Giá đất sẽ sớm hạ nhiệt

Thùy Linh| 20/04/2021 14:02

(TN&MT) - Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, trong quý II tới, giá đất tại nhiều địa phương sẽ được kiểm soát, thậm chí một số khu vực sẽ xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư giảm giá và bán "cắt lỗ".

Nhiều dự án bán trái luật

Hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương, tạo ra những cơn sóng “sốt đất” khó tin. Để chạy theo cơn sốt đất, nhiều địa phương đã cho chuyển đổi chức năng không phù hợp quy định pháp luật. Điều này làm lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng phát triển kinh tế, thậm chí gây bất ổn cho địa phương tại những khu vực đó; cản trở việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào các địa phương bởi tăng giá đất kéo theo hàng loạt các chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng…

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định: Đất đai sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt. Một số nơi tăng 2 - 3 lần chỉ trong 1 - 2 tháng. Ở nhiều địa phương có hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án để tạo sóng. Thậm chí, nhiều nơi có hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: Đất rừng, đất ruộng, vườn. Nhiều cò đất thường xuyên quy tụ, tập hợp ở những khu vực này, tạo ra sự sôi động, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc. Điều này tác động rất xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nguyên nhân chính của tình trạng sốt đất khắp nơi là khung giá đất được chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng 15 - 20%. Nhu cầu nhà ở vẫn rất mạnh trên toàn thị trường nhưng việc phê duyệt đầu tư các dự án bất động sản, tạo nguồn cung vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Vì vậy, nguồn cung trên thị trường không được cải thiện, vẫn thiếu. Đặc biệt là các dự án nhà ở phân khúc bình dân, nhà ở xã hội và dự án đất nền.

Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào bất động sản tăng mạnh, đột biến do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả bởi dịch bệnh; lãi suất ngân hàng giảm sâu cộng với việc đầu tư ngắn hạn thời gian vừa qua vào chứng khoán và vàng có lãi lớn nên nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lãi và găm giữ bằng đất.

Hệ quả của việc tăng giá đất nóng được Hội Môi giới bất động sản Việt Nam dự báo sẽ hút nguồn lực của các nhà đầu tư lao vào vòng xoáy tăng giá đất, làm giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác của quốc gia.

Trong quý II tới, giá đất tại nhiều địa phương sẽ được kiểm soát. Ảnh: Hoàng Minh

Chính quyền vào cuộc

Trước tình trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố công khai thông tin quy hoạch, chấn chỉnh công tác quản lý về giá đất. Trên cơ sở đó, nhiều tỉnh, thành phố đã gấp rút vào cuộc cắt “cơn sốt đất ảo,” thậm chí mạnh tay kéo giá đất xuống.

Ông Đào Trung Chính - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho rằng, giá đất tăng đột biến từ đầu năm đến nay đã tạo ra những cơn sốt đất lan rộng ở nhiều địa phương. Đây là hiện tượng bất thường. Để kiểm soát được cơn sốt đất, chúng ta phải kiểm soát việc mua bán, chuyển nhượng đất đai trên thị trường theo đúng quy hoạch. Những câu chuyện đi mua đất nông nghiệp rồi sau đó lại tìm cách chia, tách, phân lô, bán nền phải bị nghiêm cấm.

Đồng thời, các địa phương phải quản lý chặt các hồ sơ xin chia, tách thửa, phân lô, bán nền, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án nhà ở.

“Chúng ta cũng phải tổ chức thanh kiểm tra các dự án bất động sản đang nằm “đắp chiếu” để có phương án xử lý nhằm mục tiêu thúc đẩy nguồn hàng ra thị trường, tạo thêm nguồn cung. Như vậy mới làm hạ nhiệt thị trường bất động sản” - ông Chính nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, để xử lý dứt điểm các cơn "sốt đất” bùng phát, các địa phương cần phải cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường. Cần thiết phải gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng "sốt đất”…

"Những hành vi thổi giá lên cao thu lợi hàng trăm tỷ đồng là hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới quá trình quản lý thị trường bất động sản, xâm phạm tới lợi ích của người dân. Đây là hành vi phạm tội, phải đưa vào chế tài hình sự, tức là hình sự hóa hành vi này. Đây là điều chúng ta nên làm ngay, làm sớm, chỉ có như vậy mới đảm bảo đời sống và quyền lợi của người dân".

Luật sư Phạm Anh Phương, Công ty Luật AP Law

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá đất sẽ sớm hạ nhiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO