Sức khỏe

Hòa Vang (Đà Nẵng): Phát huy nguồn lực đất đai, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường để phát triển KT-XH

Đà Hải (thực hiện) 05/06/2024 - 15:56

Với nguồn lực tài nguyên, khoáng sản sẵn có, những năm gần đây, huyện Hòa Vang phát triển mạnh về kinh tế - xã hội (KT-XH) trong tiến trình trở thành Thị xã vào năm 2025. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Khoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang.

PV: Có thể thấy việc bảo vệ môi trường (BVMT) hiệu quả đã góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của địa phương. Xin ông cho biết công tác BVMT tại huyện Hòa Vang đang được triển khai như thế nào, thưa ông?

h1(1).jpg
Ông Nguyễn Tấn Khoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang

Ông Nguyễn Tấn Khoa: Huyện Hòa Vang luôn chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT, xây dựng cảnh quan môi trường sống khu dân cư (KDC) đến người dân thông qua nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, việc làm thiết thực; Phát huy tích cực từ Phong trào Ngày chủ nhật Xanh - sạch - đẹp được tổ chức thường xuyên tại KDC các thôn.

Đã triển khai thu gom rác thải sinh hoạt 113 /113 thôn; tăng cường tần suất thu gom các xã. Đầu tư bổ sung trang thiết bị, phương tiện thu gom rác định kỳ hằng năm; công tác vệ sinh môi trường tăng cường thường xuyên. Triển khai Phương án thu gom rác, tập trung xử lý dứt điểm tình trạng nhếnh nhác tại 230 điểm tập kết. Giảm thiểu tình trạng rác thải sinh hoạt rơi vãi và tồn đọng bên ngoài; rác cồng kềnh, kích thước lớn được bố trí tạm thời có vị trí tập kết, và tổ chức dọn thường xuyên.

Bên cạnh đó, triển khai công trình Hỗ trợ thu gom chất thải rắn nguy hại trong nông nghiệp; từng bước hỗ trợ thu gom chất thải nguy hại sinh hoạt cho các xã trên địa bàn huyện. Tiếp tục nhân rộng Mô hình thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại các xã trên địa bàn huyện.

Qua đó, các điểm nóng môi trường, các điểm rác thải ứ đọng đã cơ bản xóa bỏ. Ý thức người dân được nâng cao trong công tác BVMT.

Trên cơ sở lồng ghép Chương trình xây dựng Xã Nông thôn mới nâng cao và xây dựng phát triển Hòa Vang trở thành đô thị loại 4 đến năm 2025, công tác BVMT ngày càng được triển khai đồng bộ và sâu rộng.

Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với công tác BVMT của các cơ sở sản xuất kinh doanh, ưu tiên các đơn vị lựa chọn công nghệ sản xuất tiến tiến hiện đại, loại bỏ dần các công nghệ sản xuất lạc hậu ảnh hưởng đến môi trường; Rà soát, đề xuất di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu dân cư; Giám sát, kiểm tra các nguồn thải phát sinh từ hoạt động sản xuất.

h2.jpg
Lan tỏa phong trào Ngày chủ nhật Xanh - sạch - đẹp tại xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) giúp nâng cao công tác BVMT, đảm bảo môi trường sống của người dân

PV: Tài nguyên khoáng sản là nguồn lực quan trọng giúp huyện Hòa Vang giảm nghèo bền vững. Thời gian qua, địa phương đã có những giải pháp khai thác nguồn lực này như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Khoa: Thành phố Đà Nẵng là đô thị sinh thái, đô thị xanh nên hoạt động khai khoáng cần giảm thiểu tối đa; theo Quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023, huyện Hoà Vang có 13 điểm khai thác đá được quy hoạch với diện tích 432,3 hecta, 16 điểm quy hoạch khai thác đất với diện tích 872,04 hecta. Hầu như toàn bộ diện tích quy hoạch khai thác khoáng sản đất đá của thành phố nằm trên địa bàn Hoà Vang, nên đây là nguồn lực lớn giúp phát triển KT-XH, từng bước giảm nghèo; tuy nhiên, việc cấp phép khai thác cần phải tính toán thật kỹ, hạn chế gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, môi trường,… tập trung vào khu vực nhất định theo từng thời kỳ, giai đoạn, tránh dàn trải nhằm giảm thiểu ảnh hưởng môi trường, cảnh quan, sinh thái.

Mức cao trình sau khi khai thác phải đảm bảo phù hợp với địa hình tự nhiên khu vực không thấp hơn đường giao thông chính trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thoát nước tự nhiên; không ảnh hưởng đến cao trình các khu dân cư, công trình công cộng liên quan, đảm bảo cuộc sống người dân.

Các khu vực có khoáng sản chưa đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác được khoanh định cụ thể để quản lý, bảo vệ. Các vị trí thăm dò, khai thác nằm trong diện tích tiềm năng đã được điều tra, có điều kiện địa chất, giao thông, khai thác thuận lợi.

Huyện luôn ưu tiên các khu vực sau khi kết thúc khai thác tạo ra mặt bằng để sử dụng phục vụ cho mục đích phát triển KT-XH của địa phương.

h3.jpg
Bánh dừa nướng Topcoco ở huyện Hòa Vang là sản phẩm đạt OCOP 4 sao, giúp gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp của địa phương, tạo việc làm tại chỗ cho người dân nông thôn, giúp người dân nông thôn thoát nghèo

PV: Để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai góp phần giảm nghèo, địa phương có những định hướng và giải pháp như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Khoa: Để đưa đất đai vào sử dụng một cách có hiệu quả, hợp lý và phù hợp với yêu cầu về sự phát triển theo đúng định hướng chung của huyện, thời gian qua UBND huyện Hòa Vang đã tập trung cho công tác Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đưa đất vào sử dụng một cách hiệu quả hơn. Trong năm 2024, UBND huyện Hòa Vang đã trình UBND thành phố phê duyệt nhu cầu giao đất, cho thuê đất và đầu tư đưa đất vào sử dụng với 107 dự án; nhu cầu đấu giá, cho thuê đất 5% trên địa bàn huyện với tổng diện tích 433,7697 ha.

Đồng thời, đưa vào danh mục đấu giá quyền sử dụng đất liên quan đến việc quản lý, kế hoạch khai thác và sử dụng các khu đất lớn do thành phố quản lý với 27 khu đất, tổng diện tích 36,1098 ha; tập trung công tác giải phóng mặt bằng các khu tái định cư trên địa bàn huyện để có đất thực tế bàn giao cho người dân khai thác hiệu quả quỹ đất tái định cư.

Thông qua công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc quản lý, sử dụng đất tại huyện đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời, phát huy tối đa nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH; khoanh định một cách hợp lý, bảo vệ quỹ đất chuyên trồng lúa nước, đề xuất thành phố các khu đất đã đủ điều kiện để đưa ra bán đấu giá quyền sử dụng đất...

Các ngành, các xã rà soát các quy hoạch có sử dụng đất theo hướng bảo đảm phù hợp, đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; việc bố trí sử dụng đất phải hợp lý, khai thác hiệu quả không gian, bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bản huyện. Lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030; trong đó, có các chỉ tiêu sử dụng đất tại đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị nói riêng và kinh tế - xã hội của huyện Hoà Vang nói chung hạn chế sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để xây dựng đô thị.

Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố về việc thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm, nghiệp, nuôi trồng thủy sản và tình hình các điểm du lịch sinh thái - cộng đồng trên địa bàn huyện Hòa Vang, huyện đã cụ thể hóa chủ trương phát triển nông nghiệp kết hợp với khai thác dịch vụ du lịch, hướng đến mục tiêu phát triển các vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang. Qua đó tăng giá trị kinh tế nông nghiệp của địa phương, tạo việc làm tại chỗ cho người dân nông thôn, giúp người dân nông thôn thoát nghèo.

Sau thời gian thực hiện các mô hình cho thấy hiệu quả của việc tích hợp thương mại dịch vụ vào sản xuất nông nghiệp, giúp nông nghiệp tăng giá trị lên gấp nhiều lần và có tiềm năng lớn trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang. Các mô hình đều tạo việc làm tại chỗ cho khoảng 25-30 lao động địa phương (trung bình 8-10 lao động/mô hình); tiêu thụ nông sản và sản phẩm đặc sản OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của huyện.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa Vang (Đà Nẵng): Phát huy nguồn lực đất đai, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường để phát triển KT-XH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO