Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang làm việc với Ban Quản lý Các KCN
(TN&MT) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương vừa chủ trì buổi làm việc với các Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) trực thuộc tỉnh về kết quả công tác 2 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, huyện, thị xã.
Theo kết quả công tác 2 tháng đầu năm, các KCN thu hút 8 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký 89,53 triệu USD và 2 dự án đầu tư hạ tầng KCN với số vốn 3.072,7 tỷ đồng, cấp điều chỉnh đăng ký đầu tư cho 41 dự án với tổng vốn quy đổi đạt khoảng 364,6 triệu USD. Tính đến nay, tổng số dự án đầu tư tại các KCN trong tỉnh là 496, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 7.250 triệu USD và 11.818 tỷ đồng.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương đầu tư KCN Phúc Sơn và KCN Việt Hàn mở rộng. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Hiện nay Bắc Giang đang tăng tốc phát triển công nghiệp, sự phát triển của tỉnh những năm tới và về sau này phụ thuộc nhiều vào thu hút đầu tư, sản xuất trong các KCN. Bên cạnh góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển KT-XH của tỉnh tại các KCN đang phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật về xây dựng, môi trường, đầu tư vẫn còn xảy ra, nhiều doanh nghiệp (DN) lo ngại đầu tư vào Bắc Giang sẽ gặp khó khăn về nguồn điện, tuyển dụng lao động, nguy cơ xảy ra ngập úng trong mùa mưa bão. Để bảo đảm tiến độ xây dựng các KCN, Ban Quản lý các KCN đề nghị tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã quan tâm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các KCN: Yên Lư, Hòa Phú mở rộng, Phúc Sơn và Việt Hàn mở rộng, quan tâm bổ sung nguồn điện cấp cho KCN Yên Lư và sớm có kế hoạch bảo đảm cung cấp điện dịp hè năm 2024 cho các KCN.
Liên quan đến nguồn điện, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện nay một số KCN đi vào hoạt động song công suất sử dụng thực tế chưa đạt như đăng ký, Sở đang nỗ lực phối hợp xây dựng các trạm biến áp cung cấp điện cho sản xuất công nghiệp. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm 110 kV, Sở cũng đang xúc tiến xây trạm biến áp 220 kV Yên Lư, phấn đấu hoàn thành vào quý IV/2025.
Về GPMB KCN Yên Lư, ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết, huyện đã hoàn thành GPMB KCN đạt 83%, dự kiến xong toàn bộ phần “xôi đỗ” trong tháng 4. Hiện việc triển khai khá thuận lợi, được người dân ủng hộ.
Tương tự, KCN Hòa Phú (Hiệp Hòa) mở rộng, dự kiến cho nhà đầu tư thuê đất đợt 1 khoảng 56,2 ha. Cùng với đó, KCN Phúc Sơn (Tân Yên), đây là KCN đầu tiên của huyện nên ngay khi được phê duyệt, huyện đã chủ động thành lập tổ công tác rà soát từng phần việc phải triển khai, quán triệt đến cán bộ đảng viên, nhân dân về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này để chung sức, đồng lòng, quyết tâm sớm đưa KCN vào hoạt động.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương ghi nhận sự nỗ lực của Ban Quản lý Các KCN thời gian qua. Tuy nhiên, Chủ tịch Lê Ánh Dương đánh giá về công tác tham mưu còn hạn chế, chưa mang tính chiến lược. “Chúng ta bỏ quên phát triển dịch vụ trong chính KCN. KCN hình thành lạc hậu ngay từ khâu quy hoạch cho thấy tư duy, tầm nhìn, tham mưu chưa tốt" - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nêu.
Để các KCN của tỉnh ngày càng lớn mạnh, thời gian tới, Ban cần nâng cao năng lực tham mưu, phản ứng nhanh nhạy, kịp thời với những vấn đề nảy sinh và tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, thân thiện với nhà đầu tư, giỏi chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ. Đồng thời, quan tâm đồng hành với nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Để đồng hành được, Ban phải có hệ thống thông tin kết nối với các DN trong KCN, một mặt nắm bắt phản ánh của DN, một mặt cung cấp kịp thời thông tin cho DN, tạo sự gần gũi, lắng nghe DN. Hằng tháng lập danh sách những dự án lớn đầu tư trọng điểm trong DN, tham mưu đề xuất tỉnh hỗ trợ DN những nội dung cần thiết.
Đồng thời, cần phát huy vai trò của chủ đầu tư hạ tầng các KCN, làm tốt khâu thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư, xây dựng đề án huy động chủ đầu tư hạ tầng KCN vào giải quyết việc tiêu thoát nước và phòng cháy, chữa cháy ở KCN. Phối hợp với các sở, ngành thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong các KCN.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Ban rà soát toàn bộ hạ tầng quanh KCN sắp triển khai để có giải pháp tham mưu thời gian tới.
Chủ tịch Lê Ánh Dương nhấn mạnh, muốn phát triển công nghiệp cần có quỹ đất, nguồn điện, lao động, vì vậy, phải quan tâm xuyên suốt những yếu tố này. Sở Công Thương phải tích cực tham mưu nhiều giải pháp bảo đảm nguồn điện, đề phòng thiếu điện trong KCN. Các huyện, thị xã tập trung GPMB cho KCN.
Cùng với đó, Ban Quản lý Các KCN sớm nghiên cứu, xây dựng thu hút DN nhỏ và vừa vào các KCN theo quy định.