“Gác nước” trên dòng Mã giang

 Nguyễn Nga| 14/02/2021 07:14

(TN&MT) - Ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm Trạm Thủy văn Xã Là (trực thuộc Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) khu vực Tây Bắc) để tìm hiểu về công việc, cuộc sống của những quan trắc viên đang ngày ngày âm thầm, lặng lẽ “bắt mạch” cho dòng sông Mã.

Nằm bên bờ trái dòng sông Mã, Trạm Thủy văn Xã Là hiện có 4 cán bộ, người trẻ nhất cũng đã có hơn 10 năm gắn bó với nơi đây. Anh Nguyễn Văn Thả, phụ trách Trạm Thủy văn Xã Là chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp Trường Cán bộ KTTV, tôi công tác tại Đài KTTV khu vực Tây Bắc tại thành phố Sơn La được 2 năm rồi nhận công tác tại Trạm Xã Là từ ngày 15/4/1988 tới nay. Thế mà, đã hơn 30 năm trôi qua. Do yêu cầu đặc thù nghề nghiệp, các trạm thủy văn nằm gần bờ sông, bám theo địa hình dòng sông, phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật mới đặt được trạm, nên điều kiện khó khăn hơn so với các trạm khí tượng thường xây dựng ở khu trung tâm thị trấn, đông dân cư. Trước đây, khu vực Trạm Thủy văn Xã Là điều kiện kinh tế, đường sá, thông tin liên lạc rất khó khăn, dân cư thưa thớt, nhưng nay, đã được cải thiện nhiều”.

Chị Lường Thị Hạnh ghi chép số liệu thủy văn tại ca quan trắc lưu lượng nước

Nói về công việc hàng ngày, anh Thả cho biết: Căn cứ vào diễn biến của chế độ dòng chảy trong sông, trạm sẽ bố trí quan trắc các yếu tố thủy văn đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy phạm chuyên môn. Sau khi quan trắc thực địa, quan trắc viên sẽ thảo mã điện, chuyển số liệu quan trắc về Đài KTTV khu vực Tây Bắc. Đồng thời, vẽ lên các biểu đồ theo dõi đo đạc để đánh giá diễn biến chế độ dòng chảy, chất lượng số liệu quan trắc. Hàng năm, sẽ tiến hành tổng hợp tài liệu, chỉnh biên tài liệu thủy văn để lưu giữ thông tin. Tuy nhiên, hiện nay, chế độ dòng chảy tại mặt cắt Trạm Thủy văn Xã Là bị ảnh hưởng của việc điều tiết thủy điện Mường Hung, chế độ dòng chảy có sự khác biệt nên phải tăng cường thời gian đo đạc, quan trắc các yếu tố. Chế độ dòng chảy thay đổi liên tục cũng ảnh hưởng tới việc bố trí, đo đạc, tăng số lần quan trắc các yếu tố tại trạm.

“Tôi còn nhớ như in, trận lũ lịch sử năm 1991, cây cối trôi kín sông, chạy từ bên này sang bên kia sông cảm giác chân không cần phải chạm nước. Anh em trạm cực kỳ vất vả, vừa làm thế nào để có các thông số quan trắc kịp thời cung cấp để phục vụ các bản tin cảnh báo, dự báo lũ, vừa đảm bảo an toàn về người, bảo vệ thuyền đo đạc và các công trình cọc. Hay như trận lũ ngày 2/8/2015, mực nước lên tới 283,16 m (so với mực nước biển); chỉ kém đỉnh lũ trận lũ lịch sử ngày 2/9/1975 là 285,28 m. Thời điểm ấy, toàn trạm phải tập trung lực lượng, bằng mọi cách triển khai quan trắc số liệu mực nước, lưu lượng nước với phương án đo đạc để tính ra lưu lượng lũ. Khi đo đạc, tính toán xong, liên tục chuyển số liệu về Đài KTTV Tây Bắc. Những số liệu quan trắc đo đạc chuyển về Đài sẽ kịp thời đưa ra các bản tin cảnh báo lũ, phục vụ công tác phòng chống thiên tai tại địa phương và vùng hạ du sông Mã và nước bạn Lào” - anh Thả nhớ lại.

Tâm sự thêm về nghề, anh Thả nói: “Những ngày lễ, Tết, trạm vẫn phải đảm bảo lực lượng trực ca 24/24h, anh em phân công nhau để trực. Đã rất nhiều đêm chúng tôi đón giao thừa tại trạm, nhưng tất cả vì hoàn thành nhiệm vụ chung. Cũng may, tôi luôn nhận được sự đồng cảm, ủng hộ từ gia đình, là nguồn động viên để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt công việc được giao. Trạm này còn được gọi là “hoa hậu” của mạng lưới trạm đấy, vì còn ở sát đường, thuận tiện cho việc đi lại. Còn nhiều trạm khó khăn, vất vả hơn nhiều”.

Các quan trắc viên tiến hành “thả cá sắt” để đo lưu lượng nước

Còn với vợ chồng anh Vũ Đình Kển và chị Lường Thị Hạnh, 2 anh chị quen nhau từ Trường Cán bộ KTTV và cùng rời xa quê hương, lên đây công tác từ năm 1995. Giờ đây, Sông Mã đã trở thành quê hương thứ 2 của anh chị. Và cái “duyên” hiện nay là người con trai lớn của họ cũng đang nối nghiệp của bố mẹ, theo học chuyên ngành thủy văn tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Chị Hạnh tâm sự: “Mình là phụ nữ nên khó khăn, vất vả nhất là thời điểm con nhỏ. Cũng may có ông bà và anh chị em trong trạm luôn đoàn kết giúp đỡ, lại thuận lợi vì cả hai vợ chồng đều công tác cùng ngành nên thông cảm cho nhau. Tôi nghĩ, so với các ngành khác, nhiều người có thể thấy công việc của chúng tôi không có quá nhiều vất vả, nhưng cái cần nhất là sự tỉ mỉ, cần mẫn, tâm huyết với nghề và sự chính xác tuyệt đối về thời gian. Nhất là khung giờ 1h, 4h sáng, khi mọi người đang được ngon giấc, mình lúc nào cũng phải đặt báo thức, để đảm bảo quan trắc số liệu đúng giờ quy định”.

Người trẻ tuổi nhất ở Trạm Xã Là là quan trắc viên Nguyễn Tú Anh, nhưng cũng đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng TN&MT, chàng trai quê Thái Bình này đã lên với mảnh đất vùng biên Sông Mã và gắn bó luôn với nơi đây. “Những ngày đầu mới đi làm, hoàn cảnh sống thay đổi, nhiều cái mới lạ, đi lại vất vả, xa gia đình, bố mẹ, bỡ ngỡ nên cũng thấy buồn, cũng có lúc muốn từ bỏ. Nhưng rồi, được mọi người động viên, giúp đỡ, tôi cũng đã vượt qua những trở ngại ban đầu và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao” - Tú Anh nói.

Một năm mới đang đến. Người người, nhà nhà đang tất bật những ngày cuối năm hoàn thành những công việc còn dang dở, để dành những giây phút nghỉ ngơi sau một năm lao động bên gia đình, bè bạn. Còn những người quan trắc viên nơi đây, vẫn đang âm thầm, lặng lẽ “bắt mạch” đo đếm số liệu thủy văn, cần mẫn, tỉ mỉ bên những số liệu quan trắc, chỉ mong đảm bảo cho ra những bản tin dự báo, cảnh báo KTTV chuẩn xác nhất đến người dân.

Trạm Thủy văn xã Là được thành lập, xây dựng từ năm 1960, đặt ở bờ trái Sông Mã. Tần suất thực hiện quan trắc là 4 lần/ngày với lượng mưa; 8 lần/ngày với mực nước; 2 lần/ngày với nhiệt độ nước; lưu lượng nước theo cấp mực nước và diễn biến mực nước, tối thiểu 5 ngày/lần. Ngoài ra, triển khai quan trắc điện báo tăng cường 1h/lần khi có lũ lớn xảy ra, hay khi mưa lớn hơn 25 mm/giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Gác nước” trên dòng Mã giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO