Tại Hội nghị, ông Từ Lương - Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM đã nêu vấn đề thực tại của TP.HCM - Thành phố đông dân nhất cả nước. Theo Cục Thống kê TP, tính đến cuối năm 2018, TP.HCM có dân số xấp xỉ 9 triệu người. Nếu tính dân số lưu trú, Thành phố ước có trên 13 triệu dân. Do đó, đây là địa bàn có thị trường địa ốc sôi động, thu hút đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường BĐS TP.HCM đã có sự chững lại trong tất cả các phân khúc. Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, mới chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM công nhận với quy mô 924 căn hộ, giảm 16 dự án so với cùng kỳ năm 2018. UBND TP.HCM cũng đã chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án. Số dự án đủ điều kiện bán hình thành trong tương lai là 24 dự án với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án.
Suốt từ đầu năm đến nay, chỉ có hơn 4.100 căn hộ được chính thức mở bán trên thị trường TP.HCM, đây là mức thấp kỷ lục kể từ khi thị trường phục hồi năm 2014. Chính quyền TP.HCM đã tổ chức nhiều Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp, ghi nhận, lắng nghe các khó khăn và nỗ lực để gỡ khó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, đưa thị trường ngày càng phát triển minh bạch, ổn định. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn; còn nhiều bất cập giữa quy định và thực tiễn.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hệ thống luật pháp đang có nhiều bất hợp lý. Qua rà soát của VCCI về một số Luật liên quan trong lĩnh vực BĐS như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS… đã có đến 20 xung đột chính sách từ các luật liên quan đến nghị định, thông tư hướng dẫn về lĩnh vực BĐS đang có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi dẫn đến trong quá trình triển khai có nhiều dự án bị thanh tra, kiểm toán kéo dài.
GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, năm 2009, Quốc hội đã phải ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật có liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản để sửa đổi nhóm luật ban hành trong giai đoạn 2003 - 2005, bao gồm: Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật doanh nghiệp, Luật Đất đai và Luật Nhà ở vì lý do một số xung đột pháp luật giữa các Luật này. Đến nay, câu chuyện xung đột pháp luật lại diễn ra đối với các nhóm Luật nói trên.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, một trong những nguyên nhân đến từ thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, dẫn đến cơ chế "xin - cho", phát sinh tiêu cực. Nhiều dự án nhà ở thương mại thường phải mất thời gian trên dưới 5 năm mới có sản phẩm đưa ra thị trường là quá dài, tạo tác động chi phí quá lớn lên doanh nghiệp BĐS và gây tác động đến thực trạng khan hiếm nguồn cung nhà ờ, BĐS hiện nay của TP.HCM.
Đại diện các doanh nghiệp BĐS, ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam đề nghị UBND TP.HCM sớm giải quyết ách tắc về chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết và lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quỹ đất, bao gồm: đất ở, đất nông nghiệp, đất chuyên dùng, xen cài đất do Nhà nước trực tiếp quản lý. Đồng thời, có cơ chế để xử lý tất cả các trường hợp đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án để sớm giải quyết ách tắc này.
TS. Vũ Tiến Lộc ghi nhận các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về các điểm chồng chéo, chưa phù hợp thực tiễn phát triển dự án gây ra tình trạng ách tắc, khó khăn nói chung, không đảm bảo thị trường ổn định thuộc các vấn đề tại Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, chính sách siết tín dụng - vốn vay cho lĩnh vực BĐS. Qua đó, VCCI sẽ có báo cáo lên Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS.