Gia Lai: Đối mặt nguy cơ hạn nặng

24/02/2016 00:00

  (TN&MT) – Bước vào đầu mùa khô năm 2016, mực nước ở các sông, hồ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã sụt giảm mạnh, xuống thấp hơn nhiều so với các năm...

 

(TN&MT) – Bước vào đầu mùa khô năm 2016, mực nước ở các sông, hồ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã sụt giảm mạnh, xuống thấp hơn nhiều so với các năm do ảnh hưởng của hạn hán và tác động của hiện tượng El Nino diễn ra từ đầu năm 2015. Cùng với đó, việc người dân thiếu nước sinh hoạt và sản xuất xảy ra ở hầu hết các huyện của tỉnh. Gia Lai đối mặt với nguy cơ hạn hán nghiêm trọng nhất kể từ 20 năm qua.

Một đoạn sông Ba cạn kiệt, trơ đá
Một đoạn sông Ba cạn kiệt, trơ đá

Sông hồ cạn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, hiện tượng El Nino trong năm 2015 kéo dài đến hết mùa khô năm 2016, đạt cường độ tương đương với El Nino mạnh kỷ lục 1997 – 1998 và trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua kể từ khi có những quan trắc chi tiết về hiện tượng ENSO.

Theo đó, nhiệt độ các tháng mùa khô năm 2016 trên địa bàn tỉnh sẽ ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa trong mùa khô năm 2016 phổ biến ở mức thấp hơn nhiều năm trước, đạt khoảng 50 - 70% so với mọi năm. Mực nước trên các sông suối giảm dần theo thời gian. Đặc biệt, các hồ chứa nước ở khu vực phía Đông, Đông Nam tỉnh, lượng nước dự trữ chỉ đạt từ 30 – 80% dung tích hồ chứa. Tình trạng khô hạn và khả năng thiếu nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân năm 2015 – 2016, đầu vụ mùa 2016 và thiếu nước sinh hoạt cao hơn so với năm trước, cạn kiệt ở mức nghiêm trọng, xảy ra trên diện rộng. Lượng dòng chảy trên các sông suối, thiếu hụt từ 30 – 50%.

: Một hồ nước tự đào phục vụ sản xuất, tưới tiêu của người dân đã gần khô cạn.
: Một hồ nước tự đào phục vụ sản xuất, tưới tiêu của người dân đã gần khô cạn.

Trên địa bàn có 340 công trình thủy lợi với tổng năng lực thiết kế tưới cho 54.684 ha cây trồng (lúa, rau màu và cây công nghiệp). Tuy nhiên, do tình hình thời tiết bất lợi, thiếu hụt nguồn nước xảy ra nên dự kiến diện tích tưới năm nay sẽ giảm gần 3.000 ha so với năm trước. Ở thời điểm hiện tại, có hàng trăm ha lúa nước trên địa bàn tỉnh có khả năng bị hạn và mất trắng nếu không có mưa. Đến đầu tháng 3/2016, nhiều công trình thủy lợi phục vụ nước tưới cây công nghiệp khả năng thiếu nước tưới đợt 2, đợt 3. Các công trình thủy lợi là hồ chứa có nguy cơ thiếu nước cao như hồ Ayun Hạ (Phú Thiện), hồ Ia Hrưng (Ia Grai).

Gia Lai là vùng chủ lực về cây công nghiệp cà phê, đầu mùa khô cũng là thời điểm tưới nước để cà phê ra hoa, đậu quả. Thiếu nước tưới làm giảm đi rất nhiều khả năng bung hoa của cây cà phê. Ông Lê Bá Thảo (trú thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai), một nông dân trồng cà phê than thở: “Mọi năm, đến đợt tưới cuối cùng thì lượng nước mới bắt đầu khan hiếm. Nhưng năm nay, mới vào đầu mùa, nước tưới đợt 1 cũng phải vừa tưới vừa nghỉ. Năm ngoái, cà phê đã mất mùa, mất giá, nông dân chúng tôi đã lao đao lắm rồi. Năm nay, với thời tiết thế này, không biết có được thu hoạch không”.

Không chỉ thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt hằng ngày của hàng ngàn hộ dân cũng trong tình cảnh khan hiếm. Đa số người dân trên địa bàn sử dụng nước giếng, khi mực nước ngầm cạn kiệt cũng là lúc người dân phải dè xẻn sử dụng nước. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra ở nhiều địa phương của tỉnh như Kông Chro, Chư Sê, Krông Pa, Ia Pa…, ngay cả ở TP Pleiku, người dân một số vùng ven cũng phải đi xin nước về dùng.

Một mảnh ruộng lúa đã chết vì thiếu nước.
Một mảnh ruộng lúa đã chết vì thiếu nước.

Chủ động phòng chống

Trước những dự báo về tình hình khô hạn đang diễn ra trên địa bàn tỉnh và khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các loại cây trồng, ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã triển khai kế hoạch phòng chống hạn hán và ứng phó ảnh hưởng của hiện tượng El Nino trong mùa khô 2016. Dựa trên kế hoạch này, phòng chuyên môn các huyện đã xây dựng kế hoạch chống hạn thích hợp với mỗi địa phương. Ông Võ Văn Hưng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kông Chro cho biết: “Năm nay tình hình thời tiết khá khó khăn, không thuận lợi cho việc phát triển của cây trồng. Huyện đã khuyến cáo người dân canh tác một cách chủ động, không canh tác trên diện tích đất đã cảnh báo bị hạn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang những cây trồng ít dùng nước như đậu, ngô, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất”.

Cùng với đó, chính quyền các địa phương đã hỗ trợ người dân sử dụng máy bơm hộ gia đình bơm nước từ suối, ao, hồ phục vụ chống hạn; đào giếng, ao hồ nhỏ để cấp nước tưới; chủ động bố trí ngân sách địa phương để sửa chữa khắc phục các công trình nhỏ do địa phương quản lý để phục vụ hiệu quả; huy động nguồn lực nhân dân nạo vét kênh mương nội đồng; tuyên truyên nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Một nhánh suối Ia Châm (huyện Ia Grai) đã cạn nước.
Một nhánh suối Ia Châm (huyện Ia Grai) đã cạn nước.

Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, mực nước các hồ chứa để phối hợp với chính quyền địa phương lập kế hoạch sản xuất; vận hành công trình theo đúng quy trình, đảm bảo tối đa nhu cầu dùng nước của người dân. Theo kế hoạch, các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Ba phải thực hiện nghiêm việc xả nước về hạ du trong mùa cạn; đầu tư xây dựng công trình trọng điểm nhằm trữ nước, điều hòa và phân phối hợp lý nguồn nước trong năm.

Phòng chống hạn đạt hiệu quả cao là khi có sự phối hợp giữa chính quyền, đơn vị chuyên môn và cả người dân. Người dân cần được tuyên truyền để hiểu rõ ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng thiếu nước trong mùa khô để nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm. Ngoài ra, tăng cường bảo vệ môi trường, phát triển rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn và trồng rừng theo quy hoạch để đảm bảo độ che phủ cũng là giải pháp giúp hạn chế thấp tác hại của biển đổi khí hậu.

Bài & ảnh: Quế Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Đối mặt nguy cơ hạn nặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO