Lợi dụng giao khoán rừng Sơn Trà, xây công trình trái phép

15/02/2017 00:00

(TN&MT) - Bán đảo Sơn Trà có diện tích 4.439 hecta đất liền. Đây là bán đảo được xem là “viên ngọc quý” với bờ biển dài, uốn lượn cùng hệ động thực vật đa dạng. Tuy nhiên, hiện trên diện tích đất rừng được giao khoán nhiều hộ dân đã xây dựng nhà trái phép để ở, mở hàng quán kinh doanh du lịch, gây ảnh hưởng đến hệ động thực vật phong phú và quý hiếm tại đây.

Trên diện tích đất rừng được giao khoán nhiều hộ dân đã xây dựng nhà trái phép để ở
Trên diện tích đất rừng được giao khoán nhiều hộ dân đã xây dựng nhà trái phép để ở

Qua ghi nhận của PV, trên diện tích đất rừng được cơ quan chức năng giao khoán cho các hộ dân để trồng và bảo vệ rừng, có hàng chục công trình được xây dựng trái phép với mục đích khác nhau để hoạt động. Cụ thể, dọc tuyến đường dẫn đến Trạm phát sóng DRT, hai bên bìa rừng cũng có gần chục công trình nhà xây dựng kiên cố. Đáng chú ý có hai ngôi nhà biệt thự được xây dựng khá lớn.

Tiếp tục vòng quanh phía chân núi Sơn Trà, có thể dễ dàng nhận thấy quán cà-phê Núi Đá của ông Lê Viết Hoàng được đầu tư xây dựng khá bề thế. Để lên được lưng chừng đỉnh núi, phải vượt qua những bậc tam cấp ngoằn ngoèo. Ngoài những chòi lá được dựng cho khách thưởng thức cà-phê ngắm cảnh, còn có 2 ngôi nhà trệt được xây dựng kiên cố. Cạnh đó, phía tiếp giáp có nhiều hàng quán đang hoạt động kinh doanh buôn bán. Tại quán Trà Sơn, bên ngoài cây rừng mọc um tùm, thoạt nhìn như một cánh rừng, nhưng tiến vào bên trong là một nhà hàng với đầy đủ các chòi gỗ, nhà cấp 4 phục vụ thực khách. Các công trình này đều tọa lạc trên đất rừng.

Quán cà-phê Núi Đá của ông Lê Viết Hoàng được đầu tư xây dựng khá bề thế, tọa lạc ngay trong phần diện tích đất rừng Sơn Trà được giao khoán
Quán cà-phê Núi Đá của ông Lê Viết Hoàng được đầu tư xây dựng khá bề thế, tọa lạc ngay trong phần diện tích đất rừng Sơn Trà được giao khoán

Báo cáo của UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cho biết, ở bán đảo Sơn Trà hiện có tổng cộng 68 trường hợp xây dựng trái phép trên đất rừng cũng như mở dịch vụ kinh doanh du lịch trái phép. Trong đó, có nhiều trường hợp xây dựng nhiều nhà trái phép như: hộ bà Lê Thị Tiến kinh doanh ăn uống, có 3 nhà trệt xây dựng và lán trại; hộ ông Lê Hùng xây dựng vườn rừng có 3 nhà trệt xây gạch, 1 chòi mái ngói, hồ cá, đường bê-tông nội bộ; hộ ông Phạm Hùng Mạnh kinh doanh khu du lịch sinh thái, có 5 nhà trệt xây gạch, chòi gỗ lợp lá, đường bê-tông nội bộ… Ngoài ra, còn có 17 trường hợp xây nhà cấp 4 trên đất rừng để ở.

Khi được hỏi về tình trạng các công trình xây dựng trái phép trên đất rừng được giao khoán này, ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng HĐND - UBND quận Sơn Trà cho biết, đã nhận được báo cáo của UBND phường Thọ Quang về vấn đề này. Hiện UBND phường Thọ Quang đã cho đối thoại với 68 trường hợp xây dựng trái phép trên đất rừng được giao khoán này để tìm giải pháp cho người dân.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND TP. Đà Nẵng, UBND quận Sơn Trà đã chỉ đạo Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận phối hợp với UBND phường Thọ Quang kiên quyết xử lý những công trình xây dựng trái phép ở bán đảo Sơn Trà trong thời gian sớm nhất, đặc biệt những trường hợp trong các dự án. “Đối với những trường hợp người dân không tự giác chấp hành, chúng tôi sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Dự kiến đến tháng 9/2017, chúng tôi sẽ giải quyết dứt điểm 68 trường hợp xây dựng trái phép này” - ông Hùng nhấn mạnh.

“Dù công trình xây trái phép ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà liên quan đến tổ chức, cá nhân nào, là hậu quả để lại của ai, địa phương cũng kiên quyết xử lý theo quy định” -  ông Huỳnh Văn Hùng nói
“Dù công trình xây trái phép ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà liên quan đến tổ chức, cá nhân nào, là hậu quả để lại của ai, địa phương cũng kiên quyết xử lý theo quy định” - ông Huỳnh Văn Hùng nói

Bán đảo Sơn Trà có tổng diện tích tự nhiên 4.439 ha, được công nhận là Khu Bảo tồn thiên nhiên vào năm 1980.  Việc giao khoán đất rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên này cho các hộ gia đình căn cứ  Nghị định 01 (ngày 4/1/1995) của Chính phủ nhằm mục đích bảo vệ, gìn giữ và phát triển rừng nhưng do cơ quan có trách nhiệm buông lỏng quản lý, các hộ nhận khoán đã tự ý xây dựng nhà cửa để kinh doanh cà phê và quán nhậu. “Dù công trình xây trái phép ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà liên quan đến tổ chức, cá nhân nào, là hậu quả để lại của ai, địa phương cũng kiên quyết xử lý theo quy định” -  ông Huỳnh Văn Hùng nói thêm.

Bài và ảnh: Xuân Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi dụng giao khoán rừng Sơn Trà, xây công trình trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO