Môi trường

Bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa ở Việt Nam hiện nay

ThS. Nguyễn Thị Thu Trang - Trường Cán bộ Quản lý GTVT 15/11/2024 08:26

(TN&MT) - Giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và các vùng ven biển.

Việt Nam có mạng lưới giao thông đường thủy nội địa thuận lợi, liên thông giữa các tỉnh, thành phố và các vùng với trên 42 nghìn km sông, kênh có khả năng khai thác vận tải. Vận tải thủy nội địa trên cả nước đóng vai trò đắc lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động giao thông đường thuỷ, ô nhiễm môi trường do hoạt động của các phương tiện giao thông đường thủy ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng. Vì vậy, bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa là một yêu cầu cấp bách nhằm đảm bảo phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.

h1-1639108623.jpg
Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc

Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc, với hơn 2.360 con sông và nhiều kênh rạch, giúp kết nối các vùng miền trong cả nước. Giao thông đường thủy là phương thức vận tải quan trọng ở các khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và khu vực ven biển, giúp vận chuyển hàng hóa và hành khách với chi phí thấp và khả năng vận chuyển khối lượng lớn. Những năm gần đây, vận tải đường thuỷ nội địa đóng góp hơn 25% khối lượng hàng hóa vận chuyển của cả nước, không chỉ được khai thác hoạt động vận tải mà giao thông đường thuỷ nội địa còn phục vụ cho các ngành thủy lợi, thủy sản, xây dựng, bảo vệ thiên nhiên môi trường, du lịch....Đặc biệt, ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giao thông đường thủy còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các cộng đồng dân cư với các trung tâm kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Mặc dù giao thông đường thủy mang lại nhiều lợi ích, nhưng nó cũng gây ra những tác động tiêu cực lớn đến môi trường. Các vấn đề chính liên quan đến ô nhiễm môi trường do giao thông đường thủy nội địa bao gồm:

- Ô nhiễm nước: Các phương tiện giao thông thủy thường xuyên xả thải trực tiếp vào các con sông, bao gồm dầu mỡ từ động cơ, chất thải rắn từ các tàu thuyền, nước thải sinh hoạt và các hóa chất độc hại. Điều này làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến chất lượng nước uống, sinh hoạt của người dân và hệ sinh thái thủy sinh.

- Ô nhiễm không khí: Khí thải từ các động cơ đốt trong của tàu thuyền, đặc biệt là những tàu thuyền sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu diesel, là nguồn phát thải khí CO2, NOx và các chất ô nhiễm khác, gây ô nhiễm không khí tại các khu vực cảng và bến thủy.

o-nhiem-hdcn2.jpg
Giao thông đường thủy mang lại nhiều lợi ích, nhưng nó cũng gây ra những tác động tiêu cực lớn đến môi trường

- Tác động đến hệ sinh thái thủy sinh: Hoạt động khai thác cát, sỏi và các tài nguyên khác từ lòng sông không đúng cách cũng làm thay đổi dòng chảy, xói mòn bờ sông và ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh. Việc này không chỉ gây hại cho các loài thủy sinh mà còn làm giảm chất lượng nước và tài nguyên nước.

- Tai nạn giao thông thủy: Các vụ tai nạn giao thông thủy có thể gây thiệt hại về người và tài sản, đồng thời cũng làm ô nhiễm nguồn nước do các chất thải từ tàu thuyền bị rò rỉ ra môi trường.

Ngày 28/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, trong đó quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động đường thủy nội địa đã tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển bền vững hoạt động giao thông đường thủy nội địa, đảm bảo an toàn, hiệu quả, và bảo vệ môi trường.

- Về bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng, bảo trì, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chủ dự án các công trình xây dựng, bảo trì, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; xác định và bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường trong tổng mức đầu tư của dự án; đưa biện pháp xử lý chất thải, biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận vào thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và hồ sơ mời thầu, hợp đồng với các nhà thầu thi công xây dựng của dự án; tổ chức quản lý, giám sát và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động thi công xây dựng dự án theo quy định của pháp luật xây dựng và bảo vệ môi trường.

Nhà thầu thi công xây dựng phải tuân thủ các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hợp đồng đã ký với chủ dự án.

Nhà thầu tư vấn quan trắc, giám sát môi trường phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và chịu trách nhiệm trước chủ dự án, trước pháp luật về các thông tin, số liệu do mình tạo lập trong thực hiện công tác quan trắc, giám sát môi trường.

