Biến đổi khí hậu

Khu vực miền núi phía Bắc: Thích ứng biến đổi khí hậu góp phần phát triển bền vững

Trung Nguyên 28/03/2024 - 15:56

(TN&MT) - Với đặc điểm địa hình đa dạng và phức tạp, chia cắt và hiểm trở tạo ra những tiểu vùng khí hậu đặc thù, khu vực miền núi phía Bắc dễ bị tổn thương bởi thiên tai và các tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi công tác xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó cần phù hợp với điều kiện của địa phương và mang tính dài hạn, chú trọng lồng ghép trong các kế hoạch phát triển thời gian tới.

Tác động đã rõ nét

Dữ liệu lịch sử trong hơn 60 năm qua cho thấy, khí hậu của khu vực miền núi phía Bắc đã có sự thay đổi đáng kể, bao gồm sự gia tăng nhiệt độ, lượng mưa và các hiện tượng thời tiết cực đoan dẫn đến thiệt hại đáng kể về người, cơ sở hạ tầng và sản xuất do sự gia tăng của lũ ống, lũ quét và trượt lở đất đá. Các tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng gồm Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng.

Để làm rõ hơn tác động cụ thể, thời gian qua, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã tiến hành khảo sát thông qua phiếu câu hỏi gửi tới các sở, ngành (Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, TN&MT, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, NN&PTNT) của 10 tỉnh trong khu vực về nguy cơ thiên tai do biến đối khí hậu.

Kết quả khảo sát chỉ ra, các loại thiên tai thường xuyên xảy ra tại khu vực miền núi phía Bắc bao gồm hoàn lưu bão ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất, nắng nóng. Trong đó, đại diện các địa phương nhận định chung rằng sạt lở đất có mức tăng nhiều nhất so với các loại hình thiên tai khác. Vấn đề lo ngại tiếp theo của các địa phương là nhiệt độ tăng, hạn hán thường xuyên diễn ra và có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, mưa nhiều dẫn đến tình trạng ngập lụt cũng gia tăng.

anh-1.jpg
Trận lũ năm 2017 tại xã Năm Păm, Mường La, Sơn La làm nhiều người thương vong, thiệt hại ước tính khoảng 375 tỷ đồng

Về tác động đối với hệ thống kinh tế, 65% người trả lời cho rằng, biến đổi khí hậu có tác động nghiêm trọng và rất nghiêm trọng đối với lĩnh vực nông nghiệp. Có tới 65% người phỏng vấn nhận định tác động nghiệm trọng và 22,9% nhận định tác động rất nghiêm trọng. Tiếp đó là lĩnh vực lâm nghiệp với 48% nhận định là nghiêm trọng và 11,4% nhận định là rất nghiêm trọng. Các lĩnh vực khác như công nghiệp, năng lượng, xây dựng và thủy sản, tuy cũng đều bị tác động bởi BĐKH, nhưng mức độ không cao.

Biến đổi khí hậu còn gây tác động nghiêm trọng đối với hệ thống xã hội trong các lĩnh vực: nhận thức, sức khỏe, sinh kế, hoạt động sinh hoạt, tham gia cộng đồng, y tế, giáo dục và văn hóa, thể thao và du lịch.

Trên cơ sở đánh giá tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực miền núi phía Bắc và hoạt động thích ứng đã được thực hiện, nhóm nghiên cứu đã xác định các thách thức, rào cản và thiếu hụt trong việc thực hiện chính sách thích ứng với BĐKH tại khu vực này và đề xuất các giải pháp cụ thể.

anh-2.png

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, đây là nhiệm vụ Bộ TN&MT rất quan tâm, bởi khu vực miền núi phía Bắc là khu vực địa đầu Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của nhà nước. Tuy nhiên, GDP của vùng so với cả nước còn thấp (dưới 10%), vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước”. Theo ông Quang, việc xác định được các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu mang tính chiến lược, dài hạn, đồng bộ và toàn diện sẽ giúp địa phương lồng ghép vào thể chế, chính sách, góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững khu vực miền núi phía Bắc.

Biến đổi khí hậu được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra nhanh, biểu hiện là mức tăng nhiệt độ trung bình năm là khoảng 2,2 độ C và lượng mưa có xu thế tăng với mức phổ biến trong khoảng 6 - 12%. Điều này làm tăng nguy cơ của thiên tai tại khu vực miền núi phía Bắc, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, ngập lụt. Nguy cơ trượt lở đất đá cao nhất là ở tỉnh Điện Biên (diện tích nguy cơ cao chiếm gần 60% diện tích của tỉnh), tiếp đến là Lai Châu (53%), Sơn La, Yên Bái (khoảng 50%).

Thích ứng một cách có hệ thống

Hiện nay, dự thảo Báo cáo xây dựng giải pháp thích ứng đã hoàn thiện, trong đó đề xuất 4 nhóm giải pháp thích ứng BĐKH cho khu vực này, bao gồm: Lồng ghép các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của vùng và địa phương; giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét, ngập lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu; nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng BĐKH; nâng cao nhận thức và năng lực cho các cơ quan quản lý và cộng đồng.

anh-3.jpg
Bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá khu vực miền núi phía Bắc

Theo TS Nguyễn Hồ Khánh, đại diện nhóm nghiên cứu, các chính sách thích ứng BĐKH ở cấp quốc gia đã được ban hành. Tuy nhiên việc cụ thể hóa, lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển còn hạn chế, trong khi nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Bởi vậy, các chính sách và giải pháp cho vấn đề tài chính khí hậu cần được tăng cường trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng giải pháp cảnh báo sớm thiên tai và giám sát khí hậu; ứng phó với thiên tai, chống ngập tại các thành phố, an toàn hồ chứa, đê sông, ổn định dân cư; xây dựng cộng đồng ứng phó hiệu quả với BĐKH và phát triển rừng bền vững.

Về lồng ghép các nội dung ứng phó với BĐKH, nhóm nghiên cứu chỉ ra cần ưu tiên tích hợp nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, quản lý tài nguyên thiên nhiên nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên, kinh tế - xã hội trước các tác động bất lợi của BĐKH.

anh-4.jpg
Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá

Các quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng, các địa phương cần đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, chiến lược tăng trưởng xanh. Đặc biệt, phải có tầm nhìn dài hạn với các công trình không hối tiếc, phù hợp với bối cảnh từng khu vực; đảm bảo tính chủ động, linh hoạt khi có tai biến tự nhiên, thiên tai.

Dựa trên các định hướng của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050Các địa phương cũng cần chủ động triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với thực tiễn của vùng, của địa phương để thích ứng hiệu quả, giảm thiểu tối đa mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, thiết lập, vận hành hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp vùng, cấp tỉnh để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các cơ sở sở cho xây dựng chính sách, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu vực miền núi phía Bắc: Thích ứng biến đổi khí hậu góp phần phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO