Giữ mãi hình ảnh Bác giữa lòng Thủ đô kháng chiến

05/02/2016 00:00

(TN&MT) - Bất cứ ai đến với thành phố Tuyên Quang đều khó có thể bỏ qua ngôi đền mái ngói đỏ tươi, uy nghi tọa lạc ngay tại vị trí sầm uất của đô thị trẻ. Đó là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, một công trình kiến trúc thấm đẫm tình cảm của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang với vị Cha già kính yêu.

Tuyên Quang vốn nổi tiếng với nhiều địa danh lịch sử gắn liền với công cuộc trường kỳ kháng chiến, với Cách mạng tháng Tám thắng lợi lẫy lừng. Ít có nơi nào trên đất nước Việt Nam lại in đậm dáng hình của Bác đến vậy. 5 năm 11 tháng 25 ngày. Từng con số nói lên sự gắn bó mà đồng bào nơi đây dành cho Bác. Họ nhớ ông Cụ già áo chàm từng cùng ăn, cùng ở dưới mái lán đơn sơ. Họ nhớ nụ cười giản dị, ánh mắt sáng như sao của người Cha già dân tộc khi chỉ bảo điều hay lẽ phải. Nhớ lời lẽ đanh thép, hào hùng của vị Chủ tịch nước thủa nào dưới bóng đa Tân Trào, mái đình Hồng Thái, đã hiệu triệu cả đất nước cùng đứng lên, chớp lấy thời cơ “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”…

70 năm đã trôi qua, nhưng nỗi nhớ ấy không lúc nào nguôi ngoai. Chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã cùng nhau góp công góp sức, xây dựng nên khu Đền thờ Bác Hồ, phần để tri ân Bác, phần cũng thỏa ước nguyện được gần Bác hơn. Ngày 19/2/2013, UBND tỉnh chính thức làm lễ động thổ. Công trình nhanh chóng được hoàn thành trong vòng 1 năm 6 tháng, gắn kết với nhóm tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” trong khuôn viên Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Toàn bộ Quảng trường đã được khánh thành vào đúng ngày 19/5/2015, là món quà nhân dịp 125 năm ngày sinh của Bác.

Cũng nhân dịp này, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tới dâng hương tại đền thờ Bác và trồng cây lưu niệm tại đây. Điều đó vừa thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với Bác, đồng thời, ghi nhận, trân trọng trí tuệ, tâm huyết, thành quả lao động của cán bộ, nhân dân đã nỗ lực xây dựng nên công trình lịch sử này. Trong cuốn lưu bút, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ghi: "Trước anh linh Bác kính yêu, chúng con xin nguyện cùng toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu xây dựng nước Việt Nam ta hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh góp phần xứng đáng vào sự nghiệp Cách mạng thế giới như lòng mong muốn của Người".

Nằm ở khu vực trung tâm thành phố Tuyên Quang, bất cứ ai khi ghé thăm đều dễ dàng nhận ra ngôi đền oai nghiêm dựa lưng vào chân núi Thổ Sơn. Tương tuyền, trong cuộc chiến Lê - Mạc vào cuối thế kỉ XVI, quan quân nhà Mạc đã cho đắp núi, xây thành để ngăn bước tiến quân nhà Lê. Nay, thành nhà Mạc đã không còn nguyên vẹn, trở thành Di tích lịch sử cấp Quốc gia, còn núi Thổ Sơn vẫn hiên ngang đứng đó, làm điểm tựa cho ngôi đền thờ vị Cha già dân tộc.

Từ xa nhìn lại, mái nghiêng nghiêng lợp ngói mũi hài nâu đỏ, kìm nóc được tô đắp tinh xảo nổi bật trên nền tường thành cao trắng tinh. Phần chân đền cao gần 20m, 3 mặt hướng ra những con đường lớn của thành phố nên tầm nhìn rất thoáng đãng. Đền có cấu trúc của ngôi nhà truyền thống hình chữ Đinh, 3 gian 2 chái, mang dấu ấn quê nhà miền Trung của Bác. Bức tượng Bác và các ban thờ đều đặt trong gian chính, phía trên tượng Bác là bức Gian chính có bức đại tự: “Chính Đại Quang Minh”, 2 bên treo đôi câu đối do Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu viết:

"Ánh sáng rực Tuyên Quang hồng nhật soi dài muôn dặm đất
Khí thiêng trùm Việt Bắc đẩu tinh định hướng triệu con người"


Mặt trời soi đường và sao Bắc đẩu chính là Bác Hồ, là cách mạng Việt Nam đã mở lối cho đất nước đi đến thắng lợi, tiếp tục con đường xã hội chủ nghĩa.

Một điểm đặc biệt không nơi nào có, đó là đền còn có là ban thờ bài vị thân phụ, thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ông Nguyễn Sinh Sắc và Bà Hoàng Thị Loan). Ông cha ta từng ví: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Người dân Tuyên Quang cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn tới đấng sinh thành của Người, thể hiện đạo lý truyền thống dân tộc "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Có lẽ chính vì vậy mà nhìn bề ngoài, cả công trình toát lên vẻ nghiêm trang nhưng bước vào trong đền lại có cảm giác rất gần gũi, ấm áp.

Không chờ đến ngày chính thức khánh thành, ngay từ khi mới đón tượng Bác an vị tại đền vào tháng 8/2014, rất đông khách thập phương đã tìm đến dâng hương. Chị Nguyễn Thị Chúc, người trông coi khu đền kể lại, nhiều đoàn hành hương không quản ngại xa xôi từ miền Trung, miền Nam ra thăm viếng, đặc biệt là dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9. Người đứng kín cả sân nhưng không hề ồn ào, lần lượt thỉnh chuông khai lễ, chắp tay dâng hương tỏ lòng thành kính.

“Một người hóa thân thành dân nước
Không là thần thánh chẳng vua quan
Một người ấp ủ bao khao khát
Như mọi con người ở trần gian
Cuộc đời vạn biến mà không khác
Một người toàn vẹn chỉ Việt Nam”

(Người – Việt Phương)

Ngước lên tượng Bác, dường như ai cũng thấy Người từ ái nhìn khắp lượt cháu con, ngắm trọn non sông đất nước và hài lòng thấy dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, nước ta ngày càng đổi mới và phát triển vững mạnh, sánh vai với các cường quốc 5 châu. Sinh thời, Bác luôn có lối sống giản dị, gần gũi với bà con nhân dân. Bác đi rồi, nhân dân vẫn không nguôi niềm thương nhớ bác.

Dù công trình được xây dựng chưa lâu nhưng nơi đây đã đã trở thành một địa chỉ giáo dục truyền thống cho các thế hệ về tinh thần đoàn kết dân tộc, niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang với công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chị Phan Thị Nguyệt, Phó Giám đốc Ban Quản lý Quảng trường Nguyễn Tất Thành cho biết, đền thờ cùng với Quảng trường Nguyễn Tất Thành đã trở thành một địa chỉ đỏ mới, kết nối với các khu di tích lịch sử trong hành trình về nguồn của du khách khi đến với Tuyên Quang.


Khánh Ly

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ mãi hình ảnh Bác giữa lòng Thủ đô kháng chiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO