Thời sự

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024):Tầm nhìn Hồ Chí Minh

PGS,TS, Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương - ThS Nguyễn Văn Toàn 19/05/2024 - 07:59

(TN&MT) - Năm 1990, tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Modagat Ahmed nhận định: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân loại bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”…

screenshot_1716077941.png
Khóa họp của Đại Hội đồng của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) tại Paris thông qua Nghị quyết 24C/18.6.5 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá kiệt xuất” vào năm 1990.

Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và tình hình thực tiễn của cách mạng thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng minh một cách sinh động rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội - chủ nghĩa cộng sản mới là tương lai tốt đẹp dành cho nhân loại. Người nhấn mạnh: “Chế độ cộng sản là ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp vẻ vang. Trừ những bọn phản động quá sá, thì chắc ai cũng tán thành chế độ cộng sản”[1].

Từ Bến cảng Nhà Rồng, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên một con tàu Pháp, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước 30 năm ròng, đi qua 3 đại dương, 4 châu lục, 28 quốc gia.

screenshot_1716073011.png
Ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên một con tàu Pháp, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Tranh minh họa lại từ ảnh tư liệu

Theo con tàu Đô đốc Latouche-Tréville, Người đã đến thành phố Marseille của nước Pháp vào tháng 7/1911. Từ Marseille, theo một con tàu khác, Nguyễn Tất Thành đã có một cuộc hành trình rất dài đi vòng quanh châu Phi rồi sang những nước tư bản tiên tiến nhất lúc bấy giờ. Người đã sang nước Mỹ (1912 - 1913) rồi đến nước Anh (1913 - 1917). Đến cuối năm 1917, Người lại trở về nước Pháp và hoạt động ở nước này đến năm 1923.

Tại những nơi này, Người đã nghiên cứu một số cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu nhất thời cận đại và nhận ra bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa phương Tây “trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[2] và kết luận “cách mệnh tư bản là cách mệnh chưa đến nơi”[3].

Sau khi nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và căn cứ vào tình hình thực tiễn của cách mạng thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết ngắn gọn, khúc triết về sự phát triển của các hình thái xã hội với tính cách là một trong những vấn đề quan trọng nhất của chủ nghĩa duy vật lịch sử: “Lịch sử của xã hội do người lao động tạo ra. Sự phát triển của lịch sử là quy luật không ai ngăn trở được. Chế độ cộng sản nguyên thủy biến đổi thành chế độ nô lệ. Chế độ nô lệ biến đổi thành chế độ phong kiến. Chế độ phong kiến biến đổi thành chế độ tư bản chủ nghĩa. Chế độ tư bản chủ nghĩa nhất định sẽ biến đổi thành chế độ xã hội chủ nghĩa”[4].

Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh” xuất bản năm 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những nhận xét rất sâu sắc, toàn diện về Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật”[5]. Và Người nhấn mạnh: “Kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười là ngôi sao soi đường cho chúng tôi trong sự nghiệp xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam”[6].

tai-quang-truong-ba-dinh-ha-noi-chu-tich-ho-chi-minh-trinh-trong-doc-ban-tuyen-ngon-doc-lap-khai-sinh-nuoc-viet-nam-dan-chu-cong-hoa..png
Chủ tịch Hồ Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945). Ảnh Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói đến những lý luận cao xa về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, mà Người nói một cách giản dị, dễ hiểu: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc thì chủ nghĩa xã hội trước hết là làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một cuộc đời hạnh phúc”[7] và “Chế độ cộng sản là ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp vẻ vang. Trừ những bọn phản động quá sá, thì chắc ai cũng tán thành chế độ cộng sản”[8].

chu-tich-ho-chi-minh-tham-hop-tac-xa-hung-son-huyen-dai-tu-tinh-thai-nguyen-gat-mua-nam-1954.png
Người quan niệm rất giản dị, dễ hiểu: Nói một cách tóm tắt, mộc mạc thì chủ nghĩa xã hội trước hết là làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một cuộc đời hạnh phúc... Ảnh Tư liệu

Trong bài viết “Thăm một chiến sĩ cộng sản quốc tế - Nguyễn Ái Quốc” (báo Ogoniok, Liên Xô, tháng 12/1923), đã nhận định rằng: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải là văn hoá Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai”.

Phát biểu tại Hà Nội vào ngày 1/9/1973 trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên, Chủ tịch Cuba Fidel Castro cũng nhấn mạnh: “Sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp giải phóng xã hội là hai điểm then chốt trong học thuyết của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thấy rằng các dân tộc lạc hậu do sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân có thể có những bước nhảy vọt trong lịch sử và xây dựng nền kinh tế của mình theo con đường xã hội chủ nghĩa, không phải trải qua sự hy sinh và những nổi kinh hoàng của chủ nghĩa tư bản… Chúng tôi nghĩ rằng tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới sẽ tìm thấy trong cuộc đời đồng chí Hồ Chí Minh, trong tư tưởng chính trị của Người, trong quan điểm chiến thuật và chiến lược trong sáng của Người, một nguồn tri thức vô cùng phong phú để giải quyết những vấn đề của bản thân mình”.

ng-quan-uy-bao-cao-va-duyet-lan-cuoi-ke-hoach-tac-chien-dong-xuan-1953-1954-dong-thoi-quyet-dinh-mo-chien-dich-dien-bien-phu.png
Người đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh thắng thực dân Pháp, làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954. Ảnh Tư liệu
nhan-dan-ruoc-anh-bac-ho-mung-ngay-thong-nhat-dat-nuoc.png
Và Đại thắng mùa xuân 1975. Ảnh Tư liệu

Đánh giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Hội thảo quốc tế tổ chức tại Việt Nam năm 1990 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiến sĩ M.Átmét (Modagat Ahmed) - Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO nhận định: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân loại bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”[9].

Trên thực tế, sau khi mô hình chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ và các nước này quay lại trở về chủ nghĩa tư bản, đã tạo nên sự khủng hoàng kinh tế - chính trị - xã hội sâu sắc. Như Liên Xô, Nam Tư, Tiệp Khắc... tan rã, bị chia thành nhiều đất nước và xảy ra nội chiến hoặc bị lệ thuộc vào các nước tư bản phương Tây (như trường hợp Ukraina hiện nay).

Ngược lại, nhờ kiên trì con đường chủ nghĩa xã hội và áp dụng sáng tạo “Chính sách Kinh tế mới” của Lênin nên sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Có thể nói, bằng tầm nhìn tương lai Hồ Chí Minh, Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, và chỉ 15 năm sau, Đảng đã lãnh đạo nhân dân vùng lên giành chính quyền trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cũng chính bằng tầm nhìn, tư duy sáng tạo của Hồ Chí Minh, những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - -nin đã được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển một cách sáng tạo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử Việt Nam.

113 năm sau ngày Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, gần 110 năm sau ngày Nguyễn Ái Quốc bắt gặp chủ nghĩa Mác - -nin, 94 năm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, những giá trị về vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - -nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam vẫn mang ý nghĩa thời đại sâu sắc. Tầm nhìn, tư duy sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp tục được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển và phát huy, như Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Từ tầm nhìn Hồ Chí Minh, đã có một Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay, một đất nước Việt Nam, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu: “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Hiện, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 191/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Việt Nam đã 2 lần được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu rất cao. Việt Nam cũng đã tham gia hầu hết các diễn đàn lớn của thế giới, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các nền kinh tế lớn.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954 - 7/5/2024), Bộ trưởng Quân đội Pháp Sebastien Lecornu cùng đoàn quan chức và cựu binh Pháp đã thực hiện chuyến thăm Việt Nam và dự lễ kỷ niệm tại Việt Nam – một sự kiện hiếm có trên thế giới, không chỉ đánh dấu giai đoạn mới quan trọng trong việc tăng cường quan hệ đối tác giữa Pháp và Việt Nam mà còn nâng vị thế Việt Nam lên một tầm cao mới…

Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với hàng trăm chính đảng tại hàng trăm quốc gia, trong đó có nhiều đảng cầm quyền và tham chính. Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng đã nhận được 368 thư, điện mừng từ các chính đảng, các nhà lãnh đạo trên thế giới.

viet-nam-da-co-quan-he-ngoai-giao-voi-191-193-quoc-gia-thanh-vien-lien-hop-quoc..png
Hiện, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 191/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc

Những thành tựu trên khẳng định, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; Những thành tựu ấy cũng đồng thời khẳng định tầm nhìn cách mạng của Hồ Chí Minh, tầm nhìn ấy không chỉ xuất phát từ một tư duy mẫn tiếp, phát triển gắn với tư duy biện chứng duy vật, hòa với sự phát triển trong dòng chảy của tư duy, trí tuệ nhân loại mà còn xuất phát từ trái tim yêu nước nồng cháy, từ tâm nguyện về một đất nước Việt Nam độc lập, tự do, hòa bình, sánh vai cường quốc năm châu; về một cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam.



[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 8, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 294.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2000, tr. 268.

[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 270.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 20.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 280.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 8, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 1577.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 10, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 17.

[8]Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 8, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 294.

[9] UNESCO và Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 37.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024): Tầm nhìn Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO