Gia Lai: Trạm xử lý nước thải vẫn xả lậu?

17/08/2019 19:45

(TN&MT) - Dù nhà máy xử lý nước thải của khu công nghiệp đã bị Cảnh sát Môi trường xử phạt hành chính về hành vi xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải song người dân vẫn phải sống cùng ô nhiễm...  

Ảnh hệ thống xử lý nước thải của khu công nghiệp Trà Đa (2)
Các bể lắng đọng tại khu công nghiệp Trà Đa


Theo phản ánh của người dân sống gần Khu công nghiệp Trà Đa (trụ sở xã Trà Đa, TP. Pleiku, Gia Lai), Trạm xử lý nước thải ở đây với chức năng thu gom và xử lý nước thải công nghiệp nhưng nhiều năm nay lại thường xuyên xả trực tiếp nguồn nước ô nhiễm ra môi trường.

Theo chân người dân đi thực địa chúng tôi nhận thấy, tại cầu Trà Đa thuộc thôn 2 (xã Trà Đa), dòng suối có màu đen kịt bởi nước thải chảy ra từ cống thoát của Khu công nghiệp Trà Đa. Trạm xử lý nước thải thường xuyên xả nguồn nước ô nhiễm ra môi trường có mùi hôi thối, màu đen đặc hòa vào nguồn nước suối đổ về vùng hạ du.

"Nguồn nước từ khu công nghiệp xả ra dòng suối có mùi hôi thối, đen đặc xuất hiện vài năm nay, đặc biệt là buổi sáng, họ thường tranh thủ xả thứ nước bột đá trắng như sữa ra suối, sau đó khoảng nửa tiếng là đến dòng nước đen kịt. Khi nước thải gặp nước suối, dòng nước sẽ cuốn trôi đi rất nhanh nên cán bộ chức năng khó bắt quả tang. Trong các đợt tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh và đã có cán bộ xuống kiểm tra nhưng đâu lại vào đấy”, một người sống gần dòng suối nói.

Ảnh điểm xả thải có màu đen đặc hòa với dòng suối
Điểm xả thải có màu đen đặc hòa với dòng suối

Theo một cán bộ xã Trà Đa, đơn vị này trước đây cũng đã bị phạt hành chính về hành vi xả thải trái phép ra môi trường nhưng vẫn không chịu khắc phục. Cụ thể, ngày 26-10-2018, Đại tá Nguyễn Văn Minh - Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Gia Lai ký quyết định số 06/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính số tiền 06 triệu đồng đối với Công ty Phát triển hạ tầng Khu kinh tế tỉnh Gia Lai về hành vi xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến 3 lần (lưu lượng nước thải dưới 5m3/ngày). Cảnh sát môi trường Gia Lai còn buộc Công ty Phát triển Hạ tầng khu kinh tế tỉnh Gia Lai phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và buộc phải chi trả kinh phí mẫu kiểm định môi trường. Công ty Phát triển hạ tầng Khu kinh tế tỉnh Gia Lai phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt này. Nếu quá thời hạn mà đơn vị này không tự nguyện thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định.

Tuy nhiên, sự việc chẳng có gì thay đổi, người dân vẫn phải sống chung với nguồn nước ô nhiễm. Cụ thể, vào ngày 29-7-2019, theo phản ánh của cán bộ UBND xã Trà Đa, nguồn nước thải ra suối Trà Đa vẫn có hiện tượng màu đen và có mùi hôi(!). "Việc này nhân dân đã kiến nghị nhiều lần vì gây ảnh hưởng đến cuộc sống và việc sản xuất kinh tế của họ nhưng không hiểu sao vẫn không được giải quyết triệt để", vị cán bộ xã Trà Đa cho biết.

Ảnh hệ thống xử lý nước thải của khu công nghiệp Trà Đa (1)
Ngành chức năng ghi nhận thực tế và lấy mẫu nước đi kiểm nghiệm

Qua tìm hiểu từ một cán bộ làm ở Công ty Phát triển hạ tầng khu kinh tế tỉnh Gia Lai được biết, khi hoàn thiện hồ sơ dự án đầu tư vào khu công nghiệp, các doanh nghiệp phải có bản đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường. Khi xây dựng nhà máy, doanh nghiệp cũng phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhà máy.

Nguồn nước được xử lý tại nhà máy đạt tiêu chuẩn mức độ cột B thì được thu gom về hệ thống xử lý nước thải chung của toàn khu công nghiệp, rồi tiếp tục xử lý khi đạt chuẩn mới xả thải ra môi trường. Hệ thống đấu nối thu gom nguồn nước thải từ các doanh nghiệp được đầu tư, nâng cấp không đồng bộ, một số hạng mục đã xuống cấp nên vấn đề kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khó khăn.

Ngoài sự thiếu đồng bộ hệ thống đấu nối thu gom nước thải thì bất cập hiện nay là các doanh nghiệp tự bỏ tiền thuê đối tác làm báo cáo đánh giá tác động môi trường nên đôi lúc cũng không được khách quan. Đối với doanh nghiệp lớn thì một quý báo cáo một lần, doanh nghiệp nhỏ thì một năm chỉ làm việc này hai lần. "Để các doanh nghiệp thực hiện đúng như đề án bảo vệ môi trường, các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là cần kiểm tra đột xuất để tránh sự đối phó của các doanh nghiệp", vị cán bộ ở đây kiến nghị.

Còn theo phó Giám đốc Công ty Phát triển Hạ tầng khu kinh tế tỉnh Gia Lai Nguyễn Đăng Khoa thì, hệ thống xử lý nước thải toàn công nghiệp Trà Đa được xây lắp năm 2008 với tổng số vốn 12,8 tỷ đồng, bắt đầu hoạt đồng từ năm 2010, công suất thiết kế 2000m3/ngày đêm. Hiện tại, nhà máy đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải của 37 dự án đang hoạt động với công suất trung bình là từ 350-450m3/ngày đêm (khoảng 1/4 công suất thiết kế). Nhà máy đã đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với nước thải sẽ kết nối, truyền số liệu về Sở Tài nguyên Môi trường theo quy định trong thời gian sắp đến.

Về phản ánh của UBND xã Trà Đa, Ban Quản lý khu Kinh tế tỉnh Gia Lai sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường, UBND TP. Pleiku tiếp tục theo dõi, xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Trạm xử lý nước thải vẫn xả lậu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO