Báo cáo quý 1/2022 thị trường BĐS TP.HCM và vùng phụ cận của Cushman & Wakefield (C&W) Việt Nam vừa công bố cho thấy, mức giá căn hộ trung bình toàn thị trường bao gồm tất cả các phân khúc đạt 3.300 USD/m2 (tương đương 75,4 triệu đồng), tăng 8% theo quý và tăng 27% theo năm.
C&W Việt Nam cho biết, giá bán thị trường căn hộ không ngừng tăng trong 10 năm qua, chủ yếu là do giá đất tăng trong bối cảnh quỹ đất hạn chế, chi phí vật liệu xây dựng tăng. Đồng thời, thị trường đón nhận nhiều sản phẩm thuộc phân khúc hạng sang và siêu sang, thúc đẩy giá trung bình từ đó tăng lên. Đáng chú ý, mức giá bán nhà liền thổ tại TP.HCM cao hơn 3 lần so với giá bán tại các tỉnh lân cận. Cụ thể, giá bán trung bình tại TP.HCM đạt 7.580 USD/m2 (tương đương 173 triệu đồng), tăng 30% theo quý và tăng 42% theo năm.
Khảo sát từ batdongsan.com.vn cũng cho thấy, trong năm qua, giá căn hộ tăng trung bình gần 10%. Sản phẩm biệt thự, nhà liền thổ tăng trên 15%. Đặc biệt, tại TP Thủ Đức hoặc các huyện như Củ Chi, Nhà Bè… sau khi có thông tin lên quận thì giá đất nền đã tăng hơn 20%.
Theo ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc batdongsan.com.vn tại TP.HCM, mức độ tăng giá đến từ sự kỳ vọng tăng giá trong tương lai, tức người ta muốn giữ tài sản và chờ tăng giá trong tương lai. Ngoài ra, liên quan đến nhu cầu, nhu cầu tăng cũng tác động đến giá BĐS. Đó là những nguyên nhân cốt yếu làm cho giá BĐS tăng trưởng trong thời gian qua, dù dịch bệnh nhưng mọi người vẫn kỳ vọng mức độ tăng giá trong tương lai sẽ tiếp diễn.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc R&D DKRA Việt Nam nhìn nhận, các dự án ra hàng vào cuối năm nay và nửa đầu năm 2022 có thể sẽ chịu áp lực tăng giá do giá vật liệu xây dựng tăng cao, yếu tố lạm phát cũng như nguồn cung mới không được dồi dào. Do đó, việc giảm giá BĐS là rất khó xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi BĐS Việt Nam phân tích, thị trường TP.HCM trong 3 tháng đầu năm nay chứng kiến nguồn cung eo hẹp. Trong khi đó, sức cầu thị trường là rất lớn. Điều này đã đẩy giá nhà tăng. Dự báo trong năm 2022, kịch bản khả quan hạ giá chung cư là điều khó xảy ra, nhất là khi nguồn cung đang khan hiếm. Tình trạng lạm phát, tăng chi phí nguyên vật liệu sẽ tiếp tục đẩy giá căn hộ tăng cao.
Nói về giải pháp, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, nội hàm thị trường vẫn đang rất tốt nên cách giải quyết “bong bóng” BĐS là tháo gỡ các rào cản quy định pháp luật để thị trường có thêm nhiều nguồn cung. "Nếu thị trường dồi dào nguồn cung thì cung - cầu tự điều tiết. Khi cung nhiều, chủ đầu tư bán giá cao sẽ không ai mua, phải điều tiết lại cho hợp lý với nguồn cầu, giá BĐS lúc đó sẽ cân bằng lại", ông Đính nhấn mạnh.
Ông Neil MacGregor - Tổng giám đốc Savills Việt Nam cũng cho rằng, khó khăn lớn trên thị trường BĐS nhà ở hiện nay là vấn đề thiếu nguồn cung. Chính vì vậy, điều quan trọng là hỗ trợ mở rộng nguồn cung BĐS ra thị trường để “bong bóng” BĐS và kinh tế không xảy ra. Nếu không, giá cả sẽ tiếp tục leo thang trong năm 2022 và ngành BĐS sẽ trở nên khó chạm tới kể cả với người mua nhà ở, khách thuê văn phòng hay những nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp.
Mới đây, Hiệp hội BĐS TPHCM đã có văn bản gửi UBND TP.HCM, Sở Xây dựng kiến nghị tháo gỡ vướng mắc cho 57 doanh nghiệp với 64 dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội (NƠXH) bị “treo” trong nhiều năm qua. Đối với các dự án NƠXH, HoREA kiến nghị UBND TP.HCM cần giải quyết hồ sơ nhanh nhất.
Theo HoREA, nhiều năm qua, các doanh nghiệp tự thương lượng giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch và tự bỏ vốn (kể cả vay với lãi suất thương mại) để đầu tư xây dựng các dự án NƠXH nhưng vướng pháp lý. Nếu được các Sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, thì hoàn toàn có thể khởi công xây dựng các dự án NƠXH này trong 6 tháng đầu năm nay, sẽ giúp TP có thêm 5.209 căn hộ cho người lao động giai đoạn 2024-2025.