- Về bảo vệ môi trường trong khai thác cảng, bến thủy nội địa. Theo đó, người quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa có trách nhiệm xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định đối với cảng thủy nội địa và bến thủy nội địa kinh doanh xăng dầu; bố trí nhân sự quản lý, thực hiện công tác bảo vệ môi trường cảng, bến.

Thu gom, xử lý nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động của cảng, bến bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thực hiện quan trắc định kỳ nước thải trước và sau khi xử lý theo yêu cầu trong hồ sơ được duyệt; lưu giữ số liệu quan trắc để phục vụ kiểm tra hoạt động của hệ thống xử lý nước thải.

Thu gom, phân loại, lưu giữ các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình hoạt động của cảng, bến để xử lý hoặc thuê tổ chức có chức năng xử lý chất thải để tiếp nhận, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Bố trí phương tiện, dụng cụ, thiết bị tại cảng, bến để tiếp nhận chất thải rắn thông thường từ phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài, thủy phi cơ; niêm yết, cung cấp danh sách tổ chức có chức năng xử lý chất thải nguy hại để tiếp nhận, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ phương tiện tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài, thủy phi cơ.

Giảm thiểu bụi và hạn chế tiếng ồn, độ rung gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động; bố trí cách ly và bảo đảm khoảng cách an toàn trong tiếp nhận, lưu kho hàng hóa nguy hiểm, hàng hóa dễ cháy nổ theo quy định.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động đóng mới, sửa chữa, hoán cải, phục hồi và phá dỡ phương tiện; bảo vệ môi trường đối với phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài hoạt động trên đường thủy nội địa.

Ngoài ra, đối với thuyền viên, người lái phương tiện hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, không thực hiện các hành vi có thể gây ô nhiễm tuyến đường thủy nội địa, chấp hành tốt nội quy hoạt động bến thủy nội địa và các quy định pháp luật khác có liên quan, chấp hành công tác bảo vệ môi trường đối với phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài hoạt động trên đường thủy nội địa quy định và kịp thời báo cáo cho các cơ quan chức năng khi phát hiện các sự cố ô nhiễm môi trường trên tuyến đường thủy nội địa.

Đối với tài xế ra, vào cảng, bến thủy nội địa để vận chuyển hàng hóa phải có ý thức chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật liên quan như: che bạt, phủ tăng kín thùng xe, tránh làm hàng hóa rơi vãi xuống tuyến đường; Xịt nước, vệ sinh đất, cát, sạch sẽ cho phương tiện, tránh mang cát, đất ra tuyến đường, hạn chế tốc độ lái xe khi ra, vào cảng, bến tránh gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông bình thường của người dân.

images5497779_btnt.jpg

Giao thông đường thủy nội địa là một phần quan trọng trong hệ thống giao thông của Việt Nam, nhưng nó cũng đang gây ra những vấn đề môi trường nghiêm trọng. Để phát triển bền vững và bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

- Nâng cấp và cải tiến phương tiện giao thông thủy: Một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết nhất để bảo vệ môi trường trong giao thông thủy là nâng cấp và cải tiến các phương tiện vận tải thủy. Các tàu thuyền, đặc biệt là những phương tiện cũ và sử dụng động cơ lạc hậu, cần được thay thế hoặc nâng cấp để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt hơn.

- Quản lý chất thải và nước thải từ các tàu thuyền: Để giảm thiểu ô nhiễm nước và bảo vệ môi trường, cần thực hiện: Xử lý chất thải và nước thải trên tàu; tăng cường hệ thống thu gom chất thải tại các cảng, bến thủy; khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường

- Tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng. Để các giải pháp bảo vệ môi trường trong giao thông đường thủy nội địa đạt hiệu quả, việc nâng cao nhận thức cộng đồng và các chủ phương tiện giao thông thủy về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Cần phải: Tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm môi trường do giao thông thủy; khuyến khích tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, các tổ chức cộng đồng dân cư có thể tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, như dọn dẹp rác thải, bảo vệ bờ sông, và tái tạo các khu vực sinh thái thủy sinh.

ThS Nguyễn Thị Thu Trang

Trường Cán bộ Quản lý Giao thông Vận tải

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa ở Việt Nam hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO