Lo ngại ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện than

20/09/2016 00:00

(TN&MT) - “ĐBSCL vốn là vùng trọng điểm về nông nghiệp. Gần đây, T.Ư cũng như các địa phương xác định hướng đi thứ hai là trở thành một trong những trung tâm năng lượng của quốc gia và từ đó nhiều dự án lớn đã triển khai. Thế nhưng, bên cạnh giải quyết được nhu cầu phát triển điện năng cần phải đảm bảo vấn đề môi trường và có sự công bằng khi được tham gia, giám sát từ phía cộng đồng”- Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhấn mạnh điều này tại Hội thảo “Sự tham gia của cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường – từ chính sách đến thực tiễn” do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) mới tổ chức ngày 19/9. 

TS. Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phát biểu tại hội thảo.
TS. Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phát biểu tại hội thảo.

Theo TS. Trần Hữu Hiệp, việc Chính phủ điều chỉnh qui hoạch Điện VII đến năm 2030 đã điều chỉnh cắt 5 nhà máy nhiệt điện than (An Giang, Sông Hậu III, Kiên Lương I, Kiên Lương II, Kiên Lương III) chuyển vị trí xây dựng qua tỉnh Long An 3 nhà máy (Long An II, Tân Phước I, Tân Phước II) như vậy đã cắt giảm được 2 nhà máy so với qui hoạch trước đó. Tuy nhiên, thách thức về môi trường đặt ra cũng còn rất nặng nề. Đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức từ nhiều phía” – ông Hiệp nói.

Với tổng số 14 nhà máy nhiệt điện than đã và đang triển khai tại ĐBSCL theo qui hoạch đến nằm 2030, tổng công suất 18.268MW, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Điều hành Trung tâm sáng tạo Xanh (GreenID), lo lắng về khả năng tác động tiêu cực trầm trọng đến việc sử dụng nước của các nhà máy nhiệt điện than; ô nhiễm không khí từ nhiệt điện than và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng; ảnh hưởng tới sinh kế của người dân xung quanh các nhà máy điện; rủi ro đối với ngành thủy sản; việc làm của người dân địa phương.

Bà Khanh dẫn các nguồn nghiên cứu khoa học cho biết: để sản xuất ra 1 MWH điện cần dùng khoảng 4.163 lít nước. Chẳng hạn như lượng nước tiêu thụ riêng cho nhà máy điện Long An 1 trong 1 ngày đã gấp 3 lần hệ thống cấp nước sạch của cả TP.Hà Nội. Các công nghệ xử lý ô nhiễm không khí được áp dụng có thể sẽ làm tăng thêm ô nhiễm nguồn nước vì các nguồn thải độc từ khí được thu giữ và sớm muôn sẽ thải vào nguồn nước. Công nghệ kiểm soát ô nhiễm không khí không có tác dụng làm giảm ô nhiễm nguồn nước. Nước là nguồn nguyên liệu quan trọng đối với sự phát triển của ĐBSCL.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành GreenID.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành GreenID.

Bà Khanh cũng khẳng định rằng nhiệt điện than gây rủi ro về ô nhiễm không khí rất cao. Phát thải từ nhiệt điện chiếm 89% tổng phát thải từ năng lượng. Ô nhiễm không khí không chỉ gây thiệt hại to lớn về kinh tế mà là nguy cơ gây tử vong rất cao. Trong lịch sử, tại London, ô nhiễm không khí tháng 12/1952 đã làm 4.000 người chết trong 4 ngày. Bắc Kinh năm 2008 đã bị ô nhiễm không khí rất trầm trọng. Trong khi đó, tại Việt Nam ô nhiễm làm tăng nguy cơ tử vong, do đột quỵ, bệnh tim do thiếu màu cục bọ, bệnh phổi tắc nghẽn mạm tinh, viêm đường hô hấp dưới và ung thư phổi. Theo nghiên cứu năm 2015 của Đại học Harvard, nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than trong quy hoạch điện VII hoạt động có thể sẽ làm cho vấn đề ô nhiễm môi trường ở ĐBSCL trầm trọng hơn.

Tham luận tại hội thảo, Điều phối chương trình nghiên cứu GreenID - Hà Thị Hồng Hải, cho biết tại Việt Nam có 105 nhà máy nhiệt điện than, tổng công suất 57.428MW đã vận hành và đang được triển khai xây dựng theo qui hoạch đến năm 2030. Trong đó, đang vận hành 22 nhà máy, đang xây dựng 25 nhà máy, được cấp phép 27 nhà máy, đang đợi cấp phép 14 nhà máy, được thông báo 16 nhà máy.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Thời gian qua, GreenID đã tiến hành 8 nghiên cứu thực tế tại các nhà máy nhiệt điện than tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Tĩnh và Trà Vinh về các tác động môi trường đất và không khí; chất lượng nước mặt và nước ngầm; ô nhiễm nước ảnh hưởng chung đến cộng đồng dân cư; sử dụng đất, tái định cư, các tác động kinh tế môi trường tiềm ẩn.

Qua các nghiên cứu đã ghi nhận, phân tích các thông số, cho thấy sự tác động rõ rệt từ các nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm không khí do vấn đề giao thông vận chuyển vật liệu, hiệu suất công nghệ thấp, vận chuyển tro xỉ, khói thải từ khói đốt than trong khi giới hạn quy định chất thải của Việt Nam con cao. Các nhà máy nhiệt điện cũng làm ô nhiễm nguồn nước, gây mưa a xít, ô nhiễm các nguồn nước ngầm, suối, sông hay các vùng biển, do dòng thải a xít mỏ, nước làm mát, rò rỉ hoặc tràn chất thải than, vận chuyển than. Đất cũng bị ô nhiễm do khí thải SO2 góp phần tạo nên mưa a xít và bãi chứa tro xỉ. Sinh kế của người dân bị ảnh hưởng do nước làm mát ảnh hưởng đến sản xuất nuôi trồng thủy sản, khói bụi ảnh hưởng tới đồng ruộng, tái định cư chưa hợp lý, mất đất sản xuất nông nghiệp, chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ theo cam kết. Các động đó làm ảnh hưởng tới sức khỏe, góp phần làm tỷ lệ tử vong sớm gia tăng.

Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh).
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh).

Thậm chí, tại cụm nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh), năm 2015 đã có hàng chục hộ diêm dân đã có đơn khiếu nại đến chính quyền vì khói bụi thải ra từ ống khói nhà máy nhiệt điện than rơi xuống ruộng muối làm muối bị đen nên họ không bán được.

Tham gia nhóm nghiên cứu các tác động về môi trường thực tế tại cụm nhiệt điện than Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ, cho hay: “Thực tế tiếng ồn của nhà máy là một dạng “tra tấn” âm ỉ cho cộng đồng chung quanh. Trao đổi với người dân trong khu vực họ than phiền là họ không được cung cấp các thông tin tác động của nhà máy lên cuộc sống và sinh kế của họ. Chỉ có những người bị mất đất là được mời lên họp thông báo mức bồi thường và kế hoạch giải tỏa. Hiện này người dân rất bi quan về sinh kế và tương lai của gia đình”.

Từ kết quả nghiên cứu thực tế tại các nhà máy nhiệt điện than, nhóm nghiên cứu, kiến nghị: Quy hoạch phát triển điện quốc gia cần được hiệu chỉnh thường xuyên hơn; chính quyền địa phương cần tăng cường giám sát các bãi thải than và quản lý tốt việc xử lý tro xỉ và các chất thải khác của nhà máy trước khi thải ra môi trường; các tổ chức này có thể phối hợp cùng các cơ quan trung ương để tăng cường nhận thức cho người dân cũng như chính quyền địa phương; người dân địa phương nên chủ động nâng cao hiểu biết và có thể tham gia vào quá trình giám sát và thực hiện các tiêu chuẩn và quy định về môi trường.

Hùng Long 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lo ngại ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện than
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO