Môi trường

Đà Nẵng: Dấu hiệu suối Lương đang bị “bức tử”

Lan Anh 18/05/2024 - 12:06

Vài năm trở lại đây, suối Lương (rừng Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) đã trở thành dòng suối “chết”, khô kiệt đến trơ đáy, ảnh hưởng đến hệ sinh thái khu vực và có nguy cơ mất an ninh nguồn nước của Đà Nẵng. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là tình trạng phát triển du lịch sinh thái ồ ạt.

Suối Lương có tổng chiều dài khoảng hơn 15 km, bắt nguồn từ đèo Hải Vân, chảy xuống khu vực trung tâm phường Hòa Hiệp Bắc rồi đổ ra biển. Dòng suối này có ý nghĩa rất quan trọng trong giữ gìn hệ sinh thái thiên nhiên, cung cấp nước sạch, đảm bảo nhu cầu tưới tiêu cho vùng hạ du.

suoiluong3.jpg
Suối Lương là con suối nổi tiếng tại Đà Nẵng. Bên cạnh phục vụ du lịch, dòng suối còn cung cấp hàng triệu m3 nước cho người dân hạ lưu

Hằng năm, suối Lương cung cấp hàng triệu m3 nước cho người dân ở hạ lưu phục vụ sinh hoạt, sản xuất, góp phần điều tiết khí hậu của Tiểu khu 4A rừng Nam Hải Vân, đảm bảo môi trường sống cho động vật, thực vật.… Suối Lương còn là một trong những điểm đến du lịch sinh thái nổi tiếng của TP Đà Nẵng, thu hút nhiều du khách đến vui chơi, giải trí... Tuy nhiên, hiện dòng suối Lương đang dần cạn kiệt vào mùa khô, nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước của khu vực.

Theo báo cáo của UBND phường Hòa Hiệp Bắc, từ những năm 1990, nhờ hệ sinh thái trong lành, phong phú, suối Lương đã trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn đối với người dân TP Đà Nẵng. Với nhu cầu phục vụ kinh doanh du lịch, tại suối Lương thời gian qua đã xuất hiện hàng loạt trường hợp, hộ dân kinh doanh tự phát “chặn dòng” để tạo cảnh quan, dựng sạp, lều tạm để phục vụ du khách… khiến chính quyền địa phương nhiều phen vất vả “dẹp loạn”, chấn chỉnh. Thậm chí dùng các biện pháp mạnh, cưỡng chế, buộc tháo dỡ các công trình phục vụ du lịch “chặn suối, lấn rừng” trái phép.

suoiluong2.jpg
Từ hai năm nay, hạ du của suối Lương hiện nước về ít hẳn

Một vấn đề nóng khác khiến suối Lương cạn dòng nữa đó là, theo khảo sát, thượng nguồn suối (giáp với tỉnh Thừa Thiên Huế) đã bị một khối lượng đá lớn chặn dòng, chia cắt thành nhiều dòng suối nhỏ, nên số lượng nước chảy về nhánh suối Lương rất ít ỏi. Dọc hai bên bờ suối bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá tràn xuống lòng suối, cây cối ngã đổ rất nhiều.

Sau trận lũ lụt lịch sử tháng 10/2022, một khối lượng lớn đất, đá đã sạt lở, che lấp dòng chảy, làm mất các điểm tích nước tự nhiên trên mặt suối. Và dù chưa bước vào cao điểm mùa khô nhưng do biến đổi phức tạp của thời tiết, nắng nóng, hạn hán kéo dài khiến suối Lương cạn đáy, trơ đá sỏi hoặc chỉ còn dòng chảy nhỏ với chiều rộng khoảng 20cm len qua lớp đá sỏi…

Với những thực trạng trên, UBND Phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu đã có báo cáo lên các cấp, đề xuất các phương án, giải pháp khắc phục như nạo vét, khơi thông dòng chảy từ thượng nguồn; vận động các hộ dân không trồng cây keo ở hai bên bờ suối để tránh sạt lở đất đá; nghiên cứu thi công kè để chống sạt lở; xây dựng hệ thống đập tích nước vào mùa khô; có phương án quy hoạch, quản lý các hoạt động du lịch sinh thái trên dòng suối…

Lý giải về nguyên nhân khiến suối Lương cạn trơ đáy, ông Nguyễn Hồng An, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng cho rằng có 4 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến lượng mưa từ đầu năm đến nay tại Đà Nẵng rất thấp. Số liệu ghi nhận tại trạm quan trắc suối Lương cho thấy lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 4/2024 thấp hơn cùng kỳ năm 2023 từ 1,43 - 14 lần.

Nguyên nhân thứ hai là thượng lưu suối Lương có nhiều đoạn sạt lở, bồi lấp đất đá gây cản trở dòng chảy. Thứ 3 là ở hạ lưu, người dân xây dựng ao hồ phục vụ du lịch làm thu hẹp, cản trở dòng chảy. Và nguyên nhân cuối cùng là do các hộ trồng rừng thu hoạch keo lá tràm với quy trình chưa phù hợp. Việc khai thác đồng loạt và chậm trồng rừng lại làm mất tác dụng duy trì mạch nước ngầm.

suoiluong1.jpg
Hiện lòng suối bị thu hẹp lại rất nhiều, có đoạn rộng chỉ còn chưa đầy 1m, hệ sinh thái bị phá vỡ.

Để “cứu dòng suối” Phó Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho rằng: Trước mắt, cơ quan chức năng sẽ tiến hành nạo vét đất đá tại suối Lương để khơi thông dòng chảy. Đồng thời rà soát, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về công tác quản lý tài nguyên nước, cát sỏi lòng suối.

Vào ngày 13/4 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng cũng đã có công văn đôn đốc thực hiện Chỉ thị 5 và yêu cầu tổ chức kiểm tra thực tế, chỉ đạo xử lý nghiêm, nhanh chóng đối với các hành vi vi phạm về tài nguyên nước, đặc biệt là các hành vi làm sạt lở bờ bãi sông.

Cơ quan chức năng buộc tháo dỡ các công trình, di dời các vật dụng trên phần diện tích lấn suối. Trường hợp vi phạm đã bị lập biên bản mà sau đó cá nhân, tổ chức vẫn tiếp tục vi phạm thì ra quyết định cưỡng chế.

Ngành nông nghiệp Thành phố có giải pháp thay thế các cây keo lá tràm bằng loại cây khác phù hợp trong việc điều hòa khí hậu, giữ ẩm cho đất, tăng khả năng tái tạo mặt nước ngầm, giảm xói mòn đất, chống sạt lở.

Về lâu dài, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây khu vực phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu). Theo đó, dự án có tuyến thoát nước chính suối Lương nằm trong nhóm các hạng mục ưu tiên đầu tư. Việc triển khai phương án này sẽ cải thiện được vấn đề thất thoát nước tại suối Lương.

“Đồng thời tiến hành rà soát tổng thể, lập phương án đề xuất phê duyệt về quy mô dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng ở khu vực xung quanh suối Lương.

Thành phố phải lập lại trật tự, có giải pháp đánh giá ổn định về mặt quy hoạch theo quy hoạch tổng thể của thành phố đã được phê duyệt”, ông Nguyễn Hồng An cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Dấu hiệu suối Lương đang bị “bức tử”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO