Thực trạng chung
Tìm hiểu của PV báo TN&MT được biết, xã An Thượng (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) có làng nghề làm bánh tráng hơn 40 năm nay. Tuy nhiên do các hộ sản xuất nhỏ lẻ, làng nghề lại không có hệ thống thu gom nước thải tập trung nên tất cả nước thải trong quá trình sản xuất đều được xả trực tiếp xuống hệ thống cống rãnh trong làng. Những năm về trước, các hộ chủ yếu làm thủ công với diện tích sản xuất rộng chừng 40-50m2. Tuy nhiên hiện nay, đa phần các hộ đa phần chuyển sang làm bánh đa nem bằng máy móc hiện đại. Hiện chỉ còn 30 hộ sử dụng máy thủ công, mỗi máy sản xuất khoảng 1 tạ gạo/ngày.
Đi một vòng quanh làng nghề, hầu hết những chiếc cống ở đây đều rất nhỏ, chỉ vỏn vẹn khoảng 1 gang tay người lớn và không có nắp đậy, rác chất đống. Ở những chỗ rãnh cao, nước thải bị ứ đọng lại đen kịt, sủi bọt, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Qua tìm hiểu, tất cả các cống rãnh trong làng được xây từ năm 1994 đến nay cũng đã 24 năm. Chúng đã cũ và đều không đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Trao đổi với PV, chị Trần Thị Bé, một hộ dân làng Bích Câu cho biết: “Trong các hộ làm bánh tráng thì hầu hết đều cần phải sử dụng đến nước: nước để vo gạo, nước để lọc bột ... Nhà nào chăn nuôi thì chỉ giữ lại một ít dùng cho lợn ăn còn đâu thì đổ xuống cống. Ở đây nhà nào cũng vậy là dần hình thành thực trạng ô nhiễm chung. Thỉnh thoảng xã cho người vớt rác để khơi thông cống rãnh nhưng không giải quyết được vấn đề ô nhiễm”.
Không chỉ vậy, khu vực thôn An Hạ, xã An Thượng hiện nay tập trung nhiều xưởng sản xuất gỗ thành phẩm với quy mô lớn nhưng lại được xây dựng rất sơ sài, không có biện pháp che chắn cẩn thận. Thành ra cả khu vực nói trên bụi gỗ lúc nào cũng mù mịt. Chưa kể đến những chiếc máy cắt, máy bào công suất lớn hoạt động ngày đêm gây ra tiếng ồn inh tai nhức óc, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân quanh khu vực.
Trao đổi với PV báo TN&MT, ông Nguyễn Chí Lương, Chủ tịch UBND xã An Thượng chia sẻ: “Vấn đề ô nhiễm làng nghề là thực trạng chung của các xã có làng nghề chúng tôi. Nhưng hiện nay, xã An Thượng đã hết đất quy hoạch làng nghề nên để có hệ thống xử lý nước thải tập trung gần như là không thể. Trong đề án xây dựng nông thôn mới, những năm tới, hệ thống nước thải ở xã tôi sẽ được gom về xử lý tại nhà máy xử lý nước thải ở Khu đô thị Nam An Khánh. Lúc đó, vấn đề môi trường hi vọng sẽ được cải thiện. Riêng đối với những xưởng gỗ gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi xin tiếp thu và nhắc nhở chủ cơ sở để họ có những biện pháp cụ thể hơn nhằm giảm thiểu tiếng ồn, khói bụi”.
Nghịch lý đáng buồn
Như chính chủ tịch xã An Thượng thừa nhận với PV, hiện quỹ đất của địa phương gần như không còn để quy hoạch làng nghề. Thế nhưng tại thôn Lại Dụ, xã An Thượng hiện nay có một khu vực rộng tới vài ha đất nông nghiệp đã và đang được mua bán sang tay trái pháp luật để xây dựng nhà xưởng trái phép.
Thực tế, tại diện tích khoảng 4 ha đất bãi nông nghiệp trồng cây lâu năm như nhãn, bưởi, ổi... thôn Lại Dụ, xã An Thượng, nhiều hộ dân đã tự ý xây dựng nhà xưởng như một “khu tiểu thủ công nghiệp” và đổ bê tông khoảng 4m làm đường đi vào. Thống kê của các cơ quan hữu quan cho biết, có khoảng hơn 30 công trình nằm gọn trong khu vực bãi sông và hành lang thoát lũ, đoạn đê tả sông Đáy từ K15+500 đến K16+600 (thuộc thôn Lại Dụ, xã An Thượng).
Không chỉ vậy, tình trạng lấn chiếm, san lấp và làm nhà xưởng trên đất nông nghiệp còn là thực trạng đã và đang diễn ra tại các thôn An Hạ, Ngự Câu, Thanh Quang của xã An Thượng. Nói vậy để thấy rằng, dù xã này không có quỹ đất để quy hoạch làng nghề nhưng lại rất thừa quỹ đất nông nghiệp để cho một số cá nhân dựng xưởng trái phép.
Thừa nhận thực tế này đã và đang xảy ra tại địa phương, ông Nguyễn Chí Lương, Chủ tịch UBND xã An Thượng chia sẻ: “Những vi phạm cũ chúng tôi sẽ từng bước xử lý. Đối với những vi phạm mới, xã sẽ kiên quyết làm đến cùng. Như các anh đã đi thực tế sẽ thấy, An Thượng hiện nay gần như không có công trình xây mới. Hễ mà chúng tôi phát hiện được hộ nào chỉ manh nha dựng cột là sẽ cho người tới đập ngay”.
Trả lời câu hỏi về việc chậm trễ xử lý các trường hợp vi phạm tại thôn Lại Dụ mặc dù từ năm 2016, huyện Hoài Đức đã có quyết định yêu cầu cưỡng chế, ông Lương tâm sự: “Chúng tôi cố gắng để giữ ổn định tình hình, không cho vi phạm mới phát sinh mà thôi. Còn đối với những vi phạm cũ, mặc dù huyện đã có chỉ đạo xử lý nhưng do còn vướng một số khó khăn nên chúng tôi vẫn chưa xử lý được. Có lẽ chúng tôi sẽ cố gắng giữ nguyên hiện trạng như hiện nay. Về việc cưỡng chế thì thực sự là khó khả thi lắm”.