Hải Dương: Trụ sở, công trình lãng phí thành nơi ô nhiễm môi trường
(TN&MT) - Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có trụ sở sau khi sáp nhập xã bỏ hoang, công trình chợ, lò đốt rác xây dựng không đi vào hoạt động gây lãng phí. Không những vậy, trụ sở, công trình này trở thành nơi tập kết rác thải, đốt rác gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Theo ghi nhận của phóng viên, Khu nhà 2 tầng, nhà văn hóa là trụ sở của Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân và UBND xã Trùng Khánh, huyện Gia Lộc đã nhiều năm qua “cửa đóng then cài” bỏ hoang cỏ dại mọc cao đến đầu người và đang xuống cấp nghiêm trọng, bởi không được sử dụng.
Người dân ở xung quanh tận dụng khu vực sân để tập kết bao bì và chất đống thùng nhựa trên hành lang.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Du, Chủ tịch UBND xã Yết Kiêu, cho biết: Tháng 12/2019, xã Trùng Khánh sáp nhập vào xã Yết Kiêu (lấy tên là xã Yết Kiêu).
Từ khi sáp nhập đến nay, trụ sở xã Trùng Khánh bỏ hoang không được sử dụng, gây lãng phí và đang xuống cấp. Xã nhiều lần đề xuất xin cơ sở này để giao cho trường mầm non của xã, nhưng do các cấp chính quyền huyện, tỉnh yêu cầu phải làm thủ tục chuyển đổi đất đai. Chính vì vậy, trụ sở không thể bàn giao được cho nhà trường và bỏ hoang từ đó đến nay.
Tiếp đến là chợ dân sinh thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng được xây dựng từ năm 2013 trên diện tích hơn 7.000m2. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng đến khi hoàn thành, chợ này lâm cảnh hoang tàn, nhếch nhách thành nơi tập kết rác thải.
Hiện các tiểu thương không vào chợ và kinh doanh tự phát dưới gầm cầu vượt đường 5 gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường.
Các tiểu thương kinh doanh ở đây phản ánh, Dự án chợ dân sinh Lai Cách do UBND thị trấn Lai Cách là chủ đầu tư, Công ty TNHH một thành viên Việt – Mỹ là đơn vị thực hiện theo phương thức doanh nghiệp ứng vốn thi công, chuyển nhượng các ki ốt thời hạn 25 năm để thu hồi vốn.
Chợ do xây dựng không đúng quy hoạch đường vào nhỏ hẹp, các ki ốt không đảm bảo diện tích nên các tiểu thương phản đối không vào chợ kinh doanh, buôn bán… dẫn tới chợ này bị bỏ hoang, tiểu thương phải hoạt động tại chợ tạm bên cạnh chợ mới.
Hiện chợ đang xuống cấp nghiêm trọng, rác thải tập kết trong chợ ô nhiễm ảnh hưởng môi trường sống nhiều hộ dân trong thị trấn.
Người dân xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc hiện bức xúc vì lò đốt rác được đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng đã đóng cửa nhiều năm không hoạt động, bên cạnh bãi rác thải ngày đêm âm ỉ cháy ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều hộ dân.
Được biết năm 2009, thôn Phong, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc được xây dựng 1 lò đốt rác từ nguồn tài trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, do băng chuyền nhỏ không tiếp nhận được loại rác thải từ nghề làm giày của thôn Phong nên lò đốt rác này chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi dừng. Để giải quyết triệt để ô nhiễm rác từ làng nghề giày, xã Hoàng Diệu đã đề nghị huyện, tỉnh hỗ trợ địa phương thay đổi công nghệ lò đốt cho phù hợp, nhưng đã hơn 10 năm trôi qua, lò đốt rác này đang hư hỏng, không được sửa chữa.
Đề nghị tỉnh Hải Dương cần có giải pháp đối với các trụ sở, công trình không được sử dụng đang gây lãng phí, biến thành nơi ô nhiễm môi trường.