PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH - Đại học Cần Thơ |
PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH - Đại học Cần Thơ: Chính quyền, người dân dần tiếp cận với nội dung Nghị quyết
Nông dân là người rất nhạy cảm trong sản xuất vì nó liên quan trực tiếp đến sinh kế, cuộc sống của họ. Vì vậy, nông dân có rất nhiều sáng tạo mang tính thuận thiên. Điển hình là thiếu nước ngọt thì nông dân ở nhiều nơi đào ao tích trữ nước cuối mùa lũ hay nước mưa; đồng thời, họ chuyển đổi sản xuất, giảm diện tích trồng lúa ở vùng mặn chuyển sang mô hình lúa - tôm, mùa mưa thì trồng lúa, mùa khô thì nuôi tôm. Những mô hình tuy có khác nhau tùy vào điều kiện thời vụ dịch chuyển, điều kiện canh tác, nguồn vốn, nhưng dần dần sẽ hoàn thiện, giúp cho người nông dân phát triển bền vững, giảm bớt ô nhiễm.
Bên cạnh đó, người nông dân bây giờ cũng không trồng một loại cây nhất định mà họ có thể đa canh trồng cây, nuôi cá,… để trường hợp có bất thường xảy ra, mất cái này họ còn có cái khác, họ sản xuất dựa vào lợi thế của tự nhiên. Đồng thời, ở nhiều địa phương hiện nay xuất hiện phong trào sản xuất xanh, sản xuất hữu cơ, những mô hình sản xuất này dần dần sẽ tiếp cận với nội dung của Nghị quyết số 120/NQ-CP.
BĐKH là một quá trình dài, do đó, để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH như kỳ vọng, các Bộ, ngành, địa phương phải có tầm nhìn quy hoạch dài hạn và mang tính tích hợp, phải có “nhạc trưởng” để hỗ trợ cho liên kết của các tỉnh, thành với nhau.
Ông Nguyễn Khắc Hân, Giám đốc Ban Điều phối Dự án Thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL tại tỉnh Bến Tre |
Ông Nguyễn Khắc Hân, Giám đốc Ban Điều phối Dự án Thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL tại tỉnh Bến Tre: Tập trung các nguồn lực đầu tư sinh kế và hạ tầng xanh
Dự án do Quỹ phát triển nông nghiệp (IFAD) tài trợ, có thời gian triển khai thực hiện trong 6 năm (2014 - 2020) tại 30 xã trên địa bàn 8 huyện thuộc tỉnh Bến Tre. Mục tiêu Dự án là xây dựng sinh kế bền vững cho người nghèo nông thôn trong điều kiện môi trường thay đổi, nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng để tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH, góp phần tác động giảm nghèo tại các địa phương vùng dự án.
Tỉnh Bến Tre hiện đang tiếp tục hoàn thành các bước để chuẩn bị giai đoạn 3 của Dự án. Tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng năng lực thích ứng cho các cộng đồng và các tổ chức để thích ứng tốt hơn với BĐKH. Cách tiếp cận bao gồm xây dựng nền tảng và tri thức để cải thiện việc lập kế hoạch, xây dựng chính sách và tạo thuận lợi cho việc thích ứng thông qua gia tăng giá trị trong các chuỗi giá trị nông sản được xác định, phù hợp với người nghèo và phân bổ giá trị gia tăng công bằng hơn giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, lồng ghép tốt hơn các nguồn lực đầu tư sinh kế và hạ tầng xanh - thích ứng với BĐKH nhằm mở ra những cơ hội tạo sinh kế bền vững và giảm nghèo mới, nâng cao thu nhập, lợi nhuận của người nông dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ |
Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ: Thành phố triển khai nhiều công trình, dự án thích ứng với BĐKH
Trong thời gian qua, TP. Cần Thơ đã triển khai sâu rộng nội dung của Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đến các cấp, các ngành, đoàn thể. Đồng thời, TP. Cần Thơ còn tích hợp BĐKH vào quy hoạch phát triển các ngành; triển khai các công trình, dự án trọng điểm nhằm thích ứng với BĐKH, nước biển dâng trên địa bàn thành phố.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, các ngành chức năng cũng đã triển khai thực hiện các công trình, dự án giúp TP. Cần Thơ thích ứng với BĐKH, nước biển dâng. Cụ thể, trong thời gian qua, Sở TN&MT TP. Cần Thơ đã triển khai Dự án đánh giá lại khí hậu trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở kết quả đánh giá này, TP. Cần Thơ sẽ triển khai các nhiệm vụ cũng như giải pháp để thích ứng hiệu quả với BĐKH.
