Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ

08/06/2015 00:00

(TN&MT) - Đêm nay (8/6), UBND tỉnh An Giang sẽ tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về công nhận Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ núi...

 

(TN&MT) - Đêm nay (8/6), UBND tỉnh An Giang sẽ tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về công nhận Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, TP.Châu Đốc là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là lễ hội truyền thống, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của đông đảo người dân.

Chuẩn bị lễ hội Vía Bà Chúa Xứ
Chuẩn bị lễ hội Vía Bà Chúa Xứ

Thu hút du khách thập phương…

Khu du lịch núi Sam là tập hợp những quần thể di tích văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia, như: Tây An cổ tự, lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ… Trong đó, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là một trong những danh thắng nổi tiếng thu hút rất nhiều du khách thập phương tìm đến cầu xin những điều tốt đẹp.

Lễ hội Bà Chúa Xứ (còn gọi là lễ Vía Bà) được tổ chức hàng năm bắt đầu từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch, tại Miếu Bà Chúa Xứ thuộc phường Núi Sam (trước là xã Vĩnh Tế), TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang. Năm 2002, lễ hội này đã được Bộ Văn hoá-Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là lễ hội cấp quốc gia.

Phần lễ của lễ Vía Bà gồm năm lễ: Lễ tắm Bà, Lễ Thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, Lễ Túc Yết, Lễ Xây chầu và Lễ Chánh Tế. Phần hội diễn ra rất sôi nổi đan xen với phần lễ, các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian được biểu diễn như múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén... thu hút nhiều du khách.

Sợi dây chuyền 162 lượng vàng trang sức cho bà Chúa Xứ
Sợi dây chuyền 162 lượng vàng trang sức cho bà Chúa Xứ

Ông Thái Công Nô, Phó Ban quản trị Lăng miếu Núi Sam, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang cho biết: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam lần thứ 15 sẽ  diễn ra từ ngày 9-13/6, nhằm 23-27 tháng 4 (âm lịch). Du khách thập phương đến tham dự lễ hội sẽ được chiêm ngưỡng sợi dây chuyền "khủng" gồm 3 sợi dài ngắn khác nhau làm từ hơn 162 lượng vàng (hơn 6kg), đây là nét mới trong mùa lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm nay.

Bộ dây chuyền này được trang trọng khoác lên người bà, 14 - 15 và 29 - 30 âm lịch hàng tháng và dịp lễ Vía Bà, sau đó được đưa vào kho cất bảo quản.

Nhiều huyền thoại từ thời đi mở đất…

Đối vối người miền Tây, chẳng kể giàu hèn, tháng tư âm lịch hàng năm vẫn rộn rịp, khăn gói ngược dòng Cửu Long lên đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu để “Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam”.

Gọi là “Bà”, song từ năm 1941, nhà khảo cổ học người Pháp – Malleret đến nghiên cứu đã cho rằng: tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam thuộc loại tượng thần Visnu (nam thần), bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao, được tạc vào cuối thế kỷ thứ 6 và rất có thể đây là một trong số hiện vật cổ của nền văn hóa Óc Eo.

Lăng Thoại Ngọc Hầu đối diện miếu bà Chúa Xứ
Lăng Thoại Ngọc Hầu đối diện miếu bà Chúa Xứ

Sơn Nam, một nhà văn chuyên viết về vùng đất phương Nam, thì miêu tả đó “là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer, bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam, được người Việt đưa tượng vào miếu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền và từ đó "Bà Chúa Xứ" là vị thần có quyền thế lớn ở khu vực ấy, xứ ấy”.

Tương truyền, dưới triều Minh Mạng, khi Thoại Ngọc Hầu, người từ Quảng Nam, vị “Tướng quân, Trụ quốc Đô thống được gia nhị cấp và kỷ lục lần thứ tư, là Thống chế giữ đồn Châu Đốc, lãnh ấn Bảo hộ nước Cao Miên, kiêm quản việc biên cảnh trấn Hà Tiên”, giặc ngoại xâm thường sang quấy nhiễu. Mỗi lần ông xuất quân, bà chánh thất phu nhân Châu Thị Tế thường đến khấn vái, mong Bà Chúa Xứ phù hộ Thoại Ngọc Hầu đánh thắng giặc, bảo vệ cuộc sống yên lành cho dân. Để tạ ơn những điều ứng nghiệm, phu nhân Thoại Ngọc Hầu đã cho xây cất lại ngôi miếu khang trang hơn, tổ chức khánh thành suốt 3 ngày (24, 25, 26 tháng 4 âm lịch) kể từ đó mùa trẩy hội hành hương nhộn nhịp khắp vùng.

Ngày nay, đối diện miếu Bà Chúa Xứ còn có lăng Thoại Ngọc Hầu cùng nhị vị phu nhân. Và những câu chuyện về việc Thoại Ngọc Hầu huy động hàng chục ngàn nhân công đào kênh, làm lộ cùng sự trợ thủ đắc lực của nhị vị phu nhân cũng đã đi vào huyền thoại cùng với những công trình đầu tiên đặt chủ quyền cho người Việt tại vùng châu thổ này.

Bài & ảnh: Phong Vân

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO