Theo HoREA, tinh thần của Luật Đất đai là cơ quan có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến người dân trong khu vực có đất thu hồi, để người dân hiểu rõ chủ trương và tham gia trao đổi dân chủ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, cũng như các nghĩa vụ của mình khi nhà nước thu hồi đất.
Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 chưa có quy định về “công tác điều tra xã hội học” trong quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ngay từ thời điểm đầu tiên thông báo chủ trương thu hồi đất và xuyên suốt quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Do vậy, HoREA kiến nghị UBND TP.HCM bổ sung vào dự thảo nội dung quy định công tác điều tra xã hội học trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, ngay từ thời điểm đầu tiên thông báo chủ trương để thống nhất với quy định tại Quyết định số 28 ngày 9/8/2018 của UBND TP.HCM.
Cụ thể, HoREA đề nghị bổ sung vào dự thảo quy định về 3 phương thức tái định cư, gồm: Tái định cư tại chỗ là tốt nhất vì gắn liền với sinh kế và các mối quan hệ xã hội của người dân; tái định cư nơi khác, trước hết cần ưu tiên tái định cư trong phạm vi cùng quận, huyện; trường hợp bất khả kháng thì bố trí tái định cư ở quận, huyện liền kề; hoặc người dân đề nghị được nhận tiền và tự lo tái định cư.
HoREA cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo quy định cơ chế thực hiện nhằm nâng cao chất lượng các cuộc họp trực tiếp với từng hộ dân trong khu vực có đất thu hồi. Trong đó, đề nghị coi trọng vai trò của MTTQ phường, xã; các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là hội phụ nữ, hội nông dân; tổ dân phố; người có uy tín tại địa phương; lên kế hoạch tiếp xúc phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ dân.