Đất đai

Yên Bái từng bước "phủ sóng" dữ liệu đất đai toàn tỉnh

Thanh Ngà 19/02/2025 - 21:58

(TN&MT) - Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Yên Bái cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Sở TN&MT, hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh đã được vận hành trên nền tảng phần mềm VBDLIS từ ngày 01/01/2023, tạo tiền đề quan trọng cho việc kết nối liên thông với các cơ quan quản lý khác.

“Phủ sóng” dữ liệu đất đai trên toàn tỉnh

Yên Bái là một trong 30 tỉnh được thực hiện dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (gọi tắt là Dự án VILG tỉnh Yên Bái) và được triển khai thực hiện từ năm 2020.

Phần mềm VBDLIS là một hệ thống thông tin đất đai được phát triển bởi Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty Cổ phần Tin học - Bản đồ Việt Nam (Vietbando). Hệ thống này được thiết kế để hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu đất đai một cách hiệu quả và đồng bộ.

Đến nay, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã thực hiện và hoàn thành Dự án VILG đảm bảo tiến độ đề ra. Theo đó, đã xây dựng và hoàn thành 4 hợp phần gồm: Cơ sở dữ liệu địa chính; Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê; Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Cơ sở dữ liệu giá đất. Theo quy định của Luật đất đai 2024 và Thông tư số 25/2024/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường còn một hợp phần chưa được triển khai xây dựng là “Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất”.

z6332576593320_13047667175dee349f410acc9c24bbb6.jpg
Yên Bái từng bước vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai.

Trong 4 hợp phần, đã triển khai xây dựng và hoàn thành, đến nay hợp phần về cơ sở dữ liệu địa chính được tích hợp lên hệ thống VBDLIS và đưa vào vận hành, khai thác, cập nhật, chỉnh lý thường xuyên gắn với các thủ tục hành chính về đất đai. Đối với 3 hợp phần còn lại đang thực hiện quản lý, lưu trữ do chưa được đầu tư, cung cấp phần mềm ứng dụng để vận hành.

Đặc biệt, đối với hợp phần về cơ sở dữ liệu địa chính được tích hợp lên hệ thống VBDLIS từ ngày 01/01/2023. Dự án đã đưa vào sử dụng hợp phần cơ sở dữ liệu địa chính của 9/9 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với tổng số thửa đất đã cập nhật cơ sở dữ liệu là 1.462.060 thửa, trong đó 575.533 thửa đã có dữ liệu thuộc tính chi tiết. Đồng thời, hệ thống được kết nối liên thông với các cơ quan quản lý khác theo mô hình tập trung, thống nhất, hỗ trợ xử lý nhanh chóng các thủ tục hành chính về đất đai.

Kết nối liên thông với các cơ quan quản lý khác

Hiện nay, cơ sở dữ liệu địa chính đã kết nối với cơ quan thuế, toàn bộ 9/9 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện đã thực hiện việc luân chuyển hồ sơ và phiếu chuyển thông tin thuế bằng phương thức điện tử. Từ ngày 1/1/2023 đến ngày 10/2/2025 đã xử lý hơn 26.931 phiếu. Cùng với đó, liên thông với Cổng dịch vụ công tỉnh Yên Bái giúp tiếp nhận và xử lý 21.869 hồ sơ trực tuyến giúp giảm đáng kể thời gian chờ đợi cho người dân.

Bà Hà Thị Hồng – Chuyên viên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Yên Bái cho biết: Hiện nay, Chi nhánh đang tiếp nhận 100% các thủ tục hành chính và giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử thông qua các tài khoản định danh cá nhân của công dân. Trong quá trình chuyên môn chi nhánh đang sử dụng phần mềm VBDLIS và phần mềm hành chính công. Thông qua 2 phần mềm đã liên thông được với cơ quan chuyên môn như: UBND các xã, phường; cơ quan thuế…

Qua đó, đã giảm được các thủ tục về giấy tờ, thời gian giải quyết thủ tục, tiết kiệm chi phí và đi lại của người dân và doanh nghiệp. Khi công dân tham gia các thủ tục công trực tuyến có thể nộp hồ sơ 24/24 giờ tại các điểm có kết nối mạng. Đồng thời, công dân có thể khai thác được thông tin hồ sơ và tình trạng hồ sơ của mình ngay trên trang website trực tuyến, tin nhắn điện thoai hoặc gmail. Hơn nữa, khi công dân đã tham gia dịch vụ công trực tuyến cũng không nhất thiết phải đến cơ quan hành chính công để lấy kết quả và có thể nhận kết quả tại nhà.

z5411295786255_b9d652d30ae69026aa65ba90dbd6e198.jpg
Việc số hóa cơ sở dữ liệu đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ đất đai nhanh chóng.

Việc xây dựng, vận hành, kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Yên Bái bước đầu mang lại hiệu quả, tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn.

Ông Trần Ngọc Luận - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho biết: Hiện nay, hạ tầng về thông tin và dữ liệu để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh nhất là thông tin, dữ liệu về địa chính còn rất hạn chế, không đầy đủ dữ liệu. Đến nay mới chỉ có 5/9 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành công tác đo đạc địa chính; chưa tổ chức điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất trên địa bàn tỉnh làm dữ liệu để xây dựng cơ sở dữ liệu đối với hợp phần “Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất”.

Cùng với đó, hạ tầng công nghệ thông tin cũng còn nhiều bất cập như: Một số tính năng trên phần mềm VBDLIS chưa đầy đủ và phù hợp trong quá trình vận hành, cập nhật nhất là đối với 3 hợp phần mới đang thực hiện quản lý và lưu trữ; hệ thống máy tính, đường truyền mạng Internet chưa đáp ứng được nhu cầu… Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhất là tại các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng TN&MT cấp huyện và cán bộ địa chính cấp xã cũng còn hạn chế, không đồng bộ dẫn đến khó khăn cho việc xây dựng, vận hành, kết nối, khai thác, chia sẻ với các hệ thống thông tin khác.

Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho biết thêm, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Yên Bái, trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục bổ sung, làm giàu dữ liệu địa chính trên cơ sở kết quả giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai; đẩy nhanh việc thuê hạ tầng công nghệ thông tin, làm việc với nhà cung cấp để bổ sung, chỉnh sửa các tính năng cho đầy đủ, phù hợp; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đo đạc; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai cho cán bộ, công chức, viên chức…

Có thể thấy, việc số hóa cơ sở dữ liệu đất đai không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ đất đai nhanh chóng, minh bạch. Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu 100% thủ tục hành chính về đất đai được thực hiện trực tuyến toàn trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái từng bước "phủ sóng" dữ liệu đất đai toàn tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO