Chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn trong phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Sáng 17/5/2024, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã tổ chức Diễn đàn “Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt”.
Tham dự Diễn đàn có các ông: Nguyễn Tuấn Anh – Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Hồ Kiên Trung – Phó Cục trưởng, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường); cùng đông đảo các nhà khoa học, đại diện 20 Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương và 30 đơn vị, công ty đang hoạt động trong lĩnh vực thu gom rác thải.
Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra 06 Điều quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, Điều 75 của Luật này quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt. Nghị định số 45 của Chính phủ cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Mặc dù thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2025, nhưng nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, không có lộ trình rõ ràng cũng rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.
Phân loại rác thải sinh hoạt sẽ mang lại lợi ích lâu dài nhưng là khó khăn trước mắt. Việc phân loại, thu gom và xử lý Rác thải sinh hoạt là bài toán khó giải quyết ở cả thành thị lẫn nông thôn, TS. Nguyễn Linh Ngọc cho biết thêm.
Diễn đàn là dịp để các đơn vị nêu ra thực trạng, khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt hiện nay; khó khăn về thiết bị, hạ tầng cơ sở, các điểm tập kết cũng như nguồn kinh phí bố trí cho việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đi vào thực tiễn.
Theo ông Nguyễn Thành Lam - Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Nói về thách thức trong quản lý CTRSH, thứ nhất, trong phân loại: Chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ tại các địa phương. Thứ hai, trong thu gom, vận chuyển: Chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom CTRSH tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; Thiếu thiết bị TG, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu;
Thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định làm tồn đọng CTRSH kéo dài gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc; Các quy định về Định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý còn thiếu.
Thứ ba, trong xử lý: Công nghệ chôn lấp vẫn là chủ yếu (76,10%); Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách nhà nước, bao gồm vốn ODA; Nguồn vốn từ khu vực tư nhân còn khiêm tốn (ít các dự án đầu tư theo PPP, tư nhân được triển khai); 75% cơ sở xử lý CTRSH được nhà nước hỗ trợ vận hành.
Về chính sách, pháp luật quản lý CTRSH, điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 trong quản lý chất thải với quan điểm coi chất thải là tài nguyên với mục tiêu tận dụng tối đa giá trị của các sản phẩm thải bỏ và thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn cho sự phát triển bền vững.
Chính vì vậy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nghiên cứu, áp dụng Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt để xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các Văn bản hướng dẫn thực hiện.
Chia sẻ kinh nghiệm áp dụng phân loại rác khá thành công tại TP Hải Phòng, ThS. Đào Thu Huyền Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hải Phòng cho biết, Hải Phòng bắt đầu thực hiện phân loại rác tại nguồn từ năm 2016, trải qua nhiều thất bại. Tuy nhiên, với niềm tin phân loại rác tại nguồn là tốt, là điều cần làm, phải làm thì chắc chắn phân loại rác tại nguồn sẽ thành công, đặc biệt phải kiên trì.
Hải Phòng đã áp dụng nếu không phân loại tại nguồn: Bị từ chối tiếp nhận. Người dân đã có bài học về ùn ứ rác từ sự cố các bãi rác nên rất hiểu về nguy cơ này nếu rác không được thu gom. Hải Phòng cũng uu tiên ở vùng tập trung hữu cơ cao, tập trung đầu tư thực hiện vào "Mô hình điểm" (chính quyền, người dân quan tâm…); Phổ biến cho chính quyền, tổ dân phố, người dân thấy hiệu quả rõ rõ rệt của phân loại rác tại nguồn tại các mô hình điểm. Đưa các bộ các phường, xã, các đại diện tổ dân phố tham quan nhà máy phân mùn compost để cảm nhận được ý nghĩa, giá trị của phân loại rác tại nguồn…
Cùng với đó, tiếp thu kiến thức hỗ trợ từ chuyên gia thành phố Kitakishu Nhật Bản, Hải Phòng đã vừa làm, vừa tìm tòi ra cách làm hay, làm hiệu quả hơn, tài liệu tuyên truyền (trực quan, dễ hiểu….); Phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt (Bí thư, Tổ dân phố, Phụ nữ...) nên đã thực hiện khá tốt và hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn. Đây cũng là mô hình điểm, nhiều kinh nghiệm phong phú đối với các tỉnh, thành có đặc điểm tương tự khi triển khai thu gom, xử lý, phân loại rác tại nguồn