Giải pháp và hành động nhằm phục hồi xanh sau Covid-19

Phạm Oanh| 04/08/2021 18:26

(TN&MT) - Dịch bệnh Covid-19 đang khiến cho tình hình kinh tế-xã hội của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp vô vàn khó khăn. Mỗi quốc gia sẽ lựa chọn cho mình một lộ trình phục hồi và phát triển kinh tế phù hợp. Và, Việt Nam đang theo đuổi lộ trình kích thích kinh tế theo hướng phục hồi xanh.

Những định hướng rõ ràng

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia vẫn có tăng trưởng dương trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, Việt Nam đang ngày càng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Chính những thuận lợi và khó khăn trên là nền tảng để Việt Năm nắm bắt cơ hội tăng cường khả năng tự phục hồi của nền kinh tế - điều mà trong điều kiện chưa có dịch bệnh khó có thể làm được.

Đúng như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính, “đại dịch và những khó khăn, thách thức cũng để các nước thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống, bảo đảm hài hòa giữa con người và thiên nhiên và là động lực để thúc đẩy các nước cùng hợp tác vượt qua”.

Việt Nam lựa chọn lộ trình phát triển kinh tế theo hướng phục hồi xanh sau Covid-19

Về phía mình, Việt Nam kiên định thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển xanh với con người là trung tâm, chủ thể, và mục tiêu cao nhất của phát triển, trong đó có phát triển xanh.

Trong đó, Việt Nam đưa ra 6 giải pháp thực hiện phục hồi xanh sau Covid-19 gồm: Phục hồi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu; chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của các quốc gia; tâm xây dựng thể chế để khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án công - tư trong tăng trưởng xanh; hình thành các chuỗi giá trị và ngành nghề mới thông qua xanh hóa sản xuất công - nông nghiệp và dịch vụ; nâng cao năng lực chủ động thích ứng của những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; ngăn chặn, đẩy lùi và giải quyết cơ bản đại dịch Covid-19; nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích chung của toàn nhân loại, bảo đảm môi trường quốc tế….

Hành động thực tế

Thực chất, nhiều năm gần đây, Việt Nam đã khẳng định chủ trương xuyên suốt của trong phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu với phương châm kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”, không chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà phải hi sinh môi trường sống của người dân.

Tinh thần trên được thể hiện rõ nhất qua hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và những hành động thực tế mà Việt Nam đã thực hiện và tham gia thực hiện cùng cộng đồng Thế giới.

Đơn cử như Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được thông qua có rất nhiều điểm mới, phù hợp với tiến trình phát triển, hội nhập của đất nước. Trong đó nhấn mạnh, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phải gắn bó hài hòa với phát triển kinh tế và được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường.

Hay, theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Việt Nam vừa hoàn thành cập nhật Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) và là một trong 20 quốc gia đệ trình báo cáo này sớm nhất lên Ban thư ký Công ước khí hậu (UNFCCC). NDC cập nhật của Việt Nam lần này đã nâng mức đóng góp do quốc gia tự thực hiện lên 9% và sẽ đạt 27% nếu có hỗ trợ quốc tế, tương đương lượng phát thải giảm được là 83,9 triệu tấn và 250,8 triệu tấn các-bon đến năm 2030.

Đặc biệt, từ năm 2021 trở đi, Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các cam kết quốc tế nêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật và các quy định khác áp dụng đối với Việt Nam do Thoả thuận Paris quy định.

Thực hiện lộ trình này, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã xây dựng Dự thảo Nghị định giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Dự thảo đã được Bộ lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp…

Trong đó, điểm nổi bật của dự thảo Nghị định là đưa ra lộ trình phù hợp để các doanh nghiệp tham gia, xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm phát thải trong quá trình sản xuất. Vừa đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, vừa không tạo áp lực cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong lúc tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Dự thảo Nghị định giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ô-dô, đưa ra mục tiêu và lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho giai đoạn đến hết năm 2025 và giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030. Trong đó, giai đoạn từ nay đến hết năm 2025 không tạo sức ép giảm phát thải đối với các doanh nghiệp, từ năm 2026 đến hết năm 2030, các doanh nghiệp sẽ thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp và hành động nhằm phục hồi xanh sau Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO