(TN&MT) -Năm 2022, EVN dự kiến cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và tạo tiền đề để hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025.
Theo ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN: Dù trước mắt còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng toàn Tập đoàn cần nỗ lực cao độ thực hiện các nhiệm vụ đúng lộ trình; đồng thời, nhân rộng các mô hình, công nghệ đã được ứng dụng hiệu quả trong năm 2021.
Năm 2021, thực hiện chủ đề “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, EVN và các đơn vị thành viên đã quyết liệt triển khai chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Công tác chuyển đổi số đã lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng của CBCNV trong Tập đoàn. Nhiều đơn vị đã chủ động áp dụng khoa học công nghệ và mạnh dạn thay đổi tư duy trong điều hành để vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19.
Điển hình, trong lĩnh vực quản trị, EVN đã triển khai phần mềm Digital Office đến đơn vị cấp 4; ban hành 27.000 mã định danh điện tử để các đơn vị gửi/nhận văn bản trên trục liên thông văn bản Quốc gia; đưa vào sử dụng hệ thống báo cáo điều hành (BI); hoàn thành xây dựng ứng dụng phục vụ người lao động (SmartEVN).
Ban chỉ đạo chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 EVN họp phiên thứ nhất năm 2022 |
Trên các công trường xây dựng, Tập đoàn đã triển khai áp dụng thí điểm các module quản lý hồ sơ điện tử, quản lý tiến độ, nhật ký thi công; hệ thống camera giám sát trên công trường được tích hợp những ứng dụng thông minh như: nhận diện vân tay, khuôn mặt, biển số xe. Các đơn vị cũng đã bước đầu hoàn thành ứng dụng AI và mô hình trí tuệ nhân tạo tự động kiểm tra, phát hiện bất thường, kiểm soát công trường, chất lượng công trường từ xa; ứng dụng các công nghệ UAV, BIM, 3D trong khảo sát, thiết kế…
Trong lĩnh vực sản xuất, hoàn thành cơ sở dữ liệu thiết bị đối với lưới điện 110kV - 500kV đạt 100%; khối nhà máy điện đạt 80%. Các đơn vị cũng đã ứng dụng QR code để số hóa và thiết lập cơ sở dữ liệu tài sản, thiết bị, đây là cơ sở để triển khai các dịch vụ cho kiểm tra, giám sát và bảo trì bảo dưỡng thiết bị; quản lý sửa chữa theo phương pháp tiên tiến như RCM/CBM.
Nhiều đơn vị đã triển khai thử nghiệm ứng công nghệ AI trong xử lý và nhận diện hình ảnh để giám sát tuyến đường dây, các vị trí cột trọng yếu hay sạt lở; sử dụng UAV trong kiểm tra định kỳ và hành lang lưới điện, trạm biến áp không người trực; ứng dụng hiện trường (Digital Workforce) cho khối phân phối và truyền tải phục vụ công nhân trên hiện trường, rút ngắn thời gian xử lý sự cố, giao tiếp trực tuyến tại hiện trường với trung tâm điều hành,...
Đặc biệt, năm 2021, EVN tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4, tỷ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện và các hồ sơ theo phương thức điện tử toàn EVN đạt 97,89%, tăng 20,32% so với năm 2020. Triển khai các phương thức thanh toán tiền điện mới mang lại thuận lợi cho khách hàng như QRCode, Mobile Money, từ đó nâng tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt 95%. Các Tổng công ty điện lực cũng đã nâng cấp website và App CSKH, mở rộng các kênh chăm sóc khách hàng trên các nền tảng số...
Hạ tầng viễn thông và CNTT đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi số cũng được tập trung triển khai với 5 nhiệm vụ trọng tâm: thiết lập hệ thống điện toán đám mây (EVN’s Cloud); triển khai trục tích hợp và quản trị dữ liệu dùng chung ESB/MDM; xây dựng kiến trúc dữ liệu và cơ sở dữ liệu dùng chung; lựa chọn và xây dựng kiến trúc nền tảng ứng dụng (Platform); xây dựng trung tâm an ninh mạng (SOC)…
Ngoài ra, EVN đã hoàn thành kết nối với trục liên thông văn bản điện tử quốc gia và trung tâm điều hành điện tử của Chính phủ, triển khai kết nối khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối truyền nhận dữ liệu hóa đơn điện tử với Tổng cục Thuế.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN nhấn mạnh, năm 2022, EVN dự kiến cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và tạo tiền đề để hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025. Chính vì vậy, Ban chỉ đạo cùng các ban chuyên môn của EVN, các đơn vị thành viên cần tập trung triển khai những nhiệm vụ được giao đúng tiến độ; trong đó hoàn thành nhiệm vụ của 4 lĩnh vực trọng yếu gồm: quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Dù trước mắt còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng toàn Tập đoàn cần nỗ lực cao độ thực hiện các nhiệm vụ đúng lộ trình; đồng thời, nhân rộng các mô hình, công nghệ đã được ứng dụng hiệu quả trong năm 2021.