Người dân huyện Tam Đường tham gia phát dọn đường băng cản lửa. Ảnh Việt Hoàng. |
Thời gian qua, trên địa bàn một số huyện có băng tuyết làm thảm thực vật bị chết, khô nỏ, gia tăng nguồn vật liệu cháy, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao; một số huyện như: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ và Mường Tè đã xảy ra cháy rừng và cháy thảm thực vật.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian tới, thời tiết các tỉnh miền núi phía bắc tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong khu vực được cảnh báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V (cấp rất nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm); đồng thời, đây là thời điểm người dân đốt nương làm rẫy, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao.
Để tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Công văn số 590/UBND-KTN yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương; chú trọng hướng dẫn, đôn đốc chủ rừng, các hộ nhận khoán thực hiện nghiêm túc phương án phòng chống cháy rừng; thường xuyên tuần tra, theo dõi, kiểm tra chặt chẽ các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao; đảm bảo việc đốt nương phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, có phương án xử lý khi đám cháy vượt quá khả năng kiểm soát của người dân.
Đồng thời chỉ đạo các lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); có phương án đảm bảo lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp khi xảy ra cháy rừng. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, cấp ủy, chính quyền cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR trong cộng đồng dân cư. Chấn chỉnh rút kinh nghiệm về chế độ thông tin báo cáo; khi có cháy rừng xảy ra trên địa bàn phải báo cáo ngay cấp trên và cơ quan thường trực về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (Chi cục Kiểm lâm – Sở Nông nghiệp & PTNT). Xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân để xảy ra cháy rừng theo quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với các chủ rừng không thực hiện các quy định về PCCCR, buông lỏng quản lý để rừng bị cháy.
Tỉnh Lai Châu yêu cầu các địa phương quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. |
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCCR, tổ chức lực lượng tuần tra canh gác nhằm phát hiện sớm các điểm cháy rừng; bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ (kể cả ngày lễ, ngày nghỉ) tiếp nhận và xử lý thông tin về PCCCR, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia bảo vệ rừng và PCCCR trong mọi tình huống. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về PCCCR; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thường xuyên cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên phương tiện thông tin đại chúng.
Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCCCR, sẵn sàng huy động lực lượng và phương tiện ứng cứu kịp thời các tình huống khi có cháy rừng xảy ra.
Cùng với đó, tỉnh Lai Châu yêu cầu tăng thời lượng phát sóng đưa tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng để chính quyền các cấp, chủ rừng và người dân thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đạt hiệu quả cao nhất; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng và hướng dẫn các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt là việc đốt nương làm rẫy. Cập nhật, dự báo và cung cấp thông tin diễn biến thời tiết thường xuyên, đặc biệt thời gian nắng nóng, hanh khô để kịp thời cảnh báo và tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng.