Lai Châu chủ động biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc
Những ngày qua, không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ về đêm liên tục hạ thấp, ở một số khu vực vùng núi cao. Trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp tỉnh Lai Châu đã tuyên truyền, vận động bà con chủ động triển khai giải pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc của gia đình, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do giá rét gây ra.
Toàn tỉnh Lai Châu hiện có hơn 370.000 con gia súc, trong đó đàn trâu, bò khoảng 120.000 con. Ngoài ra có hơn 250 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu có gần 46.000 hộ chăn nuôi đại gia súc, nhưng tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại mới đạt khoảng 74%. Để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thiết thực.
Ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Thời gian qua, trước diễn biến bất thường của thời tiết, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc trong mùa đông. UBND các huyện, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong phòng, chống đói rét, dự trữ thức ăn cho vật nuôi. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn cử cán bộ xuống cơ sở kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là các xã vùng cao.
Đồng thời, tập trung vào việc cập nhật tình hình thời tiết, đưa thông tin thời tiết đến người dân sớm nhất, hướng dẫn nhân dân thực hiện việc đưa đàn gia súc đang chăn thả tự nhiên về quản lý nuôi nhốt. Tập trung cho việc gia cố chuồng trại và đảm bảo thức ăn trong những ngày giá rét. Đồng thời giao trách nhiệm cho các địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tình hình phòng, chống rét cho gia súc của nhân dân.
Tại huyện Tam Đường có 36.290 con gia súc. Bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa đông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra, tăng sức đề kháng cho đàn gia súc bằng cách chủ động tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh định kỳ, cho ăn đủ chất dinh dưỡng thô xanh và tinh bột.
Gia đình chị Bùi Thị Liên bản Hoa Vân, xã Bình Lư, huyện Tam Đường phát triển mô hình chăn nuôi gia súc thương phẩm quy mô lớn. Gia đình chị duy trì nuôi trên 300 con lợn thịt. Vừa qua, tiếp tục mở rộng quy mô nuôi 60 con bò lai, trong đó 30 con bò sinh sản và 30 con bò thịt. Để đàn gia súc tăng trưởng tốt, gia đình chị thiết kế chuồng nuôi công nghệ cao khép kín, có hầm biogas, bảo đảm hợp vệ sinh môi trường; thuê đất trồng 3ha cỏ voi VA06 để chủ động thức ăn cho đàn bò, chủ động bổ sung thức ăn cho đàn gia súc có sức đề kháng với thời tiết diễn biến giá lạnh. Thực hiện tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh đầy đủ; vệ sinh, che chắn chuồng trại cẩn thận. Ngày mưa rét, nhốt bò trong chuồng, chuẩn bị đầy đủ thức ăn.
Không chỉ riêng huyện Tam Đường, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Lai Châu cũng chú trọng phòng chống đói, rét cho đàn gia súc trong mùa đông. Gia đình ông Lù Văn Văn ở bản Vàng San, xã Vàng San, huyện Mường Tè phát triển đàn gia súc hơn 50 con trâu, bò, 10 con dê và 12 con lợn. Mỗi năm, ông bán trên 10 con gia súc các loại thu hơn 200 triệu đồng.
Trước đây, gia đình ông cũng như một số hộ dân trong bản thả rông trâu, bò lên rừng, khi trời rét, gia súc không kịp về nên bị chết đói, rét. Những năm gần đây, ông được chính quyền xã tuyên truyền, vận động dự trữ rơm khô, trồng 0,4ha cỏ voi làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Gia đình ông gia cố, quây chuồng đảm bảo đàn gia súc không bị chết rét và bị ốm bệnh.
Bằng các biện pháp tích cực, chủ động triển khai hiệu quả phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, Lai Châu đảm bảo an toàn cho đàn gia súc trong thời tiết rét đậm, rét hại.