Theo Tim Wainwright, Giám đốc điều hành tổ chức từ thiện WaterAid, vệ sinh an toàn - xà phòng và nước - là hàng phòng thủ đầu tiên chống lại virus corona gây dịch bệnh COVID-19 và một loạt các bệnh khác, nhưng 3/4 hộ gia đình ở các nước đang phát triển không được tiếp cận với những nơi có xà phòng và nước. Một phần ba các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở các nước đang phát triển cũng không được tiếp cận với nước sạch tại chỗ.
“Rõ ràng, tại Châu Phi và các khu vực của Châu Á, nhiều người lo sợ về những gì sắp xảy ra. Cuộc khủng hoảng virus corona đã khiến thế giới chịu tác động và tổn thương” – ông Wainwright nhấn mạnh.
Báo cáo Phát triển Nước Thế giới của Liên Hợp Quốc được công bố vào ngày 22/3 đã chỉ ra sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng nước trên khắp thế giới mặc dù cơ sở này rất quan trọng.
Trao đổi với tờ Observer, Richard Connor, tổng biên tập của báo cáo trên cho biết việc sử dụng và đầu tư cho nước hay bị bỏ qua vì lợi ích kinh tế của nước và vệ sinh tốt hơn không được nhấn mạnh. Cuộc khủng hoảng virus corona làm sáng tỏ những sai lầm như vậy.
Theo ông Richard Connor, một trong những lý do dẫn đến khoảng cách đầu tư vào nước và vệ sinh là các dịch vụ này được coi chủ yếu là vấn đề xã hội - và trong một số trường hợp là vấn đề môi trường, chứ không phải là vấn đề kinh tế, như năng lượng.
“Tuy nhiên, chi phí kinh tế do dịch bệnh (như COVID-19) gây ra là rất lớn, cả về kinh tế quốc gia và thị trường chứng khoán, cũng như về doanh thu hộ gia đình - khi mọi người không thể làm việc vì bị bệnh hoặc lệnh phong tỏa. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nước và vệ sinh đối với kinh tế sẽ cung cấp thêm chất xúc tác cho đầu tư lớn hơn” - Richard Connor nhấn mạnh.
Một lý do khác cho việc “phớt lờ” nước và vệ sinh là mọi người thường sẵn sàng trả tiền cho nguồn nước họ sử dụng tại gia đình, nhưng lại không đầu tư cho vận chuyển và xử lý sau đó.
Việc cải thiện khả năng tiếp cận với nước và vệ sinh có lợi ích rõ ràng, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng virus corona. Connor trích dẫn bằng chứng cho thấy hệ số thu nhập trên đầu tư (tỷ lệ lợi nhuận thu được so với chi phí đầu tư – PV) vào nước và vệ sinh có thể cao, với tỷ lệ chi phí lợi ích trung bình toàn cầu là 5,5 cho cải thiện vệ sinh và 2 cho cải thiện nước uống, khi tính đến lợi ích kinh tế vĩ mô rộng hơn.
Sử dụng nước đã tăng gấp 6 lần trong thế kỷ qua và tăng khoảng 1% mỗi năm do dân số tăng và nhu cầu ngày càng tăng, trong khi sự cố khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới trải qua căng thẳng về nguồn cung cấp nước, bao gồm cả các khu vực vốn có nguồn cung cấp nước dồi dào trước đây, như nhiều vùng ở Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ.
Cơ sở hạ tầng nước yếu kém có nguy cơ cao hơn virus corona. Ảnh minh họa |
“Một nguồn có thể dành cho đầu tư đổi mới vào nước là thông qua sự hiểu biết tốt hơn về mối liên hệ giữa các vấn đề nước và cơ sở hạ tầng nước với khủng hoảng khí hậu”, báo cáo của LHQ cho biết.
Mặc dù hàng nghìn tỷ đầu tư đã được rót vào để giảm phát thải khí nhà kính trên khắp thế giới trong thập kỷ qua, thông qua năng lượng sạch và công nghệ cácbon thấp nhưng rất ít nguồn dành cho việc cung cấp nước. Báo cáo nước năm nay của LHQ cho biết các cơ hội đang bị bỏ lỡ cho việc sử dụng các dự án nước để cắt giảm khí thải nhà kính trong khi cải thiện khả năng tiếp cận với nước sạch.
Xử lý nước thải là một ví dụ rõ ràng: nước thải làm tăng từ 3-7% tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu, nhiều hơn cả các chuyến bay. Xử lý nước thải có thể biến nước thải từ nguồn cácbon thành nguồn năng lượng sạch nếu khí metan được thu giữ và sử dụng thay cho khí tự nhiên. Hiện tại, có khoảng 80-90% nước thải trên toàn thế giới được thải ra môi trường mà không qua xử lý.
Các phương pháp canh tác cũng có thể được điều chỉnh để sử dụng nước hiệu quả hơn và đồng thời cắt giảm cácbon bởi vì khi đất được quản lý tốt hơn, chúng sẽ giữ được nhiều chất hữu cơ hơn, nhiều cácbon hơn và nhiều nước hơn - khiến chúng trở nên màu mỡ hơn và có thể cô lập khí nhà kính.
“Điều đó sẽ giúp việc đầu tư vào nước đạt hiệu quả cả về mặt cải thiện cuộc sống của người dân cũng như tăng trưởng kinh tế và cắt giảm cácbon”, báo cáo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo báo cáo, trong số hàng trăm tỷ tài chính khí hậu dành cho các nước đang phát triển trong những năm gần đây, các dự án liên quan đến nước chỉ chiếm chưa đến 1% trong năm 2016 - năm gần đây nhất có số liệu đầy đủ.
Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc của UNESCO cho rằng nước có thể góp phần quan trọng trong nỗ lực giảm khí thải nhà kính cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Wainwright, bên cạnh tài trợ, yếu tố quan trọng để tạo thành công trong việc khắc phục các vấn đề về nước trên thế giới chính là cải thiện quản trị và cách quản lý nguồn cung cấp nước.
“Cần quản lý tốt nguồn tài nguyên nước. Đó thường là những gì còn thiếu. Thế giới không cạn kiệt nước, nhưng căng thẳng về nước vẫn tồn tại. Có sự cạnh tranh về tài nguyên nước, nhưng đảm bảo rằng những người cần nước nhận thấy đó là một khoản đầu tư tốt” - ông Wainwright nhấn mạnh.