Khai thác đá tại Núi Bà - Bình Định: Ảnh hưởng dân sinh, đe dọa di tích

06/07/2017 00:00

(TN&MT) - Sau khi tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình khai thác, vận chuyển đá tại khu vực Núi Bà (huyện Phù Cát, Bình Định)Thường trực HÐND tỉnh Bình Định...

 

(TN&MT) - Sau khi tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình khai thác, vận chuyển đá tại khu vực Núi Bà (huyện Phù Cát, Bình Định)Thường trực HÐND tỉnh Bình Định đã nhận định như vậy.

Nhiều vạt núi tại khu vực Núi Bà bị xẻ tơi tả, không còn cây xanh, nên luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở vào mùa mưa.
Nhiều vạt núi tại khu vực Núi Bà bị xẻ tơi tả, không còn cây xanh, nên luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở vào mùa mưa.

Xâm hại môi trường, thay đổi cảnh quan

Khu vực Núi Bà thuộc địa phận các xã Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Trinh đang có 13 doanh nghiệp (DN) được UBND tỉnh cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác đá trên tổng diện tích gần 70 ha (14 giấy phép). Hiện, có 10 mỏ đang khai thác, 4 mỏ trong quá trình thăm dò.

Tại các điểm mỏ đang khai thác, nhiều vạt núi rộng hàng trăm, hàng ngàn mét vuông bị xẻ tơi tả. Màu xanh cây cối biến mất, chỉ trơ đá với đá. Ở các khu vực khai thác có địa hình dốc, vách núi dựng đứng, nhưng hầu như DN chưa xây dựng hệ thống hồ lắng, bãi thải, bờ kè đúng yêu cầu. Vì vậy, mỗi khi mưa xuống thường xuyên gây ra tình trạng sạt lở, sa bồi đất sản xuất nông nghiệp nằm liền kề các mỏ đá. Trong các đợt mưa lũ cuối năm 2016, các mỏ đá tại 3 xã Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Hưng bị sạt lở, bồi lấp và làm hư hại gần 4 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, xã Cát Nhơn là địa phương gánh hậu quả nặng nhất khi đất, đá từ 3 mỏ đá của Công ty CP Phú Tài, Công ty TNHH Thanh Thảnh, Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite tràn xuống 2 cánh đồng thôn Chánh Nhơn và Liên Trì.

Hiện nay, Công ty CP Phú Tài đang khai thác mỏ đá tại thôn Chánh Nhơn (xã Cát Nhơn) theo phương thức âm dưới lòng đất từ 30m - 40m, đã làm mạch nước ngầm ở các khu vực lân cận bị ảnh hưởng. Khi tiến hành cưa, xẻ đá tại CCN Cát Nhơn, Công ty còn thải ra lượng lớn bột đá; và thời gian gần đây đã mang đi thải trộm tại khu vực núi Cấm (xã Cát Tường) và nghĩa địa xã Cát Hưng, khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Hoạt động khai thác đá trong thời gian qua không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân tại 4 xã trên, mà còn làm nguy hại đến các điểm di tích lịch sử - văn hóa thuộc quần thể di tích Núi Bà. Nhiều cảnh quan tự nhiên xung quanh các di tích hiện bị thay đổi, phá vỡ. Hai khu căn cứ lịch sử cách mạng Chàng Lía và Hố Dông (ở thôn An Đức, xã Cát Trinh) nằm gần mỏ đá của Công ty CP Đầu tư và thương mại Viễn Dương luôn trong tình trạng “báo động đỏ” về nguy cơ bị xâm hại.

Mỏ đá của Công ty CP Đầu tư và thương mại Viễn Dương nằm gần khu căn cứ cách mạng Chàng Lía và Hố Dông.
Mỏ đá của Công ty CP Đầu tư và thương mại Viễn Dương nằm gần khu căn cứ cách mạng Chàng Lía và Hố Dông.

Hài hòa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường, di tích

Hầu hết các thành viên trong đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Bình Định đều cho rằng hoạt động khai thác đá tại khu vực Núi Bà đã và đang gây ra nhiều hệ lụy. Do đó, UBND tỉnh cần xem xét, có giải pháp đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường, di tích lịch sử- văn hóa; không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường tự nhiên và các giá trị văn hóa - lịch sử.

Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT Bình Định, thẳng thắn nhìn nhận: “Hoạt động khai thác đá luôn ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan tự nhiên và đời sống dân sinh. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đá nguyên liệu phục vụ cho 50 nhà máy sản xuất đá trên địa bàn tỉnh hiện cũng rất lớn. Thời gian tới, Sở TN-MT tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát hệ thống bảo vệ môi trường tại các mỏ khai thác đá; cũng như kiên quyết xử lý, buộc các DN ngừng hoạt động nếu để xảy ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, dân sinh”.

Còn theo ông Trương Đông Hải, Phó Giám đốc Sở VH-TT Bình Định, kết quả khảo sát trực tiếp cho thấy, tuy các mỏ khai thác đá chưa xâm hại trực tiếp đến 22 điểm di tích lịch sử (đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia) thuộc quần thể di tích Núi Bà, nhưng đang gián tiếp làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan xung quanh các điểm di tích lịch sử ở nhiều mức độ khác nhau. Để giữ gìn, bảo vệ quần thể di tích Núi Bà, UBND tỉnh cần xem xét giãn mật độ, số lượng các đơn vị khai thác đá; bởi hiện có quá nhiều mỏ đá tại khu vực Núi Bà được cấp phép thăm dò, hoạt động.

Ở góc độ địa phương, ông Phạm Ngọc Trình - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phù Cát - kiến nghị: “UBND tỉnh cần xem xét không cấp mới, cũng như không gia hạn đối với các đơn vị đã hết hạn khai thác. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan và UBND tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát; buộc DN cam kết có biện pháp bảo vệ môi trường bền vững, lâu dài”.

Doanh nghiệp làm theo kiểu “ăn xổi, ở thì”

“Các công ty khai thác đá bồi thường, hỗ trợ cho người dân khi xảy ra sự cố chỉ là giải pháp tạm thời theo kiểu “ăn xổi, ở thì”, mà chưa quan tâm thực hiện các biện pháp bền vững, lâu dài như xây dựng hố lắng, kè chống sạt lở đảm bảo tiêu chuẩn. Do vậy, thời gian tới, UBND huyện Phù Cát và Sở TN-MT phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác đá tại khu vực Núi Bà, và có biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm minh các đơn vị có sai phạm. Trước mắt, phải xử lý dứt điểm việc Công ty CP Phú Tài đổ trộm bột đá gây ô nhiễm môi trường tại xã Cát Tường và Cát Hưng”, ông Võ Đình Thú - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Bình Định, nói.

 

Hoàng Nguyên

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác đá tại Núi Bà - Bình Định: Ảnh hưởng dân sinh, đe dọa di tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO