Khởi kiện để tách sổ đỏ theo di chúc

31/05/2016 00:00

(TN&MT) – Bố tôi đã mất được 20 năm. Trước khi mất, bố tôi đã nói ý định chia đều diện tích đất ông đang sử dụng cho các con. Tuy nhiên, đây chỉ là lời nói bằng miệng, không lập thành văn bản. Đến nay, sổ đỏ đất của bố tôi vẫn do chị gái tôi giữ. Đã nhiều lần chúng tôi yêu cầu chia đất theo ý nguyện của bố nhưng chị tôi chưa đồng ý vì một số nguyên nhân. Tuy nhiên, các anh chị em nhà tôi vẫn chung sống hòa thuận trên mảnh đất đó từ hồi bố tôi mất. Cho tôi hỏi, thời điểm này, chúng tôi phải làm gì để tách sổ đỏ theo đúng di chúc của bố tôi?

Trả lời

Câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 Theo như những gì bạn trình bày, có thể thấy khi bố bạn mất đi mà không để lại di chúc, việc bố bạn phân chia đất cho các con cũng được nói bằng miệng. Vì thời điểm ông bạn còn sống Bộ luật Dân sự  (BLDS ) 1995 đang có hiệu lực pháp luật, mà theo quy định tại Điều 654 BLDS 1995 quy định về di chúc miệng như sau:

“1- Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe doạ do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản, thì có thể di chúc miệng. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

2- Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt, thì di chúc miệng bị huỷ bỏ."

Như vậy, xét theo quy định pháp luật di chúc miệng của bố bạn không hợp pháp. Như vậy, tài sản bố bạn để lại sẽ được chia theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc chia thừa kế đang vấp phải sự cản trở của chị gái bạn. Vì vậy, các anh chị em nhà bạn có thể khởi kiện đòi thừa kế nếu thời hiệu khởi kiện về thừa kế  vẫn còn.

Thời hiệu khởi kiện về thừa kế  được quy định tại Điều 645 BLDS 2005 như sau:

“Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế."

Vì bố của bạn đã mất cách đây hơn 20 năm nên đã quá thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế, ai đang trực tiếp quản lý sử dụng di sản thừa kế thì sẽ tiếp tục quản lý sử dụng, những người thừa kế khác không còn quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế. Tuy nhiên, tại Điểm 2.4 Mục I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP quy định về những trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế như sau:

“a) Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:

a.1. Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.

a.2. Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.

a.3. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

b) Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản."

Như vậy, trường hợp này của bạn là theo điểm a.2: “Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ." Vì bạn và tất cả các anh chị em của mình đều đồng ý và ở trên đất đó đã được hơn 20 năm.

Chính vì vậy, thời hiệu khởi kiện về thừa kế vẫn còn. Sau khi khởi kiện về thừa kế, chị em bạn sẽ được chia thừa kế theo đúng quy định của pháp luật.

Sau khi chia xong thừa kế, muốn tách sổ đỏ, mảnh đất của gia đình bạn phải đáp ứng điều kiện để tách thửa theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau: Cơ quan có thẩm quyền sẽ không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) và không cho phép thực hiện các quyền của người sử dụng đất đối với trường hợp tự chia tách thửa đất đã đăng ký, đã được cấp Giấy chứng nhận thành hai hoặc nhiều thửa đất mà trong đó có ít nhất một thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh. Để được tách thửa thì mảnh đất phải thỏa mãn điều kiện diện tích tối thiểu để được tách thửa theo quy định của từng địa phương để đảm bảo quy định, quy hoạch chung đối với quỹ đất của từng địa phương.

Do bạn chưa cung cấp thông tin là mảnh đất thuộc địa phận của địa phương nào nên chúng tôi không thể tư vấn cho bạn cụ thể là mảnh đất có đủ điều kiện về diện tích tối thiểu để được tách thửa hay không. Để biết về thông tin này bạn đến Ủy ban nhân dân địa phương xin thông tin.

Báo TN&MT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi kiện để tách sổ đỏ theo di chúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO