Câu chuyện môi trường

Kỳ vọng lớn từ những cánh rừng cộng đồng ở miền Tây xứ Nghệ

Đình Tiệp 28/08/2024 20:40

Hiện nay, hàng trăm cánh rừng do cộng đồng các bản, làng ở những huyện vùng cao Nghệ An đang được người dân chăm sóc, bảo vệ rất tốt. Nhiều chính sách đã, đang và sẽ được thực hiện trong tương lai không xa mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng dân cư. Và, những cánh rừng xanh ngát đang mang lại nhiều kỳ vọng để người dân có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Nhận giao khoán bảo vệ rừng - Người dân có nhiều lợi ích

Từ khi được nhận giao khoán với diện tích gần 4ha rừng, anh Vi Văn Đại, ở xã Hạnh Dịch, huyện biên giới Quế Phong đã được hưởng lợi khá nhiều từ cánh rừng này. Ngoài việc được nhà nước chi trả 400 nghìn đồng/1ha từ tiểu Dự Án 1- Dự Án 3 chường trình MTQG phát triển kinh tế và xã hội vùng dồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 thì gia đình anh còn được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với nguồn kinh phí từ các nhà máy thủy điện.

Theo đó, gia đình anh Đại hàng năm có thêm nguồn thu nhập ổn định. Hơn nữa, cánh rừng của anh nhờ được bảo vệ tốt nên các lâm sản phụ khá nhiều có thể khai thác bán lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình. “Nhờ được nhà nước giao khoán chăm sóc, bảo vệ số diện tích rừng này mà gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập ổn định. Ngoài tiền nhà nước chi trả hàng năm ra thì gia đình còn có thể thu hái măng và các lâm sản phụ khác gồm dược liệu, lá dong…đem bán để tăng thêm thu nhập” - Anh Vi Văn Đại, phẩn khởi.

6.png
Người dân được nhận giao khoán bảo vệ rừng tích cực và trách nhiệm với nhiệm vụ của mình.

Theo anh Lương Văn Lai, trưởng bản Xiêng Nứa, xã Yên Na (huyện Tương Dương) thì cộng đồng dân cư bản Xiêng Nứa được nhận giao khoán bảo vệ rừng với diện tích 241,2ha với kinh phí bảo vệ nhận được năm 2024 là hơn 103 triệu đồng; ngoài ra, bản Xiêng Nứa còn có 252 hộ dân cũng nhận tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng là 489,6ha. Tổng kinh phí năm 2024 của các hộ dân nhận được là hơn 209 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Những người bảo vệ rừng như chúng tôi hiện nhận được tiền hỗ trợ từ hai nguồn, một là tiền dịch vụ môi trường rừng; hai là tiền từ chính sách 1719 (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Vì thế, hàng năm người dân cũng có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Riêng gia đình tôi với tư cách là trưởng bản và là Tổ trưởng tổ nhóm bảo vệ rừng nên xã cũng giao cho quản lý bảo vệ 4ha rừng. Do được chăm sóc tốt nên rừng phát triển ổn định để có thêm nguồn thu từ lâm sản phụ cũng như nguồn chi trả từ dịch vụ môi trường rừng hàng năm” - Anh Lương Văn Lai, cho hay.

5.png
Cán bộ BQL Khu BTTN Pù Hoạt tuyên truyền công tác bảo vệ rừng cho người dân huyện Quế Phong.

Theo tìm hiểu, tính đến thời điểm hiện tại tỉnh Nghệ An đã thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với số tiền lên đến 115,6 tỷ đồng cho hơn 20.900 chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng và hơn 1.300 hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng.

Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An, đến thời điểm hiện tại đã có trên 560.000ha rừng được hỗ trợ từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (chiếm hơn 57% diện tích có rừng toàn tỉnh) với tổng số tiền đã thu được hơn 123 tỷ đồng.

Ngoài kinh phí được chi trả theo kế hoạch, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An đã tham mưu hỗ trợ bổ sung đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các lưu vực thuỷ điện có mức chi trả thấp để đạt đủ 150.000 đồng/ha/năm từ điều tiết từ các lưu vực thủy điện có đơn giá hơn 600.000 đồng/ha/năm.

12.jpg
Người dân phấn khởi nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không những từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng, nâng số hộ nhận khoán bảo vệ rừng mà còn huy động được một nguồn nhân lực lớn cho việc tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên; thực hiện tốt việc phòng cháy chữa cháy rừng, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Từ đó, góp phần tạo công ăn, việc làm, cải thiện sinh kế, giảm nghèo, giúp người dân yên tâm gắn bó với rừng, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương thuộc khu vực miền núi, biên giới.

Ông Dương Ngọc Hùng – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An, cho hay, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã có tác động tích cực về mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Chính sách đã từng bước góp phần ổn định, đảm bảo diện tích rừng, duy trì độ che phủ của rừng, nâng cao chất lượng rừng và góp phần cải thiện chất lượng môi trường sinh thái.

Cũng theo ông Hùng, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không những từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng, nâng số hộ nhận khoán bảo vệ rừng mà còn huy động được một nguồn nhân lực lớn cho việc bảo vệ rừng một cách thường xuyên, liên tục.

Thêm sự kỳ vọng từ…rừng

Với diện tích rừng lớn, ngoài những chính sách về dịch vụ môi trường rừng hay hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì người dân nhận giao khoán, bảo vệ rừng ở Nghệ An sắp tới sẽ còn có thêm nguồn thu nhập. Trước mắt, sẽ được hưởng lợi nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).

Đến thời điểm này, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt hàng trăm Cộng đồng dân cư tham gia hoạt động quản lý rừng năm 2024 hưởng lợi nguồn thu từ ERPA. Cụ thể như huyện vùng biên Quế Phong có 44 cộng đồng dân cư tham gia hoạt động quản lý rừng năm 2024 của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Các cộng đồng dân cư nằm ở các xã: Đồng Văn có 06 cộng đồng dân cư; Xã Cắm Muộn có 02 cộng đồng dân cư tham gia. Xã Hạnh Dịch có 06 cộng đồng dân cư; Xã Nậm Giải có 05 cộng đồng dân cư tham gia. Xã Nậm Nhoóng có 03 cộng đồng dân cư; Xã Thông Thụ có 08 cộng đồng dân cư tham gia. Xã Tiền Phong có 04 cộng đồng dân cư; Xã Tri Lễ có 10 cộng đồng dân cư tham gia.

2.jpg
1.jpg
Kiểm tra thực địa diện tích rừng giao khoán cho người dân.

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống cũng có 35 cộng đồng dân cư tham gia hoạt động quản lý rừng năm 2024 hưởng lợi nguồn thu từ ERPA thuộc 5 huyện. Trong đó, huyện Tương Dương có 6 cộng đồng dân cư; Con Cuông có 5 cộng đồng; Quỳ Hợp có 17 cộng đồng; Quỳ Châu có 4 cộng đồng và huyện Quế Phong có 3 cộng đồng dân cư.

Ông Vi Văn Ngọc, đại diện Tổ quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng bản Chiếng, xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong) rất háo hức khi nghe tin sắp có thêm nguồn chi trả từ việc bán tín chỉ các bon trong tương lai gần: “Ồ, có thêm nguồn chi trả từ việc bán tín chỉ các bon thì người dân chúng tôi sẽ “sống được” nhở rừng rồi!”.

Theo ông Lô Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch thì xã Hạnh Dịch có 6 cộng đồng dân cư được nhận giao khoán bảo vệ rừng với diện tích lên tới gần 5400 ha; tổng số hộ tham giao nhận khoán là 799 hộ dân. Ngoài những nguồn đã được thực hiện trước đó thì chúng tôi đang mong chờ thêm nguồn chi trả từ việc bán tín chỉ các bon trong tương lai gần. Kỳ vọng đây sẽ là một nguồn không hề nhỏ để cho các hộ dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững và có động lực gắn bó với rừng.

7.png
Người dân ngoài nhận được các chế độ chi trả từ nhiều nguồn nhờ bảo vệ, chăm sóc rừng thì còn được hưởng lợi từ khai thác lâm sản phụ để có thêm thu nhập.

Còn ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Hoạt, cho hay, tại huyện Quế Phong tổng số cộng đồng dân cư tham gia hoạt động quản lý rừng năm 2024 của Ban quản lý là 44 cộng đồng với diện tích hàng chục nghìn héc ta. Hiện nay Sở Nông nghiệp đang hoàn thiện các văn bản liên quan để trình các cấp có thẩm quyền hoàn thiện đơn giá chi trả cho người dân liên quan đến nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).

Theo ông Nguyễn Danh Hùng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Toàn tỉnh hiện có hơn 1 triệu ha đất có rừng, bao gồm có 172.296,52ha rừng trồng đã thành rừng và 51.844ha rừng trồng chưa thành rừng và khoảng hơn 789 ngàn ha rừng tự nhiên; độ che phủ đến năm 2024 đạt gần 58,5%.

11.jpg
10.jpg
9.jpg
Nghệ An có nhiều lợi thế để tạo sinh kế bền vững cho người dân từ những cánh rừng.

Có thể khẳng định rằng, với lợi thế về diện tích rừng lớn nhất cả nước, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên thì tiềm năng của Nghệ An về bán tín chỉ carbon là rất lớn. Tôi tin chắc rằng, với những lợi thế của tỉnh Nghệ An, ngoài các nguồn lợi mang lại cho người dân từ dịch vụ môi trường rừng đã có từ nhiều năm trước thì việc bán tín chỉ carbon rừng hiện tại và trong tương lai sẽ đảm bảo lợi ích bền vững, giảm nghèo, nâng cao năng lực bảo vệ rừng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng lớn từ những cánh rừng cộng đồng ở miền Tây xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO