Tính đến nay, toàn TP Hà Nội có 95 hồ chứa thuỷ lợi và 418 bai đập dâng với tổng dung tích khoảng 187 triệu m3 khối nước. Các hồ chứa có nhiệm vụ cấp nước tưới cho hơn 18.000ha sản xuất nông nghiệp hằng năm, cắt lũ và tạo cảnh quan môi trường phát triển kinh tế xã hội.
Trong đó, hầu hết các hồ chứa thuỷ lợi trên địa bàn thành phố được xây dựng từ cáh đây 50, 60 năm trước. Qua nhiều năm khai thác, sử dụng các hạng mục như đập đất, tràn, cống lấy nước đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đơn cử như ở huyện Chương Mỹ có hồ Đồng Sương (xã Trần Phú) với dung tích trữ nước 10.500m3, hiện lòng hồ bị bồi lắng cần được nạo vét, mái bể tiêu năng bị sụt sạt 40m2, sân tiêu năng số 2 bị sụt sạt 4m2, cửa sổ và cửa chính nhà quản lý mục hỏng, cửa nhà tháp cống, nhà van côn cống bị hỏng.
Hay hồ Văn Sơn (xã Tân Tiến) có dung tích trữ nước 7.000m3, nhưng lòng hồ bị bồi lắng, đập chính là đập đất, bề mặt đập xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ gà, thẩm thấu. Đáng lo ngại là đập hồ Văn Sơn bị thấm ở vị trí K0+450; mái chắn sóng thương lưu đập bị sụt sạt; thân đập xuất hiện 3 tổ mối; cống điều tiết số 1 và 2 xuống cấp gây thất thoát nước; mái bể tiêu năng bị sạt lở 20m2.
Ở huyện Thạch Thất có hồ Cố Đụng (xã Tiến Xuân) được xây dựng từ năm 1963 với dung tích trữ nước 1.048m3. Tuy nhiên, hiện rãnh thoát nước chân đập bị hư hỏng, kênh tưới nhiều đoạn bị vỡ, ảnh hưởng không nhỏ đến tưới nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hồ Linh Khiêu (xã Bình Yên) được nâng cấp năm 2007 nhưng hạ lưu trà hồ xuất hiện mạch sủi, cống lấy nước bị rò rỉ, một số vị trí kênh tưới bị đáy...
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lũ bất thường như hiện nay, các hồ đập trên địa bàn TP Hà Nội nói chung, đặc biệt là các hồ, đập vừa và nhỏ có mức độ an toàn không cao, nguy cơ xảy ra sự cỗ vỡ đập luôn hiển hiện. Do vậy, vấn đề bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn thành phố trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Để chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra, kịp thời triển khai các phương án, giải pháp đảm bảo an toàn hồ thủy lợi trong mùa mưa, bão, năm 2018, Sở NN&PTNT được thành phố giao xây dựng quy trình vận hành cho 8 hồ chứa, kiểm định an toàn đập 7 hồ chứa và xây dựng phương án phòng chống lũ lụt hạ du cho 2 hồ chứa nước Suối Hai và Văn Sơn.
Sở NN&PTNT đã triển khai công tác phòng, chống lụt, bão, đảm bảo an toàn chồ chứa nước trong mùa mưa lũ. Các doanh nghiệp thủy lợi và các huyện, thị xã tổ chức đánh giá hiện trạng công trình hồ thủy lợi do đơn vị quản lý; đồng thời, tiến hành sửa chữa những hư hỏng các hạng mục công trình không an toàn, xây dựng phương án bảo vệ hồ chứa.
Mặc dù vậy, để từng bước nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa thuỷ lợi trên địa bàn thành phố, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, gần đây Sở NN&PTNT Hà Nội có văn bản đề xuất Bộ NN&PTNT hướng dẫn cụ thể xây dựng Đề án chi tiết nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa thuỷ lợi. Đồng thời, đề xuất giao Sở NN&PTNT phối hợp với doanh nghiệp thuỷ lợi của thành phố triển khai cắm mốc chỉ giới bảo vệ lòng hồ, xây dựng quy trình, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp của các hồ chứa còn lại.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, lập danh mục các đập, hồ chứa thủy lợi hư hỏng, xuống cấp và xây dựng phương án chủ động bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du. Củng cố lực lượng quản lý chuyên trách có đủ năng lực chuyên môn để quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi, đặc biệt là các đập, hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ. Huy động mọi nguồn lực kinh phí để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo an toàn để sẵn sàng ứng phó trước biến đổi khí hậu, mưa lũ bất thường xảy ra...