Nhằm kiểm soát an toàn, an ninh nguồn nước, ứng phó xâm nhập mặn; Sở TN&MT TP. Cần Thơ còn triển khai lập dự án khoanh vùng nguồn nước cần bảo vệ; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, nước ngầm trên địa bàn; đầu tư hệ thống quan trắc tự động nguồn nước mặt, nước ngầm để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng nguồn nước, chủ động ứng phó tình trạng xâm nhập mặn.
Ông Diệp Huỳnh Khôn, người dân tỉnh Trà Vinh |
Ông Diệp Huỳnh Khôn (Trà Vinh): Sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững
Trà Vinh là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là do xâm nhập mặn và hạn hán. Do đó, gia đình tôi cũng như bao nhiêu hộ nông dân khác chuyên làm nghề sản xuất nông nghiệp với nguồn thu nhập bấp bênh. Được tuyên truyền và phổ biến kiến thức của chính quyền địa phương trong việc phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn thích ứng BĐKH, đặc biệt là quy trình sản xuất hiệu quả và tăng cường công nghệ tưới tiết kiệm nguồn nước, thích nghi với thời tiết, thổ nhưỡng, năm 2018, gia đình tôi đã cải tạo diện tích 1.000 m2 đất để xây dựng nhà màng, trồng thử nghiệm 2.500 dây dưa lưới với tổng chi phí đầu tư khoảng 350 triệu đồng.
Sau khoảng 80 ngày xuống giống, cây dưa lưới cho thu hoạch với năng suất đạt 3,5 tấn, bán giá 60.000 đồng/kg, lãi 80 triệu đồng ở vụ đầu tiên. Vì trồng trong nhà màng nên dưa không bị ảnh hưởng vào những tháng mùa mưa, nắng nóng, mỗi năm gia đình tôi sản xuất đều đặn 4 vụ dưa lưới, thu lợi nhuận lên tới hàng trăm triệu đồng, cao gấp 10 lần so với trồng lúa trước đó. Tôi nhận thấy trồng dưa lưới trong nhà màng sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước và cũng bảo vệ được môi trường. Đây được xem là một mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với tình hình BĐKH như hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Cường, người dân TP Cần Thơ |
Ông Nguyễn Văn Cường (Cần Thơ): Linh hoạt chuyển đổi cây trồng thích ứng với BĐKH
Trước đây, mỗi vụ trồng lúa sau khi trừ đi các chi phí đầu tư, tôi chỉ còn lời khoảng 700 ngàn đồng/công/3 tháng. Từ năm 2015 đến nay, việc canh tác lúa không còn thuận lợi như trước vì tình trạng thiếu nước luôn xảy ra, nắng, mưa thất thường nên phát sinh dịch bệnh nhiều hơn, làm cho năng suất, sản lượng lúa ngày một giảm, ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân.
Nhằm thích ứng với điều kiện nguồn nước, đảm bảo nguồn thu nhập cho gia đình, tôi đã thuê xáng cạp lên líp toàn bộ 5 công đất của gia đình đang trồng lúa để chuyển sang trồng các loại cây như măng cụt, nhãn, bắp. Việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa và trồng nhiều loại cây đã giúp cho gia đình tôi không còn phải lo thiếu nguồn nước; đồng thời, thu nhập trung bình mỗi năm hiện nay khoảng 30 triệu đồng trên 5 công đất trồng cây màu, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa.