Gần một tuần trở lại đây, tình trạng thiếu nước sạch diễn ra trầm trọng trên địa bàn thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa (Lào Cai). Chi nhánh cấp nước Sa Pa hằng ngày tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi của khách hàng với một lý do: Thiếu nước sạch sinh hoạt. Hiện, chưa tìm được giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại thị trấn Sa Pa, thậm chí còn xảy ra tranh chấp nguồn nước giữa Chi nhánh cấp nước Sa Pa (Công ty Cổ phần cấp nước Lào Cai) với người dân.
Chi nhánh cấp nước Sa Pa hiện quản lý, vận hành Nhà máy xử lý nước với công suất 6.000 m3/ngày đêm. Để đảm bảo công suất này, nhà máy đã được UBND tỉnh Lào Cai cấp phép khai thác tài nguyên nước tại 4 nguồn là Thác Bạc, Suối Hồ 1, Suối Hồ 2, Nhà Pha với tổng công suất được phép khai thác là 6.460 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, trên địa bàn huyện Sa Pa gần như không có mưa, khiến lượng nước tại các nguồn bị suy kiệt.
Theo lãnh đạo huyện Sa Pa cho biết: Tình trạng thiếu nước xảy ra tại Sa Pa là do thời gian gần đây, lượng mưa trên địa bàn ít dẫn tới nguồn nước phục vụ sinh hoạt tại thị trấn Sa Pa bị thiếu hụt khá lớn. Hiện Trong 4 nguồn nước chính thì nguồn nước Nhà Pha và Suối Hồ 1 đã cạn kiệt. Lượng nước về hồ Thác Bạc cũng cạn, khai thác không được nhiều.
Duy nhất chỉ có nguồn Suối Hồ 2 có lượng nước tương đối lớn nhưng thời gian gần đây, người dân chắn để lấy nước sản xuất nông nghiệp nên việc lấy nguồn nước ở đây cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu thời tiết khô hanh, không mưa tiếp tục diễn ra thì nhiều nguy cơ nước phục vụ sinh hoạt tại trấn Sa Pa trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sẽ thiếu trầm trọng.
Theo thống kê, vào những ngày đầu tuần, nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn thị trấn Sa Pa từ 4.000 - 4.500 m3/ngày đêm, những ngày cuối tuần và dịp nghỉ lễ lên tới 5.500 - 6.500 m3/ngày đêm. Đầu tháng 3/2019, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thị trấn Sa Pa đã xảy ra, Nhà máy xử lý nước Sa Pa chỉ cung cấp được 80% nhu cầu sử dụng của khách hàng.
Đặc biệt, một tuần trở lại đây, do nguồn nước cạn kiệt, Chi nhánh cấp nước Sa Pa chỉ cấp được hơn 3.000 m3/ngày đêm, bằng 50% công suất và chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu sử dụng của khách hàng.
Ông Phạm Ngọc Thanh, một chủ khách sạn ở thị Trấn Sa Pa cho biết: Với các nhà hàng, khách sạn thì thiếu nước gây ra rất nhiều khó khăn trong kinh doanh. Tuy nhiên để đảm bảo nhu cầu sử dụng của khách du lịch, khách sạn của tôi đã dùng giải pháp là mua nước bên ngoài. Chúng tôi sẵn sàng trả với giá cao hơn hàng chục lần giá nước hiện tại miễn sao không làm ảnh hưởng tới kỳ du lịch của du khách chỉ vì khách sạn mất nước.
Chị Nguyễn Ngọc Ánh một du khách đến từ Hà Nội cho biết, chị rất bất ngờ, chị nghĩ rằng chỉ có ở thành phố lớn mới thiếu nước chứ ở giữa núi rừng mà cũng có thể thiếu nước sinh hoạt. Gia đình chị cũng chẳng biết làm gì ngoài việc dùng tiết kiệm nước để chia sẻ với khách sạn. Hy vọng tình trạng thiếu nước sẽ nhanh chóng được giải quyết.
Được biết, do thiếu nguồn nước thô phục vụ cho sản xuất nước sạch nên Nhà máy xử lý nước Sa Pa phải tiến hành cấp nước luân phiên theo giờ, ngày chia làm 2 lần từ 6 giờ sáng hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau để đảm bảo các tuyến phố đều có nước sử dụng, tuy nhiên sẽ không thể đáp ứng tối đa nhu cầu. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sạch, nhiều gia đình, nhà hàng, khách sạn tại thị trấn Sa Pa đã mua nước do các cá nhân vận chuyển từ nơi khác đến với giá cao hơn nhiều lần giá hiện tại.
Để giải quyết tình hình thiếu nước sinh hoạt, cơ quan chức năng huyện Sa Pa đang cử các tổ công tác đi tìm thêm các nguồn nước mới để dẫn về xử lý, cấp nước sinh hoạt tại thị trấn Sa Pa. Tuy nhiên giải pháp này cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn nước trên địa bàn đều ở trong tình trạng chung là cạn kiệt.