Hoằng Hóa (Thanh Hóa): "Cát tặc" lộng hành, chính quyền làm ngơ?

14/03/2015 00:00

(TN&MT) - Các tàu thuyền ra vào hút cát trộm nhưng không bị chính quyền nhắc nhở, xử phạt, gây bức xúc cho bà con ngư dân mỗi khi ra vào cửa Lạch Trường.

 

(TN&MT) - Thời gian gần đây, Báo Tài nguyên & Môi trường liên tục nhận được thư của người dân xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) phản ánh tại khu vực phía bờ biển Đông Nam Hòn Bò tình trạng một số tàu thuyền thường xuyên hút cát để bán cho các đồng nuôi tôm tại xã Hoằng Trường, Hoằng Yến và Hoằng Đạt. Mặc dù các tàu thuyền ra vào hút cát trộm nhưng không bị chính quyền nhắc nhở, xử phạt, gây bức xúc cho bà con ngư dân mỗi khi ra vào cửa Lạch Trường.

Trong vai một cán bộ đường sông đi khảo sát cửa biển Lạch Trường, Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường đã thuê tàu đi dọc theo cửa biển Lạch Trường. Khi chiếc thuyền bo bo vừa ra khỏi cửa Lạch, cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là 2 chiếc thuyền có trọng tải khoảng 150 m3 đang nổ máy phành phạch, màu khói nổ ra đen xì để hút cát lên tàu. Từ địa điểm hút cát cách vào bờ biển khoảng 300 mét. Khoảng 30 phút sau, khi hút đầy cát cả 2 thuyền lại nổ máy quay vào bờ. Lúc này khoảng gần 11 giờ trưa, nhưng đến khu vực vào cửa Lạch, do nước biển cạn tàu cát đã không thể vào bờ được đành đậu ngoài chờ nước biển lên

 

Đến khoảng 14 giờ, khi nước biển lên cao, 2 tàu cát hối hả nổ máy ì ạch đi vào cửa Lạch Trường, vì chở nặng quá mướn tiếng máy nổ hết công suất khói phun ra đen xì. Một lúc sau thì cả 2 tàu cũng đã cặp được vào sông Lạch trường thuộc khu vực giáp ranh xã Hoằng Yến và Hoằng Trường. Đây là khu vực người dân đang tiến hành đào ao nuôi tôm nên cần rất nhiều cát để lót đáy tạo mặt bằng để trải bạt lên, rồi hút nước vào đồng để nuôi tôm. Dường như đã có sự thỏa thuận trước đó, sau một hồi trao đổi với chủ đồng nuôi tôm, chủ tàu hút cát chạy đến khu vực gần đó kéo chiếc vòi “bạch tuộc” màu vàng lắp vào máy để bơm cát vào đồng tôm.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn P,  một chủ tàu được các chủ đầu nậu thuê ra biển hút cát vào bán cho các hộ làm mặt bằng ao nuôi tôm chân trắng trên địa bàn hai xã Hoằng Trường, Hoằng Yến cho biết: “Tàu của gia đình anh có trọng tải chứa 180m3 cát, hàng ngày anh được anh Năng thuê đem tàu ra biển hút cát vào bờ một chuyến và mỗi chuyến như vậy anh được trả cho 6 triệu đồng. Trừ chi phí xăng dầu, tiền nhân công lao động mà anh thuê mướn còn lãi khoảng 6 triệu đồng/chuyến. Mối ngày tàu của anh cũng chỉ đi được một chuyến vì còn phụ thuộc vào con nước mỗi khi ra vào cửa Lạch”.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại trên khu vực cửa biển Lạch Trường có 6 tàu có công suất từ 150 - 180 m3/tàu được các đầu nậu địa phương thuê hút cát “lậu” tại bờ biển để bán cho các chủ đồng tôm tại bãi nuôi ngao của anh Long (ông Trần Văn Long - PV) với giá 1 triệu/tàu sau đó đem bán. Anh P còn tiết lộ thêm: “Vì các đồng tôm đang tiến hành đào cải tạo đồng nuôi tôm nên lượng cát tạo đáy bãi là rất nhiều, chở cả năm chưa chắc đã xong. Cát bán tại khu vực Hoằng Trường có giá từ 50-55 nghìn đồng/m3, xuôi xuống cuối xã Hoằng Yến có giá từ 60- 70 nghìn đồng/m3, xuôi xuống Hoằng Đạt giá đội lên 75- 80 nghìn đồng/m3”. Nếu đúng như vậy, theo tính toán của chúng tôi, mỗi ngày 6 tàu trung bình chỉ đi một chuyến thì sẽ “ moi gan, móc ruột” cửa biển Lạch Trường khoảng 108 mét khối cát với giá bán trung bình 50 nghìn đồng/m3 thì sẽ thu về được 54 triệu đồng/ngày.

Khi phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường đề cập về vấn đề khai thác cát trái phép tại khu vực biển, ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường thừa nhận: “Việc các tàu hút cát ngoài biển, xã không hề biết gì, vì từ khu vực mặt nước trở ra biển là do Đồn Biên phòng quản lý, còn xã chỉ quản lý về mặt hành chính. Ngày 4/11/2008, UBND xã đã ký hợp đồng ( không số) với ông Trần Văn Long ở thôn Giang Sơn với tổng diện tích cả 2 lô là 5,3 ha địa điểm tại phía bắc Hòn Bò với thời hạn 5 năm với tổng giá trị hợp đồng là 32 triệu đồng/5 năm. Sau khi hết hạn hợp đồng, ngày 18/2/2014, UBND xã đã tiến hành thanh lý hợp đồng với ông Trần Văn Long”.

 

Khi được hỏi: Nếu như việc quản lý từ mặt nước trở ra không thuộc quyền quản lý hành chính của UBND xã mà thuộc quản lý của Đồn Biên phòng. Vậy việc UBND xã ký hợp đồng giao khoán với ông Long là sai và việc hộ ông Long sau khi hết hạn hợp đồng với UBND xã đã “ tranh thủ móc ruột” lấy cát bán cho các tàu lậu tạo mặt bằng đồng nuôi tôm mà xã không hề hay biết và không có trách nhiệm gì, thì Chủ tịch xã Hoằng Trường – ông Lê Văn Hoàng đã không trả lời.

 

Nhiều người dân tỏ ra bức xúc cho biết: Việc ra vào cửa Lạch Trường vốn đã hẹp và khó khăn, thì nay lại càng khó khăn, mỗi khi ra vào Lạch gặp phải tàu hút cát ra vào chúng tôi lại phải dừng lại để họ đi qua. Nếu không may va chạm vào họ thì không những tàu mình chìm ngỉm mà còn bị tàu của “cát tặc” ăn vạ. Mà cũng không hiểu tại sao chiếc tàu chở hàng trăm khối cát “ăn cắp” từ mấy tháng nay ra vào liên tục cửa Lạch như vậy mà không hề bị xã hay Trạm Biên phòng xét hỏi, xử phạt gì. Đúng là “con voi chui lọt lỗ kim” – một người dân than thở cho biết.

 

Bài & ảnh: Tuyết Trang - Thu Thủy

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoằng Hóa (Thanh Hóa): "Cát tặc" lộng hành, chính quyền làm ngơ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO