Giám sát môi trường: Sẽ có những thay đổi

22/11/2016 00:00

(TN&MT) - Theo thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), còn không ít những dự án có nguy cơ cao xảy ra sự cố môi trường đang cần có sự giám sát chặt chẽ. Tuy vậy, trên thực tế hiện nay, năng lực giám sát của trung ương và địa phương chưa đáp ứng yêu cầu này. Vì vậy, sắp tới Bộ TN&MT sẽ có những kiến nghị sửa đổi luật để thay đổi cơ chế và điều kiện giám sát môi trường.

Tăng cường giám sát dự án gây ô nhiễm môi trường. Ảnh MH
Tăng cường giám sát dự án gây ô nhiễm môi trường. Ảnh MH

Nhiều dự án có nguy cơ gây ô nhiễm

Chính phủ đã được khẳng định quan điểm rất rõ ràng: Không đánh đổi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá và không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư nước ngoài.  Nhưng hiện nay, vẫn tồn tại không ít những nhà máy, dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Những nhà máy, dự án này đã được Bộ Công Thương nêu đích danh. Đó là dự án: Alumin Nhân Cơ - Đắc Nông, Công ty Nhôm Lâm Đồng, dự án mỏ sắt Thạch Khê, dự án khai thác và chế biến đồng Sin Quyền;Dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau.; nhà máy điện Vũng Áng 1;Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4; các nhà máy sản xuất photpho và hóa chất thuộc Khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai) và Công ty Phân đạm Ninh Bình…

Theo các chuyên gia về môi trường, sở dĩ có những nhà máy, dự án gây ô nhiễm “lọt lưới” vì cơ chế quản lý đầu tư đã phân cấp mạnh cho các địa phương. Địa phương có quyền lựa chọn các dự án, đề xuất và trao quyết định đầu tư. Nhiều địa phương muốn phát triển kinh tế đã ưu ái cho các dự án quy mô lớn mà không lường trước những tác động khôn lường tới môi trường. Thế nên mới xảy ra tình trạng dự án bị địa phương này từ chối vì sử dụng công nghệ lạ hậu song vẫn được địa phương khác chào đón …  Bên cạnh đó, các tiêu chí về công nghệ, việc đánh giá tác động môi trường còn chưa chặt chẽ.

Trước thực trạng này, mới đây, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đã, đang và sẽ đầu tư; xác định  rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc đánh giá tác động môi trường và khi có sự cố ô nhiễm xảy ra khi đi vào vận hành, sản xuất; đồng thời có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng việc đánh giá tác động môi trường.

Tăng cường giám sát

Môi trường đang bị đe dọa bởi sự hiện hữu của các nhà máy, dự án có nguy cơ gây ô nhiễm. Đã đến lúc phải tăng cường kiểm tra, giám sát, mạnh tay xử lý vi phạm pháp luật về môi trường đồng thời phân rõ vai trò, trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành hơn nữa.

Nhìn lại vụ Formosa Hà Tĩnh mới thấy, sự lơ là trong giám sát của địa phương đã gây ra những hệ lụy khôn lường. Nghị định 38 về quản lý chất thải và phế liệu quy định các khu công nghiệp phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT địa phương. Nhưng đến khi xảy ra thảm họa hải sản chết hàng loạt ở miền Trung Sở TN&MT Hà Tĩnh vẫn chưa đấu nối với hệ thống quan trắc tự động của Cty Formosa. Nghị định này cũng quy định, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong quản lý nước thải là phải quan trắc, kiểm soát chất lượng nước tại các nguồn tiếp nhận quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn nước thải vào nguồn tiếp nhận nội tỉnh. Nhưng một lượng lớn Phenol, Xyanua và sắt từ Formosa đã thải ra môi trường đã không được tỉnh phát hiện.

Qua đó có thể thấy, việc giám sát xả thải của các doanh nghiệp cũng như kiểm soát quan trắc ô nhiễm môi trường hiện còn yếu. Trong bối cảnh hiện nay, nếu chúng ta không đẩy mạnh việc giám sát thì tương lai sẽ xảy ra những sự cố môi trường tương tự như Formosa.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: “Để giám sát tốt môi trường của một dự án, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan cấp phép đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước; trong đó có cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Cần quy trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan quản lý nhà nước và cá nhân người thực thi công vụ. Chỉ trong trường hợp đó chúng ta mới đủ khả năng để giám sát hiệu quả dự án.”

Sẽ điều chỉnh luật

Mặc dù chúng ta có hệ thống quản lý Nhà nước về môi trường tương đối đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Ở Trung ương có Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường và 7 Bộ ngành có cơ quan môi trường là cục, vụ. Ở địa phương có Sở TN&MT, Chi cục bảo vệ môi trường và đặc biệt chúng ta có Cảnh sát về môi trường. Tuy vậy, sự phối hợp giữa các cấp chưa thực sự hiệu quả, đồng bộ. Sự phân công trách nhiệm và phối hợp giữa các cấp, các ngành; chế độ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chưa được quy định rõ ràng nên khi sự cố môi trường xảy ra chúng ta còn lúng túng trong xử lý.

Tại phiên trả lời chất vất của các đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Sắp tới TN&MT sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh Luật Bảo vệ môi trường. Đối với đánh giá tác động môi trường, những dự án nào thấy thân thiện môi trường thì không cần phải tiếp cận phức tạp. Còn với dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì phải có cơ chế giám sát riêng. Thực tế năng lực giám sát của trung ương và địa phương chưa đáp ứng yêu cầu này nên cơ chế và điều kiện giám sát đặt ra cũng phải khác trước.

Hơn nữa, trong quá trình đánh giá tác động môi trường phải mời được các nhà khoa học trong các lĩnh vực để ngay từ khâu tư vấn phải gắn trách nhiệm với hội đồng và từng cá nhân. Sau đó, phải sử dụng các lực lượng khoa học và có cơ chế tài chính để giám sát quản lý, tránh sự cố môi trường như thời gian vừa qua.

Thảo Linh

 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát môi trường: Sẽ có những thay đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO