Doanh nghiệp - doanh nhân

Hóa giải bài toán làm gia công để gỡ nút thắt ngành dệt may, da giày

Thu Thủy 12/09/2024 - 17:01

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, chúng ta không thể chỉ gia công mãi được mà cần làm chủ nguồn nguyên phụ liệu và các khâu trong quá trình thiết kế lên sản phẩm.

Thời gian qua, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Trao đổi về Đề án thành lập Trung tâm thương mại quốc tế và phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang. Vai trò của cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài”.

1(3).jpg
Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2024

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, da giày, dệt may Việt Nam đã có chỗ đứng quan trọng trên bản đồ thế giới, tuy nhiên hiện nay ngành đang đối mặt với sự cạnh tranh từ nhiều nước, đặc biệt những thách thức từ xu hướng tiêu dùng xanh, quy định mới của một số thị trường nhập khẩu. Chúng ta không thể chỉ gia công mãi được mà cần làm chủ nguồn nguyên phụ liệu và các khâu trong quá trình thiết kế lên sản phẩm…

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, ngành dệt may - da giày Việt Nam vẫn tập trung ở khâu gia công, tạo giá trị gia tăng thấp. Nguồn nguyên, vật liệu và phụ kiện chủ yếu nhập khẩu từ thị trường ngoài nước (Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN khác).

2(3).jpg
Xanh hóa trong các quy trình sản xuất cần được nhân rộng trong ngành dệt may, da giày

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, trong nửa đầu năm 2024, nhập khẩu nguyên phụ liệu nhóm ngành dệt may - da giày sơ bộ đạt 13,42 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, vải đạt 7,24 tỷ USD; xơ sợi dệt các loại đạt 1,28 tỷ USD; bông các loại đạt 1,49 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 3,41 tỷ USD.

Chính việc phụ thuộc vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu có thể gây ảnh hưởng lớn tới tình hình phát triển chung của toàn ngành thời gian tới, khi nhiều thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU hướng tới mục tiêu Net Zero với các quy định khắt khe về kiểm soát nguồn cung, bắt buộc sản phẩm đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối cao.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phân tích, việc thành lập Trung tâm thương mại Quốc tế và phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang là rất cần thiết để hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển sang hình thức xuất khẩu cao hơn cũng như nhằm giảm dần việc gia công và đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc.

3(2).jpg
Một công đoạn sản xuất giày xuất khẩu

Đại diện Vitas cho rằng, việc đề xuất thành lập Trung tâm không phải là vấn đề mới, song đến nay việc triển khai vẫn chưa thành công. Đơn cử, một số doanh nghiệp đã đầu tư, xây dựng nguyên phụ liệu nhưng chưa thu được kết quả cao, có đơn vị phải đóng cửa sau một thời gian hoạt động.

Xuất phát từ kinh nghiệm của một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, ông Trương Văn Cẩm kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách, nguồn lực, đất đai giúp các doanh nghiệp ổn định đầu tư, chuyển giao công nghệ cũng như đẩy mạnh việc giao dịch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Còn bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da- Giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, đây là trung tâm giao thương, giúp doanh nghiệp da giày có thể giới thiệu, kết nối sản phẩm mới, đồng thời kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp các nhà máy rút ngắn thời gian tìm kiếm nguyên, phụ liệu và thúc đẩy phát triển sản xuất nguyên, phụ liệu trong nước.

Theo bà Xuân, cần có cơ chế thuận lợi, thủ tục thông thoáng, bảo đảm giao thông thuận tiện... để Trung tâm hoạt động hiệu quả, hỗ trợ tối đa cho ngành phát triển.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, việc xây dựng Trung tâm này phù hợp với định hướng phát triển nguồn cung nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giày tại Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2035 và Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Dự kiến, Trung tâm sẽ được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa và tập trung triển khai thực hiện các hoạt động chính, như quy tụ các nhà cung ứng sản phẩm nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất dệt may, da giày trong nước và nước ngoài trưng bày và giới thiệu sản phẩm nhằm rút ngắn thời gian tìm kiếm nguồn cung, giá cả cạnh tranh.

“Thời gian qua, Cục Công nghiệp đã làm việc với hai Hiệp hội và cho ý kiến về việc hoàn chỉnh chi tiết Đề án thành lập Trung tâm như việc thống nhất tên gọi, vị trí, quy mô, hình thức, nguồn vốn, đánh giá tác động... Dự kiến trong tháng 10, các Hiệp hội sẽ triển khai đoàn khảo sát, học hỏi kinh nghiệm Trung Quốc và các quốc gia khác đã xây dựng thành công mô hình này để hoàn thiện Đề án đảm bảo phù hợp với thực tế và vận hành hiệu quả trong tương lai”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hóa giải bài toán làm gia công để gỡ nút thắt ngành dệt may, da giày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO