Phát triển Xanh

Hà Nội: Phát triển giao thông “xanh”, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Cao Sơn 20/11/2024 - 14:01

(TN&MT) – UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 6004/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng sạch trên địa bàn TP. Đây được coi là một bước quan trọng trong quá trình xanh hóa ngành giao thông vận tải của Hà Nội.

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam đang là một vấn đề nhức nhối, đặc biệt tại các Thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Việc chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon là nhiệm vụ quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thực hiện mục tiêutăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) là cơ hội để ngành giao thông vận tải có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới.

Triển khai Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải là đơn vị xây dựng Đề án “Phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”.

a.jpeg
Hà Nội hướng đến phát triển hệ thống GTVT công cộng sử dựng năng lượng xanh.

Ngày 18/11/22024, UBND TP đã có Quyết định số 6004/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng sạch trên địa bàn TP”.

Mục tiêu của đề án là Đưa ra kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022. Cùng với đó là đề xuất đồng bộ các giải pháp đảm bảo thực hiện có hiệu quả lộ trình chuyển đổi, phát triển và đạt được tỷ lệ phương tiện sử dụng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100% vào năm 2035.

Để việc triển khai chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh được chuẩn bị kỹ lưỡng, có đầy đủ cơ sở pháp lý (xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi; phương án chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh, nguồn lực thực hiện....) theo hướng hiện đại hoá, bền vững, bắt kịp với xu thế, trình độ phát triển tiên tiến của thế giới, có lộ trình phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Yêu cầu của đề án là xây dựng được lộ trình cụ thể để triển khai các giải pháp và các điều kiện cần thiết để thực hiện được kế hoạch chuyển đổi, phát triển phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố.

Phân công rõ trách nhiệm, tiến độ thực hiện đối với các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan trong việc tổ chức triển khai kế hoạch chuyển đổi, phát triển phương tiện năng lượng xanh đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố, đảm bảo thiết thực, khả thi và hiệu quả.

Làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền và công khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ liên quan đến kế hoạch chuyển đổi, phát triển phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận của người dân và doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện.

a3.jpeg
Xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh sẽ giảm phát thải khí CO2 ra ngoài môi trường.

Ngoài ra, việc triển khai đề án còn là một bước chuyển đổi lớn về chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng để thu hút mạnh mẽ người dân sử dụng xe buýt góp phần thực hiện chỉ tiêu đã đặt ra (tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30%-35% và năm 2035 đạt 50-55% và sau năm 2035 đạt 65-70%). Đây là một trong nhiều giải pháp quan trọng làm thay đổi bộ mặt giao thông đô thị, thay đổi văn hóa giao thông Thủ đô, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Không chỉ thế, Đề án sẽ tạo sự thống nhất, đồng bộ về cơ chế chính sách của Thành phố trong việc hỗ trợ chuyển đổi phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh. Đây là một trong các giải pháp để thực hiện có hiệu quả lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022.

Việc phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh sẽ giảm phát thải khí CO2 ra ngoài môi trường, theo tính toán, số CO2 phát thải giảm được khoảng 170.480 tấn CO2/năm khi sử dụng xe buýt điện thay vì sử dụng xe buýt diesel như hiện nay. Việc xử lý hệ thống pin thay ra sau khi hết thời gian sử dụng theo quy định cũng là một trong vấn đề quan trọng cần phải nghiên cứu, giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Phát triển giao thông “xanh”, giảm thiểu ô nhiễm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO