Kỳ vọng ở tăng trưởng xanh

Khánh Ly| 06/04/2021 10:10

(TN&MT) - Theo Bộ KH&ĐT, dự kiến tháng 6/2021, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, hướng tới 2050. Chiến lược được kỳ vọng sẽ góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam theo hướng bền vững, hài hòa với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia.

Xanh hóa các ngành kinh tế

Tại Hội thảo tham vấn xây dựng Dự thảo Chiến lược vừa diễn ra, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT) cho biết: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh mới sẽ kế thừa có chọn lọc các kết quả của Chiến lược giai đoạn 2012 - 2020 và đề ra các mục tiêu, lộ trình thực hiện cụ thể.

Về cơ bản, Chiến lược tăng trưởng xanh 2012 - 2020 đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới thể chế kinh tế, mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Song hành với việc chuẩn bị và phê duyệt các kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, các Bộ, ngành, địa phương đã bước đầu triển khai hoạt động nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực, ban hành chính sách liên quan. Đặc biệt, đã tạo được làn sóng đầu tư xanh về phát triển năng lượng gió, điện mặt trời, điện rác…

Mặc dù vậy, nội dung về tăng trưởng xanh hiện chỉ mang tính chất định hướng, còn các dự án/đề án của Chiến lược chưa được lồng ghép đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Sự tham gia của khu vực tư nhân có tăng, song còn hạn chế về ngành, lĩnh vực. Các chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường chưa cụ thể nên chưa thu hút được đầu tư tư nhân...

Bên cạnh đó, việc thiếu Ban Điều phối liên ngành để chỉ đạo, điều phối các hoạt động, giám sát thực hiện tăng trưởng xanh ở các Bộ/ngành và địa phương là nguyên nhân dẫn đến việc thiếu các giải pháp liên ngành, liên vùng. Do đó, các Bộ, ngành, địa phương khó xác định mục tiêu và những nỗ lực của các cấp chỉ mang tính đơn lẻ, thiếu đồng bộ, hiệu quả không cao.

Nếu như Chiến lược 2012 - 2020 chỉ đề cập đến xanh hóa sản xuất, thì Dự thảo Chiến lược giai đoạn 2021 - 2030 đề xuất dùng cụm từ “xanh hóa các ngành kinh tế” nhằm đảm bảo bao quát toàn diện hơn trong việc thực hiện tăng trưởng xanh. Nhấn mạnh tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế mà mọi quốc gia đang hướng tới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là lựa chọn tất yếu khách quan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhằm tăng trưởng kinh tế toàn diện, giảm tác động từ biến đổi khí hậu và hài hòa phát triển kinh tế - xã hội với phục hồi, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.

“Tăng trưởng xanh trong bối cảnh mới không chỉ là giảm phát thải khí nhà kính, giảm carbon mà còn là xanh hóa từ văn hóa, từ con người… ở tất cả các phương diện trong quá trình phát triển. Trong công nghiệp, làm sao thay đổi công nghệ để giảm nguyên nhiên liệu đầu vào, năng lượng, giảm chất thải, khí nhà kính. Trong nông nghiệp, phải tối đa hóa giá trị sản phẩm với việc sử dụng ít phân bón, ít thuốc trừ sâu…” - ông Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh. Ảnh: MH

Cân đối giữa tăng trưởng và các mục tiêu bền vững

Trình bày các các điểm mới của Chiến lược tăng trưởng xanh 2021 - 2030, ông Lê Việt Anh cho biết, Chiến lược là cụ thể hóa mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; xác định kịch bản tăng trưởng tối ưu dựa trên cân đối lợi ích và chi phí giữa phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu giảm phát thải, tăng cường tính chống chịu của nền kinh tế, kết hợp các mô hình toàn nền kinh tế và mô hình ngành. Từ đó, hỗ trợ Chính phủ đưa ra các quyết định đầu tư chính xác và hiệu quả hơn.

Để xây dựng kịch bản tăng trưởng xanh cho toàn bộ nền kinh tế và từng ngành ưu tiên, Ban Soạn thảo đã sử dụng các mô hình kinh tế kết hợp với các mô hình ngành, đặc biệt chú trọng phân tích chi phí - lợi ích và đánh giá tác động kinh tế - xã hội của Chiến lược, đảm bảo tính đồng bộ và tương thích với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 và các cam kết giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Chiến lược cũng định hướng đầu tư dài hạn của quốc gia theo lộ trình và là cơ sở để cân đối và huy động hiệu quả các nguồn lực; gắn kết chặt chẽ với mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; Gắn kết chỉ tiêu tăng trưởng xanh trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược ngành; đưa ra giải pháp dựa trên nhu cầu của ngành.

Các khía cạnh mới của Chiến lược xanh trong giai đoạn tới là tập trung vào khoa học công nghệ (chuyển đổi số), đổi mới sáng tạo, các yếu tố xã hội; sử dụng phương pháp định lượng tính để đưa ra các mục tiêu trên cơ sở cập nhật phương pháp tính toán mới của quốc tế.

Đại diện Ban Soạn thảo cho biết, sẽ triển khai các hoạt động về huy động nguồn lực, hợp tác quốc tế và trong nước để thực hiện Chiến lược 2021 - 2030 và các nội dung ưu tiên. Để phục vụ thực thi Chiến lược, nhiều chính sách liên quan sẽ được nghiên cứu, ban hành như Bộ tiêu chí chung về tăng trưởng xanh để phân loại các dự án, ngành nghề xanh và cơ chế khuyến khích đầu tư cho tăng trưởng xanh theo hướng mở, cập nhật thường xuyên; Quy định và Hướng dẫn về “Bộ chỉ tiêu thống kê về Tăng trưởng xanh”; Bộ công cụ, mô hình đảm bảo tính khả thi trong việc xây dựng, triển khai Chiến lược, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh các ngành, các cấp theo hướng phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đạt mục tiêu phát thải trung tính phù hợp với xu hướng thế giới và điều kiện quốc gia…

Việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đối với các Bộ, ngành, địa phương cũng sẽ đảm bảo nguyên tắc thống nhất phương pháp tiếp cận, tính toán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, triển khai Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tất cả các cấp, tăng tính khả thi và công bằng trong công tác giám sát và đánh giá việc thực hiện sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng ở tăng trưởng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO