Lựa chọn cho tương lai

Ngọc Lý| 19/09/2019 09:56

(TN&MT) - Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bên cạnh những tác động tích cực đến việc phát triển xây dựng các thành phố cũng sẽ kéo theo mối đe dọa cuộc sống hàng ngày của con người, đặc biệt là gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.

Điều này mới nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực tiễn cho thấy, một tổng số quyết định của các cá nhân thường không dẫn đến một lợi ích chung. Chẳng hạn, mong muốn đưa hàng hóa từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng nhanh nhất, ít chi phí nhất, thì nhà máy phải đặt gần khu dân cư. 

Lợi ích này, doanh nghiệp hưởng. Nhưng ngược lại, người dân lại hứng chịu tác động tiêu cực về môi trường sống.

do thi
Ảnh minh họa.

Đó là ở phạm vi địa phương. Những vấn đề này còn bao gồm cả xu hướng dịch chuyển các ngành công nghiệp ô nhiễm từ các nước giàu đến các nước nghèo hơn và toàn cầu hóa cả quá trình ra quyết định sử dụng đất đô thị bởi các tập đoàn kinh tế, trong đo, rất ít lợi ích được dùng để hỗ trợ, cải thiện điều kiện sống tốt tại các thành phố địa phương, nơi thường không được hưởng những lợi ích từ quá trình này.

Thực tế cho thấy, khi môi trường sống bị xuống cấp nghiêm trọng trong một khoảng thời gian ngắn; khi các cộng đồng dân cư phải rời bỏ nơi ở, nơi tái định cư vì quá trình hiện đại hóa và những dự án lớn và khi con người bị cách ly sống trong các khu ổ chuột hay nghèo khổ cùng cực, trong khi thành phố ngày càng sung túc hơn, chứng tỏ rằng có gì đó không đúng đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta!(?).

Bởi vậy, xu hướng dịch chuyển để “hài hòa” lợi ích là điều mà các Chính phủ thường đặt ra và buộc doanh nghiệp phải thực hiện để hướng tới chung mục tiêu là phát triển nền kinh tế xanh. Nhưng làm được điều này là không dễ. Ở đâu có những đổi mới về tư duy, cách nghĩ, quan tâm đến điều kiện sống của người dân, ở đó thường hướng tới các vấn đề như cải tạo, không gian đô thị xanh, các công viên và các tiện nghi công cộng, còn không, sẽ theo chiều ngược lại.

Đã có nhà nghiên cứu chỉ ra rằng: Xu hướng tương lai của người tiêu dùng toàn cầu là chăm sóc sức khỏe, ăn sạch, ở sạch, được sống trong môi trường trong lành và an ninh. Xu hướng tiêu dùng cũng chính là xu hướng của nền kinh tế vì phát triển kinh tế để phục vụ nhu cầu của con người. Điều đó trùng với quan điểm phát triển nền kinh tế xanh dựa trên rất nhiều lợi thế của Việt Nam, chúng ta không nên tốn tiền lao vào cuộc tranh giành lợi thế với ai, chỉ cần đầu tư đúng các lợi thế riêng sẽ tạo được thay đổi rất lớn cho đất nước.

Những đô thị với nhiều nhà cao tầng sẽ chẳng thể là điều vui mừng khi những người nông dân nhường đất cho các đô thị vẫn phải sống chật vật bên lề đô thị.

Những nhà máy công nghiệp bề thế, sừng sững sẽ không phải là niềm vui khi vì nó mà vùng đất xung quanh khô cằn, nguồn nước ô nhiễm.

Thế nên, lựa chọn đúng đắn cho tương lai, Nhà nước cần chú trọng đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn song song với việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ phục vụ cho kinh tế xanh. Bởi lẽ, các dự án công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo, xây dựng công nghiệp phụ trợ để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu… là cuộc đua rất tốn kém, mệt mỏi, để lại hậu quả khó lường về môi trường và không tạo được lợi thế so sánh lâu dài.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lựa chọn cho tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO