Biến đổi khí hậu

Hơn 100 triệu USD dành cho cải thiện hệ thống đường thủy phía Nam

Khánh Ly 22/06/2024 - 17:05

(TN&MT) - Ngày 22/6 (giờ Hà Nội), Ban Giám đốc Điều hành của Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản tín dụng trị giá 107 triệu USD nhằm cải thiện các tuyến đường thủy nội địa ở miền Nam của Việt Nam, đồng thời cắt giảm phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng dẫn đầu trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam, phục vụ cả tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu. Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam nói trên nhằm tăng lưu lượng hàng hóa và giảm thời gian lưu thông trên các hành lang vận tải huyết mạch Đông - Tây và Bắc - Nam. Dự án cũng sẽ kết nối các trung tâm sản xuất quan trọng với cảng nước sâu chính của Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu.

dong-bang-song-cuu-long-20220304165321136.jpg
Lưu lượng hàng hóa trên đường thủy nội địa khu vực phía Nam rất lớn

Bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết: “Các tuyến đường thủy khu vực phía Nam của Việt Nam có tiềm năng to lớn là phương thức vận tải với chi phí rẻ hơn, xanh hơn và an toàn hơn. Dự án này trực tiếp hỗ trợ những mục tiêu của Việt Nam, đó là thúc đẩy tính cạnh tranh của giao thông đường thủy nội địa, giảm phát thải các-bon trong ngành giao thông vận tải, và qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh thương mại của đất nước”.

Dự kiến, việc nâng cấp Hành lang vận tải Đông - Tây sẽ giúp giảm khoảng 30% khoảng cách vận chuyển giữa cảng lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ và cảng có lưu lượng lớn nhất Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động cải tạo hành lang vận tải Bắc - Nam sẽ trực tiếp kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng nội địa với cảng nước sâu chính của Việt Nam để phục vụ hoạt động thương mại quốc tế, giảm phát thải và chi phí logistics.

Theo Ngân hàng Thế giới, vận tải hàng hóa bằng đường bộ, gây ra khoảng 80% lượng phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông, thải ra lượng các-bon nhiều hơn gấp 6 lần so với vận tải đường thủy. Chuyển sang vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa có ý nghĩa rất quan trọng để Việt Nam có thể giảm phát thải các-bon trong ngành giao thông vận tải.

Dự án cũng hỗ trợ hệ thống phao tiêu báo hiệu và cải tạo các khúc cua gấp trên tuyến đường thủy, giúp cải thiện tính an toàn cho các phương tiện khi tham gia giao thông thủy. Nông dân, doanh nghiệp và người lao động, các đơn vị khai thác tàu bè có thể hưởng nhiều lợi ích từ dự án này.

Sau khi khoản tín dụng được phê duyệt, Ngân hàng Thế giới sẽ làm việc với các bên liên quan để đề xuất về thời điểm triển khai dự án trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 100 triệu USD dành cho cải thiện hệ thống đường thủy phía Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO