Đến nay, tỉnh Yên Bái có trên 17.000 hộ gia đình, cá nhân; gần 100 chủ rừng là tổ chức Nhà nước và UBND các xã với khoảng 50.000 hộ được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR. Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, có gần 200.000 ha rừng được bảo vệ từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng phối hợp với Chi cục Kiểm lâm mở các lớp tập huấn cho người dân |
Năm 2019, tổng diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) gần 200.000 ha, đã chi trả trên 120 tỷ đồng tiền DVMTR thu được của 26 nhà máy thủy điện, 9 công ty cung cấp nước sạch và 23 cơ sở sản xuất công nghiệp. Chính sách chi trả DVMTR đã huy động nguồn lực xã hội để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giảm đáng kể đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho quản lý, bảo vệ rừng.
Tính tới thời điểm hiện tại, quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái đã chủ động rà soát, làm việc với các cơ sở sử dụng DVMTR, nhất là các cơ sở mới đi vào hoạt động hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động và ký hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tiếp nhận trên 34,1 tỷ đồng tiền DVMTR, đạt 87% kế hoạch và đạt 91% so với cùng kỳ.
Từ đầu năm 2012, tỉnh Yên Bái bắt đầu triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Chi trả tiền DVMTR là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khi sử dụng cả nguồn nước và lưu vực sông. Chính sách chi trả DVMTR không những tạo nguồn tài chính góp phần đầu tư trực tiếp vào việc bảo vệ và phát triển rừng, giảm gánh nặng ngân sách cho nhà nước, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nghề rừng mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển tài nguyên rừng, cải thiện môi trường sống, hạn chế các hành vi gây tổn hại đến rừng, góp phần nâng cao chất lượng DVMTR.
Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái phát tờ rơi tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR |
Những năm trước đây, tại một số huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái thường xuyên xảy ra tình trạng cháy rừng. Sau mỗi vụ cháy rừng hàng ngàn ha rừng già, rừng nguyên sinh bị biến mất do sự bất cẩn của người dân khi đốt nương làm rẫy, chăn thả gia súc, săn bắn thú rừng…
Ông Đào Công Trình - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu cho biết: Hiện huyện Trạm Tấu đang quản lý hơn 35.441ha, đã giao khoán bảo vệ rừng là 35.397ha, năm 2019 được nhận 56 tỷ đồng từ tiền DVMTR. Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR cơ bản đã có những tác động nhất định đến công tác quản lý và bảo vệ rừng, đặc biệt tại lưu vực có cung ứng DVMTR. Qua đó, đã góp phần làm giảm thiểu số vụ xâm phạm rừng, phá hoại rừng, cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép. Tổng số vụ vi phạm trong quản lý bảo vệ rừng ngày càng giảm, số vụ cháy rừng đã giảm theo từng năm, người dân đã có ý thức hơn trong việc đốt nương làm rẫy, không để xảy ra cháy rừng.
Tại một số xã, người dân đã chủ động trồng rừng, cho thấy chính sách này đã tác động lớn đến công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhờ đó rừng được giữ tốt hơn.
Để chính sách đi vào cuộc sống và giúp người dân sử dụng tiền DVMTR có hiệu quả. Trong 8 tháng đầu năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách và nâng cao hiểu biết tiếp cận chính sách chi trả DVMTR rộng rãi bằng nhiều hình thức như: Sưu tầm các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; phát 40.000 tờ rơi cho người dân tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR; tổ chức 20 lớp tập huấn với 970 lượt người tham dự về quản lý, giao khoán bảo vệ rừng gắn với chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn các huyện, thị xã.
Ông Tô Xuân Quý – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái cho biết: Từ đầu năm đến nay Quỹ tích cực phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm đề xuất tham mưu nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với chi trả DVMTR. Đặc biệt, quỹ đã triển khai mô hình quản lý rừng tại cộng đồng dân cư.
Theo ông Tô Xuân Quý, với mô hình này sẽ thành lập Ban quản lý rừng cộng đồng tại các thôn bản, trưởng ban sẽ là trưởng thôn. Ban quản lý rừng cộng đồng có nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; lập kế hoạch và thực hiện tuần tra bảo vệ rừng, báo cáo đầy đủ tình hình quản lý bảo vệ rừng cho UBND xã. Từ đó, sẽ nâng cao trách nhiệm của người dân sống tại khu rừng, mỗi cá nhân, hỗ gia đình đều có trách nhiệm. Tiền DVMTR được chi trả về xã, về thôn người dân sẽ sử dụng tiền có hiệu quả hơn.