Những ngày đầu tháng 3, tiếp nối những chuyến thiện nguyện đến vùng hải đảo, vùng sâu vùng xa của Tổ quốc, Báo Tài nguyên và Môi trường lại phối hợp cùng các doanh nghiệp trao quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.
Đến với Cô Tô lần này, Báo không chỉ trao 35 suất quà, mỗi suất trị giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng cho 35 hộ gia đình thuộc diện nghèo và cận nghèo mà còn trao thêm các nhu yếu phẩm. Những gói mì chính, chai nước mắm… giá trị vật chất không lớn nhưng là tấm lòng của những nhà hảo tâm, là sự chắt chiu yêu thương của đất liền gửi cho người nghèo trên hòn đảo có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh này.
Khởi hành từ sáng sớm tinh mơ, chiếc xe 29 chỗ chở những con người với trái tim ấm áp ấp ủ mong muốn mang niềm vui đến cho những hoàn cảnh khó khăn ở vùng hải đảo xa xôi. 7 giờ sáng chúng tôi đến cảng Cái Rồng, bốc dỡ hàng hóa lên tàu cao tốc để ra đảo Cô Tô. Dường như thấu hiểu việc làm của chúng tôi, biển hôm nay cũng trở nên dịu dàng. Những con sóng lớn lặn sâu, nhường chỗ cho con sóng nhỏ nên cả đoàn không ai bị say sóng. Sau hơn 1 giờ lênh đênh trên biển, Cô Tô hiện ra tĩnh lặng và hoang sơ. Đón đoàn ngay tại cầu tàu là ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Ban Dân vận Huyện ủy. Tiếp đoàn tại trụ sở UBND huyện đảo Cô Tô, ông Nguyễn Nhật Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo cho biết, năm 2017, xét theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều, Cô Tô có 56 hộ nghèo, tương đương với 3,19%. Nhưng năm nay, chúng tôi phấn đấu đưa hộ nghèo xuống dưới 1%, cụ thể giảm ít nhất 10 hộ nghèo. Để làm được việc này, chúng tôi đã thực hiện khảo sát phân loại các hộ nghèo để có chính sách hỗ trợ phù hợp, đồng thời, phân cấp, phân công các cơ quan, đơn vị trên địa bàn gắn với một địa chỉ hộ nghèo để hướng dẫn, trợ giúp họ thoát nghèo bền vững.
Chúng tôi tin là chính quyền nơi đây sẽ làm được, bởi huyện đã tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các hộ đăng ký thoát nghèo để mua phương tiện sản xuất, cây trồng, con giống... Tất cả các thôn, khu của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều được trang bị tủ sách. Từ đó, người dân cơ bản được tiếp cận đầy đủ thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các chương trình sách, ấn phẩm truyền thông và bản tin của đài truyền thanh huyện…
Sau gần 1 tuần trôi qua kể từ chuyến đi từ thiện về huyện đảo Cô Tô, bây giờ ngồi đây và hồi tưởng lại những gì đã trải qua trong chuyến đi, trong mỗi người của đoàn thiện nguyện chúng tôi vẫn dâng trào cảm xúc, vui buồn đan xen.
Tôi không thể nào quên được đôi mắt ngấn nước của cô bé Lê Thị Hiền (thôn Hồng Hà, xã Đồng Tiến) khi lên nhận quà của đoàn. Em mới 13 tuổi nhưng 6 năm nay, từ khi bố mất em đã phải quán xuyến việc nhà. Mẹ đi làm phụ hồ để lại em gái 9 tuổi cho Hiền chăm. Thu nhập của cả gia đình chỉ trông vào đồng lương không ổn định của mẹ và trợ cấp của bộ đội biên phòng, những bữa cơm có thịt đối với hai chị em thật là hiếm hoi. “Em cháu đang tuổi lớn, nó ăn nhiều lắm nên cháu phải nhường em. Chỉ mong nó đừng ốm để mẹ còn đi kiếm tiền”. Nghe em nói mà tôi thấy quặn thắt. Khó khăn, nhọc nhằn đã khiến em quên mất mình cũng chỉ 13 tuổi.
Trong các hộ khó khăn đến nhận quà còn có cụ Bùi Văn Đê, 84 tuổi ở thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến. Cụ có 4 người con đi làm thuê trong đất liền, do khó khăn nên vài năm mới về thăm bố mẹ một lần. Nhà chỉ còn 2 ông bà, thu nhập duy nhất là vườn chuối sau nhà, đau ốm thì sắc thuốc lá uống chứ không dám đi khám. Cụ Đê cho biết, với số tiền của đoàn thiện nguyện, cụ yên tâm không phải lo cơm từng bữa trong vài tháng.
Vẫn còn rất nhiều mảnh đời khó khăn, dù chỉ giúp được một phần rất nhỏ, nhưng nhìn nụ cười của họ, chúng tôi lại có thêm động lực. Ai đó đã nói: “Tôi học cách cho đi không phải vì tôi đã có quá nhiều, mà vì tôi đã biết ý nghĩa và cảm giác của việc cho đi”.