm dò, khai thác cát tại sông Mã thì nhận được không ít điều tiếng từ dư luận.

Chính vì vậy, mới đây UBND tỉnh Sơn La ban hành công văn số 2039/UBND-KT, ngày 30/6/2016 giao cho Sở TN&MT chủ trì và tham mưu, đồng thời xem xét lại việc ban hành Công văn số 3245/UBND-KTN, ngày 29/10/2015 mà trước đó UBND tỉnh Sơn La trao quyền thăm dò, khai thác cát tại sông Mã cho C.ty FICO.

Ông Bùi Đức Hải, cho biết thêm: “Trong thời gian tới, UBND tỉnh đã giao cho Sở TN&MT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan rà soát thực hiện lại quy trình tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh việc lựa chọn đơn vị thăm dò, khai thác cát sông Mã. Nếu quá trình thẩm định thuận lợi, vẫn cần lộ trình ít nhất khoảng 6 tháng để thực hiện toàn bộ quá trình một lần nữa. Trong khoảng thời gian này, để dẹp yên nạn khai thác cát trái phép tại địa bàn Sơn La là một bài toán khó.”

Như vậy, Sơn La có nóng vội trong việc cấp phép thăm dò, khai thác cát tại sông Mã cho phía FICO, không phải không có lý do. Trước vấn nạn các hộ dân tham gia khai thác cát trái phép ồ ạt trên các sông lớn nhỏ của Sơn La trong thời gian qua khiến ai ở trong vị trí của những người đứng đầu địa phương cũng không tránh khỏi lo âu; nguồn khoáng sản bị đánh cắp, thuế của Nhà nước bị thất thu, tình hình trật tự an ninh bất ổn. Đặc biệt, tại các xã vùng biên giới... và bên cạnh đó, môi trường bị hủy diệt...

Chính lẽ đó, tỉnh Sơn La có chủ trương: Khi có doanh nghiệp đủ năng lực về tài chính, phương tiện máy móc, kinh nghiệm khai thác cát tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp được tổ chức thăm dò, khai thác cát trên toàn địa bàn tỉnh, không riêng gì sông Mã. Và đó cũng là một trong những biện pháp dẹp loạn nạn "cát tặc" đang hoành hoành nhiều năm nay ở địa phương này, góp phần bảo vệ môi trường, tăng thu cho ngân sách địa phương, tránh thất thoát tài nguyên.

Chính vì vậy mà Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh Sơn La giao cho C.ty FICO thăm dò, khai thác cát tại sông Mã. Ai cũng hiểu việc ban hành một chủ trương, chính sách bao giờ cũng mang tính thời điểm và giai đoạn. Chính vì vậy mà việc điều chỉnh, bổ sung được thực hiện theo từng năm, từng giai đoạn. Nói như vậy không có nghĩa Sơn La cứ ban hành văn bản rồi lại sửa sai. Nhưng đó là quy luật của sự phát triển và điều quan trọng là việc hoàn thiện, điều chỉnh dần các văn bản pháp quy của Nhà nước khi áp dụng vào thực tiễn tại địa phương. Sơn La cũng không thể tách mình khỏi quy luật chung ấy; mấu chốt của vấn đề không nằm ở việc định tội ai đó mà điều quan trọng là ở thái độ và hành vi trước những sai lầm. Đây là nguyên nhân chính để UBND tỉnh Sơn La ban hành Công văn số 2039/UBND-KT, ngày 30/6/2016. 

Hàng chục tàu hút cát đã được người dân đầu tư, nếu không sớm cấp phép cho doanh nghiệp, rất khó để dẹp yên nạn “cát tặc” trên dòng sông Mã.
Hàng chục tàu hút cát đã được người dân đầu tư, nếu không sớm cấp phép cho doanh nghiệp, rất khó để dẹp yên nạn “cát tặc” trên dòng sông Mã.

Thất thoát tài nguyên, ai chịu trách nhiệm?

Được biết, từ năm 2009 đến nay, tình trạng khai thác cát trái phép trên dòng sông Mã, thuộc địa bàn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La diễn ra ngày càng phức tạp. Số lượng phương tiện khai thác đã tăng từ 44 hộ gia đình với 49 phương tiện khai thác (năm 2009) lên 61 hộ gia đình với 82 phương tiện khai thác (năm 2015). Nhiều hộ dân đã đầu tư cả trăm triệu đồng để mua tàu hút cát, ngang nhiên “phớt lờ” lệnh cấm để tận thu khoáng sản.

Nếu cứ để tình trạng trên tiếp diễn trong thời gian dài, với đặc thù là huyện vùng biên giới, tình hình an toàn trật tự chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Đi kèm với đó là hàng loạt các nguy cơ lớn khác như việc thất thoát, lãng phí thuế tài nguyên; nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt; gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, thay đổi dòng chảy, suy giảm đa dạng sinh học; sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến diện tích đất ở, đất canh tác của người dân… Khi đó, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Xin thưa, sẽ chẳng ai khác ngoài đơn vị chuyên môn là Sở TN&MT và chính quyền các cấp tại địa phương.

Đặt mình vào bối cảnh chung ấy, Sở TN&MT Sơn La; đơn vị tham mưu cho tỉnh không thể bàng quan trước thực tế này. Công bằng mà nói, tại thời điểm Sở này tham mưu cho tỉnh ban hành công văn số 3245 chấp thuận cho C.ty FICO một đơn vị có đủ điều kiện và năng lực được phép thăm dò, khai thác cát sông Mã có nguyên nhân chủ quan và khách quan như đã nêu.

Trong bối cảnh Sơn La thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ "trải thảm đỏ" để mời gọi các nhà doanh nghiệp đến đầu tư tại địa bàn. Tuy nhiên, ngành khai thác khoáng sản không nằm trong chủ trương kêu gọi, khuyến khích đầu tư, khai thác. Song, cùng với nhịp độ phát triển hạ tầng tại Sơn La và một số vùng lân cận thì tỉnh không thể không cấp phép khai thác cát để phục vụ các công trình, xây dựng phát triển hạ tầng của địa phương.

6 bước triển khai quy trình cấp giấy phép thăm dò 11 điểm cát tại Sơn La:

Bước 1: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo và tổ chức tiếp nhận  hồ sơ cấp phép thăm dò cát trên sông Mã thuộc địa bàn huyện Sông Mã (hồ sơ theo khoản 1 Điều 47 Luật khoáng sản năm 2010), cụ thể:

Khi nhận được hồ sơ của tổ chức, cá nhân đầu tiên có nhu cầu thăm dò cát, Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo công khai tên tổ chức, cá nhân đó, tên loại khoáng sản và vị trí khu vực đề nghị thăm dò khoáng sản tại Sở Tài nguyên và Môi trường và trên trang thông tin điện tử của UBND tỉnh Sơn La.

Thời gian tiếp nhận và thông báo về hồ sơ đề nghị thăm dò khoáng sản của các tổ chức, cá nhân khác là 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thăm dò cát của tổ chức, cá nhân đầu tiên.

Bước 2: Tổ chức, lựa chọn tổ chức, cá nhân để cấp giấy phép thăm dò.

- Hết thời gian 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thăm dò cát của tổ chức, cá nhân đầu tiên, Sở Tài nguyên và Môi trường không tiếp nhận hồ sơ và tiến hành lựa chọn tổ chức, cá nhân để cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 15/2012/NĐ-CP.

Thời gian lựa chọn tổ chức, cá nhân để cấp Giấy phép thăm dò cát là 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thông báo.

-  Hết thời hạn 5 ngày làm việc, trường hợp lựa chọn được hồ sơ của tổ chức, cá nhân để cấp phép thăm dò, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản tiếp nhận hồ sơ và thông báo công khai tên tổ chức, cá nhân được lựa chọn tại trụ sở cơ quan và trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Đối với các tổ chức, cá nhân không được lựa chọn để cấp Giấy phép thăm dò cát, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị thăm dò cát về lý do không được lựa chọn.

Bước 3: Tổ chức cấp giấy phép thăm dò, khai thác cát cho tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh lựa chọn.

Bước 4: Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò tổ chức thi công đề án thăm dò đã được UBND tỉnh chấp thuận và cấp phép.

Bước 5: Hội đồng phê duyệt trữ lượng của UBND tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo kết quả thăm dò trình UBND tỉnh phê duyệt.

Bước 6: Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kết quả thăm dò, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn tổ chức cá nhân có nhu cầu khai thác lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác cát, tổ chức thẩm định theo qui định pháp luật và trình UBND cấp giấy phép.

Bài & ảnh: Trần Hương - Nguyễn Nga

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lựa chọn đơn vị thăm dò, khai thác cát tại Sơn La: Tính hai mặt của một vấn đề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO